Cổ tích gai xanh

- Bóng những người nông dân đổ trên những luống gai xanh mướt, màu mỡ. Thứ cây trồng “nửa mới nửa cũ” này mới bén rễ ở Tân Thanh (Sơn Dương) hơn một năm nay, nhờ công của Giám đốc Hợp tác xã Phú Sơn Nguyễn Văn Mạnh, nhưng đã mở ra một câu chuyện cổ tích cho cả đất và người nơi này.

Cái duyên với tơ sợi

Ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn Vĩnh Tiến nhỏ thó và nhanh nhẹn. Bám ruộng, bám đồi gần 50 năm qua, ông Mạnh bảo, mình đã trải qua đủ thứ nghề, với đủ loại cây trồng sắn, ngô, khoai, lạc... Nhưng thứ cây mà ông duyên nợ nhiều lại là cây tạo ra nguyên liệu cho ngành may mặc.

Năm 1999, ông tiên phong đưa cây dâu tằm về trồng. Sợi kéo được bao nhiêu, được bán cho các doanh nghiệp may mặc và xuất sang Trung Quốc bấy nhiêu. Nhưng trồng dâu nuôi tằm là thứ nghề đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nghề sống trong dân được 7 năm thì mai một. Nguyên nhân phần lớn là vì nhiều bà con không làm chủ được kỹ thuật, số lượng tằm chết nhiều khiến bà con thất thu. Ông Mạnh cứ chạy quanh, chữa cho nhà này, thì nhà khác mắc bệnh. Lâu dần, ai cũng nản. Nghề cũng mất dần vị thế, người dân lại quay về với cây mía, cây khoai.

Gia đình ông Mạnh cũng vậy. Một mình không thể duy trì được nghề, cả khoảnh vườn mênh mông trước trồng dâu, ông chuyển qua trồng mía. Nhưng cứ như có người thúc giục, ông Mạnh vẫn đau đáu tìm một loại cây trồng mới bền vững hơn với đất Vĩnh Tiến.

Sợi gai xanh lứa đầu tiên đảm bảo chất lượng, chuẩn bị giao cho Nhà máy sản xuất sợi vải cao cấp An Phước.

Rảnh rỗi, ông mày mò vào Internet tìm kiếm thông tin. Năm 2018, ông được đọc những bài báo đầu tiên về cây gai xanh. Lúc đấy thông tin chưa bùng nổ như bây giờ, nhưng ngay khi đọc những thông tin đầu tiên về cây gai xanh, về lợi ích của nó, ông đã bị cuốn vào đấy. Phần vì cảm thấy đây là thứ cây trồng của tương lai, phần lại nhớ những ngày trồng dâu nuôi tằm, kéo những sợi tơ vàng óng trước đây.

Ông Mạnh vốn là người nhìn xa trông rộng. Ông bảo, cuộc sống càng được nâng lên, thì nhu cầu về may mặc càng lớn, dư địa cho ngành may mặc ở Việt Nam còn rất nhiều. Đáng tiếc là nguyên liệu cho ngành may mặc hiện gần như nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Thế nên, khi biết có một nhà máy sản xuất sợi vải cao cấp ở Thanh Hóa, ông chỉ có một quyết tâm là được trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết ấy.

Khi kiến thức từ Internet đã đủ, ông Mạnh quyết định rời màn hình điện thoại để đưa cây về trồng tại địa phương. 3 năm trời, ông ròng rã các chuyến đi Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La, học từ cách trồng, cách chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh... Nhưng nỗi lo của người nông dân, về những loại cây có “tuổi thọ” dăm ba năm khiến ông chưa yên tâm. Ông Mạnh bắt xe khách vào Cẩm Thủy, Thanh Hóa, nơi đặt nhà máy sản xuất sợi vải cao cấp của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phước - đơn vị thu mua loại cây này để đặt vấn đề liên kết. Sau chuyến đi này, ông thành lập Hợp tác xã Phú Sơn - bước đi đầu tiên trong chuyến hành trình với cây nguyên liệu này.

May mắn của ông Nguyễn Văn Mạnh là thời điểm này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã tìm kiếm và xây dựng dự án đưa cây gai xanh về trồng tại Tuyên Quang. Ông Mạnh ví von, công cuộc này giống như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vậy.

Người giàu, đất cũng “giàu” theo...

Tháng 7 - 2021, gần 11 ha cây gai xanh được đưa về trồng ở Tân Thanh. Cây bén rễ, xanh mướt trên khắp các cánh đồng. Ưu điểm của giống cây này là chỉ với một lần trồng, người nông dân có thể thu hoạch trong 10 năm. Sau mỗi vụ thu hoạch, từ gốc cây gai xanh lại mọc lên cây non và mật độ ngày càng lớn hơn. Sau 10 năm, rễ của cây gai xanh có thể thu hoạch để làm dược liệu. Hợp tác xã Phú Sơn cũng ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tập đoàn An Phước trong 10 năm để thu mua nguyên liệu theo đúng một chu kỳ cây trồng.

Cây xanh đồng, ông Mạnh lại bắt xe sang Phú Thọ, trực tiếp xuống ruộng cùng người nông dân ở đây học kỹ thuật tước vỏ cây thành sợi. Ông bảo chuyến đi này mở ra nhiều thứ. Ngoài học được cách để cây biến thành sợi, ông còn biến những tài liệu sách vở thành hiện thực. Vì trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, cây lại có thời gian thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 40 - 45 ngày/lứa, nên cây hầu như không có sâu bệnh, cũng chẳng mất thời gian làm cỏ. Sau mỗi lứa, bà con chỉ bón thêm phân, vun gốc, rồi về... chờ đến lứa tiếp theo.

Cây gai xanh lứa đầu tiên đã xanh đồng đất Tân Thanh.

Cái hay của mô hình trồng cây gai xanh là áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn hữu cơ. Không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc trừ cỏ. Cây gai xanh một năm cho thu hoạch 5 lứa và đặc biệt phù hợp với đồng đất Tân Thanh. Ông Mạnh minh chứng, ở các vùng nguyên liệu ở Phú Thọ, Sơn La, lứa đầu tiên gần như không cho thu hoạch mà phải chặt bỏ do cây phát triển chưa đạt chiều cao tối thiểu và cho chất lượng sợi như yêu cầu của nhà máy, thế nhưng ở Tân Thanh, ngay vụ đầu tiên, cây gai xanh đã đạt chiều cao tối đa 2,7 - 3 mét. Mỗi sào gai xanh thu về 25 kg sợi khô. Giá mỗi kg sợi khô được Hợp tác xã Phú Sơn thu mua với giá ổn định 40 nghìn đồng.

Ông Khổng Văn Kiểm, thôn Nga Phụ có 6 sào trồng gai xanh. Nhà ông Kiểm năm vừa rồi thu 5 lứa, trừ chi phí mỗi sào lãi 10 triệu đồng/năm. Ông Kiểm bảo, cái hay của mô hình này là bà con chỉ việc trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, tất cả mọi khâu còn lại đã có hợp tác xã lo. Trước đây làm nông nghiệp là “trông trời trông đất trông mây”, giờ chỉ “trông” sao cho đến ngày thu hoạch thôi. 

Bên cạnh lợi ích kinh tế rõ rệt, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất lớn. Sau khi thu hoạch phần vỏ, thân cây và lá sẽ được người trồng băm nhỏ, rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ cho đất. Do có hàm lượng protein tốt (lá gai được dùng làm bánh gai) nên thân và lá cây gai xanh nhanh chóng giúp đất trở nên tơi xốp, nhiều dưỡng chất. Có lẽ vì đặc tính này mà nếu so với sợi tơ tằm, thì sợi từ cây gai xanh có nhiều ưu điểm hơn hẳn. Sợi gai được mệnh danh là “vua của các loại sợi tự nhiên”, là “vàng mềm ngàn năm”. Nếu như sợi tơ tằm phải mất cả chục ngày mới phân hủy được, thì sợi gai xanh chỉ mất 3 - 4 ngày, nhưng sợi vải từ sợi gai lại bền hơn gấp nhiều lần.

Khoe hình ảnh những sợi gai trắng muốt từ chuyến đi thăm dây chuyền sản xuất sợi vải cao cấp ở Nhà máy sản xuất sợi vải cao cấp của An Phước ở Cẩm Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Mạnh bảo, khi tận mắt nhìn những sợi gai xanh thô mộc, qua công nghệ hiện đại biến thành những sợi tơ óng ả để dệt thành vải cao cấp, tình yêu của mình với thứ cây trồng này càng lớn. Dòng sản phẩm từ sợi gai nguyên chất có giá thành khá đắt, lên đến cả chục triệu đồng/bộ trang phục. Để phổ biến hơn, sợi gai đang được kết hợp với nhiều loại sợi khác như sợi tre, bông, polyeste... để vẫn giữ được những đặc tính quý giá mà giá thành có thể giảm đi. Đây chính là nguyên liệu của ngành may mặc trong tương lai, khi mà câu chuyện sản xuất gắn với bảo vệ môi trường đang được Việt Nam, cũng như nhiều nước quan tâm. Đây cũng là niềm tin để ông theo đuổi giấc mơ tạo nên câu chuyện cổ tích có hậu với cây gai xanh trên đồng đất quê hương mình.

Năm 2022, Hợp tác xã Phú Sơn sẽ mở rộng diện tích trồng cây gai xanh lên thêm 100 ha, mở rộng ra các xã Phúc Ứng, Tú Thịnh, Kháng Nhật, Tân Trào, Trung Yên. Ông Mạnh cũng đã đặt vấn đề với Công ty cổ phần Tập đoàn An Phước xây dựng một vườn ươm cung cấp cây giống tại Tân Thanh, để giảm thời gian vận chuyển cây giống từ Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đến Sơn Dương.

Ghi chép: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục