Trưởng thôn “làm trước”

- "15 năm làm trưởng thôn, 8 năm nhà tôi là nhà văn hóa cộng đồng, lúc nào cũng vui như hội", Trưởng thôn La Tài San (trong ảnh), thôn Bắc Danh, xã Thanh Tương (Na Hang) mở đầu câu chuyện đầy sự hóm hỉnh. Ông tâm niệm, làm đầu tàu phải biết nhìn xa, thấy có lợi cho dân thì "dám làm, dám chịu trách nhiệm". Vì sự "liều" đó, từ một thôn "4 không", nay Bắc Danh đã có điện, có đường, có trạm y tế và có trường học.

Tiên phong trồng lúa nước

Ông San là dân tộc Dao, ông bảo, người Dao chiếm đa số ở Bắc Danh nhưng cũng khó vận động, do tập quán, tư duy canh tác và đặc biệt là không muốn thay đổi.

Những ngày giữa thu, tiết trời thật đẹp, vượt cây cầu phao nối liền Quốc lộ 2C vào thôn qua dòng sông Gâm nước xanh ngắt, những triền dốc tuy không cao nhưng quanh co, khúc khuỷu con đường bê tông nham nhở, không thẩm mỹ nhưng đó là sự cố gắng của toàn dân nơi đây.

Ông San dáng người đậm, giọng nói hào sảng đúng khí chất người vùng cao, khác với nhiều trưởng thôn chúng tôi từng gặp, ông San dẫn cánh nhà báo thăm thú toàn cảnh Bắc Danh bằng chiếc xe máy cà tàng hơn 20 năm tuổi, vừa đi vừa thuyết minh với câu từ ngắn gọn, dễ hiểu. Ông kể, ngày xưa thôn nghèo lắm, người dân chỉ canh tác bằng lúa nương, rừng do nhà nước quản lý nên không được xâm phạm, đời sống của 60 hộ dân khi ấy vô cùng khó khăn, người ta đồn, sơn cùng thủy tận như Bắc Danh có muốn khá cũng không thể vươn lên, nhiều người định bỏ làng đi nơi khác sinh sống.

 

Năm 1988, ông San lập gia đình, ngày đó chàng trai 25 tuổi mang nhiều hoài bão của tuổi trẻ, thấy dân khó khăn quá, ông San quyết phải thay đổi. Ngày đó người dân chỉ trồng lúa nương, năm nào mưa nhiều tạm đủ ăn chứ nếu khô hạn thì cái đói luôn vây hãm. Ông quyết định thử trồng lúa nước, ông chặt che, làm máng xếp trồng lên nhau, dẫn nước từ khe suối cách nhà gần 200 mét vào ruộng. Vụ mùa năm 1999, cây lúa thuần giống Nông nghiệp 8 đầu tiên được trồng, năm đó 2.000 m2 thu được hơn 1 tấn thóc, ông San trở thành hộ có nhiều thóc nhất thôn. Từ năm 2000 trở đi, khắp làng trên xóm dưới, cây lúa nước xuất hiện khắp các xứ đồng, người dân cũng không còn bị đói từ đó.

Ở những diện tích đất khó dẫn nước, ông San vận động người dân thay cây lúa nương bằng cây ngô, ông bảo, vẫn là cây lương thực, mình đưa giống ngô VN 10 vào trồng, năng suất vượt trội, cứ trồng ngô có thu hoạch sẽ mang đổi thóc, hoặc bán lấy tiền mua gạo cũng vẫn đảm bảo lương thực. Câu chuyện tưởng dễ nhưng với người dân quanh năm gắn bó với cây lúa nương thì thay đổi thật khó nhưng ông San làm được, điều này ông tự hào nhiều lắm.

Những cuộc vận động

Năm 2008, ông San được tín nhiệm được bầu làm trưởng thôn, đến năm 2010, ông tiên phong ký giao ước quyết tâm xây dựng nông thôn mới.

Ngày xưa, đường vào thôn Bắc Danh phải vượt qua dòng sông Gâm, những hôm mưa bão thôn bị cô lập ngoài đường sông, nhưng đường đi trong thôn cũng vất vả không kém, con đường nhỏ, trơn trượt khiến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Năm 2010, nhà nước có chủ trương cấp xi măng, cát, sỏi để làm đường bê tông với chiều dài 1,9 km, ngày ấy được giao trọng trách lớn, ông San cũng nhiều đêm mất ngủ, đi vận động nhân dân làm đường ai cũng bàng quan.

Vận động mãi, có ông La Minh Năng, trực tiếp nhận nhiệm vụ chèo mảng vận chuyển vật liệu xây dựng qua sông. Ông San bồi hồi, ngày đấy có 2 chú cháu cần mẫn bốc xếp vật liệu xây dựng chuyển qua sông rồi dùng xe trâu kéo về điểm tập kết, mãi về sau, thấy sự cần mẫn nhân dân dần dà cũng làm theo.

Những việc quan trọng trong thôn Bắc Danh đều được đưa ra bàn luận công khai.

Ông San kể, con đường bê tông làm trên nền đường cũ, không ai phải hiến đất nên chỉ tập trung sức dân, trong 5 năm từ 2011 - 2015 tính chung mỗi hộ dân hoàn thành được 10 m đường bê tông, vận chuyển gần 1 tấn vật liệu xây dựng, 50 ngày công lao động và đóng góp mỗi hộ 500 nghìn đồng, đường bê tông hoàn thành không có máy xúc, máy ủi mà đó đều là sức dân tự tay xén đất, san lấp mặt bằng để hoàn thành luôn đúng tiến độ.

Chỉ tay vào nhà văn hóa nằm trên triền đồi, ông San bảo, mảnh đất 1.700 m2 này do tay ông khai phá từ ngày còn trẻ, khi làm trưởng thôn ông tự xung vào quỹ đất chung của thôn để làm nhà văn hóa. Ngày làm nhà văn hóa, vận động mỗi hộ đóng góp 450 nghìn đồng làm nhà, ai cũng hưởng ứng, chỉ trong hơn 2 tháng triển khai, đến tháng 10-2014, nhà văn hóa thôn Bắc Danh đã hoàn thành, nhiều thôn trong xã Thanh Tương đều ngưỡng mộ bởi sự đoàn kết, đồng lòng của người dân.

Ông San kể, năm 2016, nhà nước đầu tư cho cây cầu phao bắc qua sông Gâm vào thôn, điểm đầu cầu đấu đúng vào con đường bê tông làm trước đó, cuối năm đó thôn có điện lưới quốc gia, có cầu, có đường, có điện đời sống người dân từng bước khấm khá, ông San và mọi người vui lắm.

Trong căn nhà gỗ chắc chắn với nhiều vật dụng đắt tiền, anh Đặng Văn Hùng đang là gia đình khấm khá của thôn. Trên vì kèo của ngôi nhà gỗ ghi dòng chữ "Hoàn thành năm 2010", anh kể, ngày xưa 2 vợ chồng ra ở riêng là hộ nghèo, để giúp đỡ anh, ông San đích thân đi xin với chính quyền, Chi cục Kiểm lâm huyện cho khai thác 1 cây gỗ tốt trên rừng để dựng nhà, người dân trong thôn cũng chung tay giúp đỡ.

Ông San cũng thường xuyên hỗ trợ nhân dân cách chăm sóc đàn vật nuôi khi cần giúp đỡ.

Cuối năm đó, anh có căn nhà gỗ khang trang để ổn định cuộc sống. Năm 2011, anh còn được giúp đỡ vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang 30 triệu đồng để làm kinh tế, gia đình anh Hùng hiện có 30 con lợn đen, 4 trâu, 20 dê sinh sản. Mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng, anh giờ cũng là cánh tay đắc lực của trưởng thôn San trong giúp đỡ mọi người có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương cho biết, xã Thanh Tương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021 chính là sự chung tay của toàn dân và những cán bộ thôn mẫu mực như ông La Tài San, cách làm đi trước gương mẫu, dám chịu trách nhiệm được chính quyền xã đánh giá cao. Tuy nằm trong vùng lõi rừng được bảo vệ nhưng nhiều năm liền không xảy ra tình trạng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép. Hiện tại một số diện tích đất canh tác thấp, không có rừng, chính quyền xã cũng cho phép người dân trồng rừng để ổn định cuộc sống và có thêm thu nhập.

Trăn trở lớn nhất của trưởng thôn La Tài San đó là tiêu chí thu nhập, do nằm trong vùng 135 nên thu nhập mới chỉ đạt 36 triệu/người/năm. Toàn thôn hiện có 84 hộ thì có 37 hộ nghèo và cận nghèo. Ông mong tương lai, Bắc Danh sẽ có thêm nhiều hỗ trợ, có điều kiện để nhân dân vươn lên thoát nghèo.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục