Sáng bừng Gò Đá

- Xóm Gò Đá, thuộc thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) có 29 hộ dân tộc Mông gần 170 nhân khẩu. Nơi đây từng bị ví như bị màn sương u ám bao phủ nguyên nhân do một số hộ dân đã tin theo tà đạo, sống khép kín, khiến đời sống ngày càng khó khăn. Đó là chuyện cũ, nay Gò Đá đã bừng sáng với nhiều thay đổi rõ rệt…

Chuyển hóa địa bàn

Theo chân Công an xã Yên Phú, cùng cán bộ thôn 1A Thống Nhất Nguyễn Văn Bình đến thăm các hộ dân tộc Mông ở khu Gò Đá. Điều dễ cảm nhận được là sự thân thiện, cởi mở của bà con nơi đây. Vợ chồng bà Lý Thị Chua, ông Hoàng Văn Sỳ hồ hởi đón khách từ đầu ngõ.

Trong ngôi nhà ấm cúng, ảnh Bác Hồ được treo vị trí trang trọng, bà Lý Thị Chua chia sẻ: "Trước đây, mình vì thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo nên đã tin theo tà đạo. Cuộc sống tốt đẹp, no đủ ở đâu không thấy mà trái lại ngày càng nghèo khổ hơn. May mắn, nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã giúp gia đình tôi hiểu rõ bản chất, phân biệt được tốt, xấu và đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, chú tâm vào làm ăn".

Tiếp lời vợ, ông Sỳ khẳng định: "Tà đạo cứ như màn sương u ám bao trùm cả khu Gò Đá này. Hậu quả, người Mông nơi đây cứ sống khép kín, u mê trong lạc hậu, nghèo khó. Từ khi từ bỏ tà đạo, cuộc sống người Mông nơi đây đã thay đổi rõ rệt. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, mọi người yên tâm phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, tích cực tham gia công việc chung của thôn, xóm…

Lãnh đạo Công an xã Yên Phú (Hàm Yên) nắm tình hình cơ sở tại xóm Gò Đá, thuộc thôn 1A Thống Nhất.

Anh Lý Văn Chí cũng như nhiều thanh niên dân tộc Mông ở xóm Gò Đá từng tin theo tà đạo vì trước đó có bố mẹ đã tin theo. Anh bỏ học giữa chừng bởi cho rằng không đi học cũng biết chữ. U mê tin rằng, không làm cũng có ăn nên anh từng bỏ việc đồng áng để đi tham gia những buổi sinh hoạt, múa hát do tổ chức tà đạo tổ chức. Hậu quả, nghèo đói cứ mãi đeo bám.

Trong ngôi nhà mới xây từ sự hỗ trợ của Nhà nước và chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Chí bày tỏ, từ khi lấy vợ, có con ra ở riêng và đi làm ăn xa, được tiếp xúc với môi trường bên ngoài và được cán bộ xã tuyên truyền, giải thích đã giúp anh hiểu rõ bản chất và từ bỏ cái xấu. Anh đã chú tâm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống gia đình.

Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Công an xã Yên Phú cho biết: Trên địa bàn xã, đồng bào Mông chỉ gần bằng số lẻ trong tổng số hơn 9.200 nhân khẩu của xã và đều sống tập trung ở xóm Gò Đá. Từng một thời, các hộ dân tộc Mông vì nhẹ dạ cả tin, bị kẻ xấu lôi kéo theo tà đạo, sống khép kín… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, công tác giảm nghèo của địa phương.

Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, xây dựng xã trở thành điển hình về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an và các đoàn thể xã đã tích cực phối hợp cùng cán bộ thôn kiên trì đến tận từng hộ dân để tuyên truyền, giải thích, vận động. Đến cuối năm 2022, tất cả 29 hộ dân tộc Mông ở Gò Đá đều hiểu rõ bản chất và cam kết từ bỏ tà đạo. Điều đáng mừng, từ nhận thức đúng đắn đó, Nhân dân đã sống hòa đồng, cởi mở, tích cực tham gia các hoạt động chung của thôn, xã và yên tâm lao động sản xuất.

Từ bỏ tà đạo, nhiều phụ nữ Mông xóm Gò Đá đã mạnh dạn, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Củng cố niềm tin của dân

Theo đồng chí Đỗ Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Phú, song song với công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo, giữ vững ổn định an ninh trật tự tại xóm Gò Đá, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao đời sống đồng bào Mông nơi đây. Việc ưu tiên thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án tại Gò Đá đã, đang phát huy hiệu quả tích cực, không ngừng nâng cao đời sống của bà con.

Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, xóm Gò Đá đã được làm đường bê tông dài 3,6 km chạy khắp xóm; có 11 hộ được hỗ trợ kinh phí làm nhà mới, sửa nhà và xây công trình vệ sinh; đầu tư 5 giếng khoan và cấp 15 téc nước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con. 29/29 hộ đã được tặng thùng rác để phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mới đây, có 7 hộ được hỗ trợ 7 cặp bò giống để phát triển nuôi bò sinh sản và cùng với đó 29 người dân đã được dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi.

 Dịp đầu năm 2023, Công an tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ gần 50 triệu đồng xây dựng công trình "Thắp sáng đường quê - Bảo đảm an ninh trật tự" tại Gò Đá. Công trình có chiều dài 600 mét với 27 cột đèn giúp người dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Đồng chí Bí thư Chi bộ thôn 1A Thống Nhất Nguyễn Văn Bình giới thiệu thêm: Điều đáng ghi nhận là các hộ dân tộc Mông ở Gò Đá không ngừng nỗ lực vươn lên, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, cuộc sống dần khấm khá hơn. Nếu trước đây hầu như rất ít người đi làm thuê, nhưng vài năm gần đây, các thanh niên ở Gò Đá đã tích cực đi làm thợ xây, làm công nhân ở các xưởng sản xuất, công ty để tăng thêm thu nhập gia đình. Không chỉ trồng rừng, trồng ngô, một số hộ đã mạnh dạn đưa cây na lên trồng ở khu vực núi đá bước đầu đã được "hái quả ngọt" thu hàng chục triệu đồng/năm như hộ chị Hoàng Thị Chợ, hộ anh Thiên Văn Nùng, hộ anh Dương Văn Bình.

Từ chăn nuôi trâu, bò giúp gia đình chị Hoàng Thị Phương, dân tộc Mông, ở xóm Gò Đá, thuộc thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) thoát nghèo trong năm 2023.

Nhiều hộ đã vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, lợn thịt, gà thả đồi. Đến nay, xóm Gò Đá có tổng đàn trâu, bò hơn 30 con. Hộ nuôi nhiều trâu, bò là chị Hoàng Thị Phương, bà Lý Thị Chua… Nhờ đó, trong năm 2022 và 2023, ở xóm Gò Đá có tới 8 hộ thoát nghèo, giảm xuống còn 18 hộ/29 hộ. Tiêu biểu có anh Đào Văn Sùng đang là Phó thôn đã tiên phong, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để làm động lực vươn lên, mong muốn góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội.  

Vừa tranh thủ lấy cỏ cho đàn trâu, bò của gia đình, chị Hoàng Thị Phương, dân tộc Mông khẳng định: "Gò Đá giờ đã bừng sáng rồi, không còn bị màn sương u ám che phủ nữa. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, thôn có đường bê tông rộng, đèn đường chiếu sáng ban đêm, nhà nhà đều được dùng điện lưới, nước sạch, trẻ con được đi học đầy đủ. Các hộ đoàn kết bảo ban nhau trồng trọt, chăn nuôi, đi làm công nhân… cuộc sống sẽ dần khá lên mỗi ngày".

Những khởi sắc ở xóm Gò Đá đã minh chứng rõ nét về vùng quê thanh bình, tạo môi trường xã hội an toàn để phát triển; niềm tin của người Mông đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao.

Phóng sự: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục