Nỗi niềm “một vai hai gánh”

- Một gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan và người chồng biết yêu thương, chia sẻ là mong ước bình dị của mỗi người phụ nữ. Thế nhưng, không ít phụ nữ vì một lý do nào đó họ phải chấp nhận cuộc sống "một vai hai gánh" nuôi con. Vừa làm mẹ, vừa làm cha để trở thành điểm tựa cho các con, chính bởi vậy mà ở họ luôn có một nghị lực phi thường.

"Vầng trăng khuyết"

Ít ai biết rằng chị Lê Thị Thủy, tổ 9, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) là người phụ nữ với khuôn mặt luôn tươi cười lại có những vết thương lòng với quãng thời gian khốn khó trăm bề cả về tình duyên lẫn kinh tế. Năm 24 tuổi chị Thủy lập gia đình và theo chồng vào Kiên Giang lập nghiệp với ước mơ về một mái ấm gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, sau một thời gian và có với nhau 2 đứa con, chồng chị bắt đầu rượu chè sớm tối say xỉn, thường xuyên đánh đập, chửi bới vợ con.

Thời gian đầu vì nghĩ thương con lại muốn các con có gia đình đủ cả bố lẫn mẹ, phần vì hy vọng anh sẽ nghĩ lại và thay đổi nên hết trận đánh này đến trận đánh khác chị chịu đựng rồi giải thích nói chuyện với anh nhưng đều vô nghĩa. Năm 2014, chị quyết định ly hôn và trở về quê hương làm lại từ đầu. Gần 10 năm trôi qua và cũng chừng ấy năm chị Thủy "một vai hai gánh" vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi dạy các con.

Chị Thủy bộc bạch, ra đi 2 bàn tay trắng, ngày đó khó khăn chồng chất, 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, có thời điểm các con không còn sữa để uống, có những lúc chị thấy mình đuối sức, tưởng chừng gục ngã. Nỗi lo về kinh tế đè lên đôi vai gầy của chị nhưng rồi vì các con, chị quyết tâm đứng lên làm lại trên chính mảnh đất nơi mình được sinh ra. Ban đầu chị mở cửa hàng làm tóc tại nhà mẹ đẻ, đến năm 2018, chị nhận làm thêm đồ thủ công rèm thờ, rèm cửa để kiếm thêm thu nhập lo cho các con. Những chuỗi ngày vất vả, mệt nhọc nhưng đổi lại cho các con có cuộc sống no đủ. Hai con của chị đều ngoan, học giỏi, luôn là điểm tựa tiếp thêm nghị lực để chị vượt qua khó khăn.

Cơ sở sản xuất đồ thủ công rèm cửa của chị Lê Thị Thủy (ngoài cùng bên trái), tổ 9, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chị Thủy hiện là chủ cửa hàng cho thuê trang phục sự kiện, biểu diễn và 1 cơ sở sản xuất đồ thủ công rèm thờ, rèm cửa có tiếng ở địa phương. Mỗi tháng cơ sở của chị tiêu thụ 300 bộ sản phẩm đến các tỉnh thành và hàng trăm đơn hàng được mang đi xuất khẩu. Với đơn hàng ổn định, chị đã tạo việc làm cho 9 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sau những năm tháng tích cóp, năm 2022 chị đã xây dựng được căn nhà mới khang trang 2 tầng cho 3 mẹ con an cư.

Thấm thoát đã 25 năm nhưng bà Nguyễn Thị Thuật, sinh năm 1957, tổ 19, phường An Tường (TP Tuyên Quang) không thể quên ngày "định mệnh" năm ấy. Gạt những giọt nước mắt trên đôi gò má cao gầy, xạm đen, bà kể, giữa lúc cuộc sống gia đình đang vui vẻ, hạnh phúc, công việc thuận lợi thì bà gần như ngã gục khi người chồng bất ngờ qua đời vì bị đột quỵ trong lúc đi giao hàng. Quãng thời gian ấy với bà vô cùng khó khăn, 3 đứa con đang tuổi ăn học, bà không biết mình sẽ vượt qua nỗi đau ấy ra sao để nuôi các con.

Sau nhiều đêm trăn trở, cùng sự giúp đỡ, tạo điều kiện của gia đình, hàng xóm, của Trung tâm Thủy sản bà đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, nhận ao đầu tư chăn nuôi cá. Ban ngày bà làm việc chuyên môn, cuối giờ lại tranh thủ đi bán cá giống, ban đêm lại chẻ chuối, cắt rau cho cá ăn chỉ mong kiếm thêm thu nhập để nuôi các con. Vừa làm vừa học hỏi, mô hình nuôi cá của bà đã mang lại hiệu quả, thu nhập của gia đình đạt trên 120 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi cá giống của bà còn là mô hình điểm của tổ để nhiều hội viên đến học tập kinh nghiệm. Bà Thuật bảo, 25 năm vừa làm mẹ, vừa làm cha, bà luôn hướng cho con nghị lực vượt khó, chia sẻ bầu bạn với con để mẹ con hiểu nhau hơn. Vì thế, các con của bà rất tự lập, chăm ngoan, học giỏi. Giờ đây, các con của bà đều đã trưởng thành, có gia đình và công việc ổn định nên bà yên tâm phần nào.

Nỗ lực trên mọi mặt trận

Không chỉ trở thành phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con trưởng thành, bà Nguyễn Thị Thuật còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 19, phường An Tường (TP Tuyên Quang) đầy trách nhiệm. Gần 10 năm gắn bó với vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ, bà luôn nỗ lực hết mình, không quản ngại khó khăn "đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của chị em, thắt chặt tình đoàn kết hội viên trong chi hội.

Chị Nguyễn Thị Phấn, Chủ tịch Hội LHPN phường An Tường nói, bà Nguyễn Thị Thuật là một Chi hội trưởng có nhiều sáng tạo trong các phong trào chung. Dù đã ở tuổi 66 nhưng bà vẫn mày mò, học cách sử dụng Zalo, Facebook để thường xuyên chia sẻ những mô hình kinh tế hay, những gương phụ nữ điển hình trong hoạt động của hội để chị em học tập; làm tốt vai trò cầu nối cho phụ nữ địa phương vay vốn phát triển kinh tế. Bà Thuật đã tuyên truyền, vận động chị em tích cực xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay bà Thuật đã vận động 56 hộ dân hiến đất để mở rộng tuyến đường từ tổ 18 vào gần hồ Hoàng Khai; vận động người dân trong tổ ủng hộ hàng trăm công lao động và kinh phí xây dựng nhà văn hóa của tổ.

Mô hình nuôi cá giống của bà Nguyễn Thị Thuật (ngoài cùng bên phải), tổ 19, phường An Tường (TP Tuyên Quang) là mô hình điểm của tổ để nhiều hội viên phụ nữ đến học tập kinh nghiệm.

Nhắc đến bà Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1960, thôn 3, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) người dân nơi đây ai cũng nể phục bởi bà là người phụ nữ với nghị lực phi thường. Cuộc đời bà khắc họa những nỗi vất vả khi bà sớm phải nuôi con một mình. Hơn 28 năm trước, chồng bà qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo để lại 5 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất khi ấy mới 5 tuổi.

Cũng bởi vậy mà ngần ấy năm bà chưa khi nào cho phép mình nghỉ ngơi, yếu đuối. Bà bảo, "Thương các con, tôi tự nhủ mình phải nghị lực hơn để các con có nơi nương tựa. Hàng ngày, tôi buôn bán ở chợ, ai thuê giúp việc tôi đều nhận, đến mùa vụ ai thuê đi gặt tôi cũng làm chỉ mong có tiền lo cho cuộc sống mấy mẹ con. Thương mẹ vất vả, các con tôi đều ngoan, có ý thức vươn lên, nỗ lực trong học tập để tôi yên tâm đi làm".

Không chỉ lo cho kinh tế gia đình, nuôi dạy con tốt, bà Minh còn nhiệt huyết trong các phong trào ở địa phương, bà là một tấm gương tiêu biểu 9 lần tham gia hiến máu tình nguyện, một Chi hội trưởng Phụ nữ năng động, nhiệt huyết. Trong thời gian dịch bệnh Covid -19, cá nhân bà đã trích gần 10 triệu đồng để mua các nhu yếu phẩm thiết yếu tặng 60 hộ gia đình bị cách ly ở tổ dân phố.

Bà tích cực tìm tòi, sưu tầm các loại hoa sam, mười giờ, chiều tím... để cùng các chị em trong chi hội trồng trên 3 km tuyến đường hoa tự quản; tổ chức tổng vệ sinh môi trường vào ngày thứ 6 hàng tuần; tổ chức thu gom rác thải nhựa vào ngày chủ nhật của tháng cuối quý để gây quỹ hỗ trợ hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh có khăn. Bà Minh đã nhận được nhiều Giấy khen của địa phương, của ngành, của tỉnh về những đóng góp của mình trong các phong trào ở địa phương.

Cuộc sống của những phụ nữ đơn thân với muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng các bà, các chị đều có điểm chung là có ý chí, nghị lực vươn lên. Bà Thuật, bà Minh, chị Thủy chỉ là trong số rất nhiều người phụ nữ đang ngày ngày vượt lên số phận. Họ đã và đang góp một phần nhỏ bé của mình lan tỏa việc làm tốt, phát huy những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục