Người nuôi gà thảo dược

- Khi "thực phẩm bẩn" trôi nổi trên thị trường khiến các bà nội trợ lo lắng, thì các sản phẩm thảo dược đang được người tiêu dùng quan tâm. Để xây dựng thương hiệu Gà sạch Thanh Sơn, ông Lê Đại Dương, ở thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) đã tiên phong, đầu tư mô hình nuôi gà bằng thảo dược, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gà "quý tộc"

- Alo bác Dương còn gà thảo dược không để cháu mấy chục con?

- Bác Dương ơi, cây đinh lăng kết hợp lá bỏng cho gà ăn được không?

Những ngày đầu tháng 11, ông Dương liên tục nhận những cuộc điện thoại hỏi mua gà cũng như nhờ chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà. Ở xã, vợ chồng ông Dương là hộ tiên phong trong việc cho gà ăn thảo dược. Những lứa gà của vợ chồng ông bán ra thị trường luôn được giá cao nhờ chất lượng thịt thơm ngon.

Ông Lê Đại Dương.

Năm 2000, ông Dương  chăn nuôi gà ta thả vườn làm kế sinh nhai. Ban đầu, ông đầu tư nuôi hơn 200 con gà, sau hơn 8 tháng, lứa gà đầu tiên xuất chuồng. Nhận thấy thị trường hút thịt gà mà giá bán cũng ổn định, ông tăng dần đàn gà. 

Tuy nhiên, khi đàn gà càng tăng lên cũng đồng nghĩa với chi phí nuôi, nguy cơ gà nhiễm bệnh, phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh và càng ngày càng phải dùng liều cao. Từ đó, dẫn đến kháng thuốc, càng nuôi nhiều tỷ lệ gà nuôi tại trang trại của gia đình ông càng bị chết nhiều, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường cũng tăng cao.

Để khắc phục những nhược điểm trên, ông Dương đã tham khảo những người cùng làm nghề rồi lên mạng tìm hiểu ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, từ đầu tư đệm lót sinh học, đến chọn giống gà. Thế nhưng, việc chăn nuôi gà vẫn đối diện với nhiều rủi ro khó lường.

Tháng 9-2022, tổ chức Good Neighbors International (GNI) triển khai thí điểm mô hình nuôi gà thảo dược tại xã Hợp Hòa. Ông Dương là người tiên phong tham gia thực hiện mô hình này. Khi bắt tay vào thực hiện, ông được GNI hỗ trợ 200 con gà giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Dương nhớ lại: "Những ngày đầu tôi lo lắng lắm vì chưa thấy mô hình này bao giờ nhưng sau thấy gà ăn tốt, đẹp mã, phát triển khỏe mạnh, không còn mắc bệnh hô hấp, thịt chắc, thơm ngon, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô lên hơn 700 con/lứa".

Ông Lê Đại Dương chăm sóc gà thảo dược.

Ông Dương vui vẻ gọi đàn gà của gia đình là gà "quý tộc". Bởi chăm gà này, như chăm "quý tộc", rất khó chiều mà đòi hỏi cao. Mỗi độ tuổi của gà đều có cách chăm sóc riêng. Việc phối trộn dược liệu trong thức ăn với tỷ lệ phù hợp nhất để cho gà phát triển đều, không bệnh tật, tỷ lệ hao hụt ít, gà mau lớn và đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon hơn gà nuôi bằng phương pháp bình thường khác.
"Gà dưới 1,5 tháng tuổi sẽ ăn cám công nghiệp. Trên 1,5 tháng tuổi sẽ chuyển dần từ cám công nghiệp sang thức ăn tự phối trộn và lúa bung.  Thức ăn tự phối trộn là bột ngô, cám gạo, sắn, men tỏi, men giun quế.  Ngoài ra, tôi còn nấu lúa với nước lá cây thảo dược như: Cỏ lào, khôi tía, khôi trắng, tía tô, khổ sâm, xuyến chi, xả, đinh lăng, bỏng… cho gà ăn" ông Dương nói.

Công việc suốt từ sáng đến chiều tối của ông Dương là quẩn quanh với đàn gà. Để tìm ra cách ủ thức ăn ngon nhất, nhanh nhất, ông Dương phải trải qua nhiều lần thử nghiệm. Ban đầu ông cho nguyên liệu vào trộn sơ qua, rồi mới trộn nước men, tiếp đó phải ủ thức ăn. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mà thời gian ủ khác nhau. Ông phải thường xuyên kiểm tra thùng ủ để bảo đảm thức ăn lên men đúng yêu cầu. Khi hỗn hợp có mùi thơm nhẹ là có thể dùng được.

Để bổ sung hàm lượng protein cho gà, ông Dương còn mua cá, tự ủ men phối trộn vào thức ăn cho đàn gà. Được cho ăn bằng thức ăn tự nhiên có các loại thảo dược, cho nên chỉ phải tiêm cho gà một số vắc-xin phòng dịch. Ông Dương còn sử dụng nước lá dược liệu và nước men tỏi uống hàng ngày, nên đàn gà của ông luôn khỏe mạnh, không cần phải dùng kháng sinh.

Chưa kịp đến chợ đã hết gà

Trên khu vườn rộng 0,7  ha, ông  Dương thiết kế thành nhiều khu vực khác nhau, gồm khu chuồng nuôi, khu chế biến thức ăn, các loại gà khác nhau cũng được nuôi trong những khu vực riêng. Ông trồng cây xưa, na xen các loại cây dược liệu như: cỏ lào, khôi tía, khôi trắng, tía tô, khổ sâm, xuyến chi, xả, đinh lăng, bỏng… để luôn chủ động nguồn thảo dược phục vụ cho chăn nuôi.  Gà nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên cho nên thịt gà thơm ngon, rắn chắc.

Trại gà của ông Dương hầu như không thấy mùi hôi bởi được thiết kế theo quy trình xử lý sinh học. Ông sử dụng kỹ thuật đệm lót sinh học. Sàn của chuồng gà được sử dụng trấu, mùn cưa trộn men vi sinh. Phân gà sẽ được các loại vi khuẩn khử mùi hôi hoàn toàn. Nguồn phân gà vi sinh ông để bón cho cây trong vườn.

Khu vườn của ông Lê Đại Dương được trồng nhiều loại thảo dược để chủ động nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi.

Thêm một bí quyết nữa là ông thường nuôi gà gối vụ, cứ 5 tháng ông Dương cho xuất chuồng 1 lần và gối thêm 1 lứa gà giống, cứ tuần hoàn đều đặn vậy nên quanh năm trang trại đều có gà cung cấp thị trường. Gà bán đến đâu hết đến đấy, khách rất thích vì thịt gà chắc, giá trị dinh dưỡng cao. Với cách nuôi này, mỗi năm ông Dương nuôi hơn 1.400 con gà, với giá bán 145.000 đồng/kg, ông  thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

"Riêng khoản không phải thuốc men cho hơn 1.400 con gà, gia đình tôi đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Vui hơn là nuôi gà này không phải lo đầu ra. Khách họ ăn gà nuôi thảo dược rồi sẽ không muốn ăn gà ngoài nữa, bởi sự khác biệt ở độ ngon, độ ngọt. Vì thế, gà không phải mang ra chợ như mấy giống gà nuôi công nghiệp khác. Chúng tôi chỉ cần nuôi gà sao cho đảm bảo tiêu chuẩn thì không phải lo đầu ra" ông Dương hào hứng nói.

Để nâng cao giá trị cho gà thảo dược, ông Dương làm trưởng nhóm đã liên kết với 7 hộ trong xã thành lập Nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn.  Hiện mỗi năm nhóm liên kết cung cấp ra thị trường hơn 6.000 con gà. Với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, sản phẩm gà Thanh Sơn trước khi cung cấp ra thị trường được bảo đảm về chất lượng. Hiện, số gà của nhóm liên kết đều được cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Đạt tại Hà Nội đặt hàng, bao tiêu sản phẩm, đầu ra rất ổn định.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục