Chuyện cán bộ quảng bá nông sản cho Dân

- Họ giới thiệu, đăng tải các mặt hàng nông sản cho người dân lên mạng xã hội không phải để bán mua kiếm lời mà để quảng bá, tìm đầu ra cho người dân. Họ mày mò, tự học, tự nghiên cứu cách quay, dựng, cắt cúp video rồi trở thành những Tiktoker, youtuber, facebooker cũng là để quảng bá nông sản cho Nhân dân. Không ít cán bộ xã, thôn hiện nay đang tận dụng lợi thế của mạng xã hội để đưa nông sản người dân quê mình vươn xa.

Mày mò cả tháng trời

Sở hữu kênh Youtube Quang Thach Vlog, tiktok Quang Thach có tới hàng ngàn người đăng ký, theo dõi, anh Bì Quang Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc (Hàm Yên) chia sẻ, đến nay, anh đã thực hiện hàng trăm video chia sẻ, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản như vịt bầu đất, gà, cam, dưa chuột, cải thảo mà nhân dân làm ra.

 Anh Thạch cho biết, từ khi được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã, anh nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế trong Nhân dân khá lớn. Nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, thế nhưng chủ của những mô hình này phần lớn là nông dân chân chất, ít thành thạo công nghệ, việc quảng bá các mặt hàng nông sản chưa được người dân chú trọng. Bởi vậy, anh luôn đau đáu làm sao để nông sản của quê hương được nhiều người biết đến.

 Anh Thạch đã lên mạng tra cứu cách cài đặt kênh Yotube, cách quay, dựng video từ ứng dụng Capcut, cách livetreams. Sau khi cài đặt được kênh Yotube, Tiktok, anh Thạch bắt đầu đi quay thử rồi về dựng. Tất cả đều được anh làm trên điện thoại di động. Ban đầu vì chưa biết cách quay, những đúp hình bị mờ, rung, khuôn hình chưa đẹp, thiếu ánh sáng, anh Thạch lại cất công đi quay lại. Hết giờ làm việc, hoặc sáng sớm, thứ 7, chủ nhật, nắm được những mô hình kinh tế nào hiệu quả, anh Thạch tranh thủ đi quay video. Rồi nhiều đêm, anh thức đến tận khuya để dựng video.

Anh Bì Quang Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc (Hàm Yên) trong một lần đi quay mô hình nuôi vịt bầu của Nhân dân.

Cứ mày mò vừa học vừa làm cả tháng trời, đến nay, anh Thạch cũng quay, dựng các video để đăng tải trên kênh youtube, tiktok của mình khá thành thạo. Có video quảng bá nông sản đăng tải trên kênh youtube của anh thu hút trên 14 nghìn lượt xem. Nhiều thương lái thu mua vịt, cam khi xem xong các video của anh còn tìm được số điện thoại liên hệ trực tiếp với anh. Anh Thạch cho biết: "Có những lúc mình mày mò, tự học cũng nản, mệt lắm nhưng khi đăng lên, kết nối được các thương lái đến tìm mua các mặt hàng của nhân dân làm mình cũng vui.

Nói đến anh Quan Văn Lực, Phó Bí thư chi bộ, trưởng thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn (Lâm Bình), nhiều người dân nơi đây thường gọi vui là "Lực Youtube". Hiện nay, kênh Tiktok của anh Lực có gần 5 nghìn người theo dõi, facebook cũng có trên 5 nghìn người theo dõi, kênh youtube của anh có trên 1 nghìn người theo dõi. Anh Lực chia sẻ, anh là tổ trưởng tổ hợp tác trồng dưa chuột và trồng lạc.

Anh luôn mong muốn quảng bá rộng rãi sản phẩm lạc cũng như các mặt hàng nông sản do các thành viên trong tổ sản xuất, từ đó đảm bảo đầu ra thị trường cho người dân. Từ chỗ còn lúng túng trong quay video, dựng video, livetreams trên các trang mạng xã hội quảng bá nông sản, đến nay, anh Lực cũng đã thành thạo. Anh Lực còn đầu tư chân máy chụp ảnh gắn vào điện thoại di động để khi quay không bị rung. Anh biết chọn thời điểm để quay hình được đẹp nhất, đủ ánh sáng nhất, biết chọn các góc view. Thậm chí anh thường lên mạng để học cách livetreams. Học dần từng tí một, anh Lực cho biết phải mất mấy tháng trời tự học và mày mò mới có thể thành thạo.

Không chỉ dựng các video đơn thuần, anh Lực còn biết lồng ghép lời bình, âm nhạc, giới thiệu về các mặt hàng nông sản của nhân dân cho hấp dẫn, lôi cuốn người xem.  Vất vả là vậy, nhưng anh Lực cho rằng, mỗi video, bài viết đăng tải thu hút được nhiều người xem, hỏi địa chỉ bán các mặt hàng nông sản và được anh giới thiệu là anh thấy có ý nghĩa, bản thân anh góp phần quảng bá nông sản cho người dân địa phương. Điều đó đã thôi thúc anh dành nhiều thời gian đầu tư cho các video, bài viết của mình.

Điện thoại đổ chuông liên tục

"Khi bài viết, video của mình đăng lên giới thiệu dưa hấu sản xuất theo hướng Vietgap cho hội viên phụ nữ, điện thoại của mình ngày hôm đó đổ chuông liên tục vì nhiều người nghĩ mình bán nên hỏi mua. Mình lại cho số điện thoại, giới thiệu địa chỉ của hội viên để các thương lái tìm đến" - Đó là lời chia sẻ của chị Quan Thị Hậu, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình An (Lâm Bình).

Chị Quan Thị Hậu (ngoài cùng bên phải ảnh), Chủ tịch Hội LHPN xã Bình An (Lâm Bình) tham quan mô hình trồng dưa hấu theo hướng Vietgap của hội viên phụ nữ thôn Tát Ten.

Làm Chủ tịch Hội LHPN xã nhiều năm qua, chị Hậu luôn sâu sát với đời sống của hội viên. Chị nắm rõ các mô hình kinh tế tại các chi hội. Mô hình nào hiệu quả, chị đến tận nơi, quay video, chụp ảnh rồi viết bài, đăng tải lên mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu cho chị em hội viên. Hiện nay, trên địa bàn xã Bình An có 2 nhóm cùng sở thích trồng dưa hấu, chăn nuôi vịt bầu và gà thịt với trên 40 hội viên phụ nữ tham gia.

Nhờ duy trì hiệu quả các nhóm sở thích này, đời sống của nhiều hội viên phụ nữ đã được cải thiện, có mức thu nhập khá giả. Nắm được tình hình này, chị Hậu luôn mong muốn góp phần giúp các nông sản của chị em được quảng bá rộng rãi. Nhờ biết cách quảng bá trên facebook của Hội Phụ nữ xã và facebook của chị Hậu, những năm qua, dưa hấu, vịt bầu và gà thịt của chị em hội viên phụ nữ xã Bình An được tiêu thụ khá mạnh, được nhiều thương lái tận Hà Nội, Vĩnh Phúc tìm lên thu mua.

Chị Hậu cho biết: "Để các thương lái và khách hàng tin tưởng vào sản phẩm dưa hấu được trồng theo hướng an toàn của chị em, mình phải xuống tận mô hình, quay từng bước, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch của hội viên. Hay như quay mô hình nuôi vịt theo hướng Vietgap, mình cũng phải quay khâu chăm sóc, cho vịt ăn, khu chuồng trại, thức ăn của vịt… Có như vậy thì khách hàng mới yên tâm, tin tưởng".

Có thời điểm, dưa hấu được chị em thôn Tát Ten, xã Bình An trồng còn không đủ cung ứng ra thị trường, mỗi vụ, trung bình một hộ bán ra từ 2 đến 3 tấn, thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng, hay như mô hình vịt, trung bình mỗi hộ hội viên cung ứng ra thị trường từ 50 đến 70 con vịt/ngày.

Chính việc làm quảng bá nông sản cho người dân trên mạng xã hội của nhiều cán bộ xã, thôn tại các địa phương thời gian qua đã góp phần mở ra cơ hội tìm kiếm thị trường để tiêu thụ cho người dân. Anh Lưu Văn Phát, thôn Đồng Quảng, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cho biết, nhờ cán bộ xã quảng bá lên mạng xã hội, nhiều người đã biết đến mô hình nuôi vịt bầu của gia đình anh. Sản lượng vịt bầu bán ra thị trường của gia đình anh năm sau cao hơn năm trước, mỗi năm trung bình từ 400 đến 500 con vịt được anh cung ứng ra thị trường. Thương lái đến tận nơi thu mua.

Quảng bá nông sản cho người dân qua mạng xã hội là việc làm thiết thực, sáng tạo của nhiều cán bộ hiện nay, khẳng định sự sâu sát, gắn bó với đời sống nhân dân, giúp đỡ nhân dân phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục