Đảng viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm

- Bản Chỏn là thôn còn nhiều khó khăn của xã Phúc Sơn (Lâm Bình). Những năm gần đây, diện mạo của thôn có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Đó là kết quả từ việc phát huy vai trò của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ và sự tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên trong chi bộ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Dẫn tôi đi thăm mô hình trồng dưa lê, dưa hấu bằng màng phủ ni lông có diện tích hơn 3.000m2 của mình, ông Chẩu Văn Anh, Bí thư Chi bộ thôn Bản Chỏn chia sẻ, trước đây, mảnh ruộng này được gia đình ông sử dụng trồng ngô. Tuy nhiên, công sức bỏ ra nhiều nhưng năng suất thu về không được là bao. Ông mang những trăn trở đó đưa ra cuộc họp chi bộ thôn để các đảng viên cùng nhau tìm hướng giải quyết. Thật trùng hợp khi những điều ông trăn trở cũng là những suy nghĩ của nhiều đảng viên mà chưa có cơ hội nói ra. Ông cùng chi bộ đã họp bàn, thống nhất và chính các đảng viên sẽ là người thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đầu tiên trong thôn.

Tuyến kênh mương đúc sẵn được làm từ sự đóng góp của nhân dân thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) góp phần mang lại những vụ mùa bội thu.

Mọi người lựa chọn mô hình trồng dưa lê, dưa hấu, dưa chuột bằng phương pháp màng phủ ni lông. Phương pháp này giúp người trồng không mất nhiều công chăm sóc. Các loại dưa này đều có chung ưu điểm là dễ sống, dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch. Dưa được người dân trồng hữu cơ, sử dụng phân chuồng hoai mục, không dùng phân hóa học. Cây không phải chăm sóc nhiều, cho thu hoạch sau 2 tháng, mỗi năm trồng khoảng 3 lứa. Gia đình ông Chẩu Văn Anh là người đầu tiên chuyển đổi 3.000m2 đất sang trồng dưa lê và là người chuyển đổi nhiều nhất ở xã. Nếu như trước đây trồng lạc, ngô, mỗi năm chỉ thu được khoảng 10 đến 20 triệu đồng/vụ thì năm 2021, nhờ chuyển sang trồng dưa lê gia đình ông đã thu về gần 100 triệu đồng/vụ. Đây có thể nói là bước chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng quê còn nhiều khó khăn.

Ngoài gia đình ông Anh, nhiều đảng viên khác cũng đã mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như đảng viên Ma Thị Bình đã chuyển đổi 2.200m2 đất ruộng sang trồng dưa lê, dưa hấu. Bà Bình bảo: “Trước là làm cho mình, sau là để bà con nhìn thấy và mạnh dạn làm theo. Sau khi tìm hiểu kỹ về đất đai, thổ nhưỡng và học hỏi các mô hình cây dưa lê, dưa hấu được chăm sóc đúng quy cách nên phát triển tốt và sai trái. Người dân thấy vậy cũng đã hào hứng thực hiện theo, người cũ hướng dẫn người mới, vướng ở đâu tháo gỡ ở đó không chỉ mang lại những hiệu quả kinh tế tích cực mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong thôn”. Hiện nay, toàn thôn đã có gần 20 gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích trên 1,1ha dưa lê, dưa hấu.

Sức mạnh từ trong dân

Phát huy vai trò của đảng viên, mỗi đảng viên trong chi bộ luôn tự nhận thức trách nhiệm của mình đối với việc vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đảng viên luôn là người tiên phong tham gia đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất làm đường nội đồng...

Khi thực hiện xây dựng đường bê tông nội đồng và kênh mương đúc sẵn, chi bộ đã thống nhất đưa ra cuộc họp thôn lấy ý kiến toàn dân về việc mở rộng nền đường từ 3m lên 5m. Đảng viên trong chi bộ đều tự nguyện hiến phần đất ruộng của gia đình mình, điển hình như đảng viên Chẩu Văn Dương, Ma Doãn Đằng mỗi gia đình hiến trên 100m2... Tính từ năm 2021 đến nay, nhân dân trong thôn đã góp 300 ngày công lao động, đóng góp gần 100 triệu đồng, hiến hơn 1.500m2 đất để xây dựng và chuẩn bị xây dựng hơn 600m đường bê tông nội đồng.

Người dân thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) phấn khởi thu hoạch những trái dưa lê đầu mùa.

Nhờ có những đảng viên đi đầu mà việc vận động nhân dân tham gia đóng góp luôn nhận được sự ủng hộ cao. Ông Quang Văn Trường là người dân tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như việc hiến đất làm đường, đóng góp sức người, sức của. Ông cho biết, bản thân ông nhận thấy sự tiên phong trong phát triển kinh tế cũng như xây dựng các công trình phục vụ sản xuất của các đảng viên là hướng về người dân nên ông sẵn sàng tham gia các hoạt động. Gia đình ông cũng chủ động chuyển đổi hơn 2.000m2 đất nông nghiệp sang trồng dưa lê và đóng góp hơn 100m2 đất để làm đường bê tông nội đồng, góp phần thuận tiện cho việc lao động sản xuất của chính gia đình và người dân trong thôn.

Đồng chí Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Chi bộ Bản Chỏn luôn đi đầu lãnh đạo thực hiện mọi hoạt động và có những cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, nhờ có sự đồng thuận từ mỗi đảng viên trong chi bộ đến quần chúng nhân dân, thôn Bản Chỏn đã có những thay đổi tích cực về đời sống nhân dân, an ninh trật tự được ổn định.

Những ruộng dưa xanh mát rượi như dịu đi cái nắng đầu hè oi ả. Chia tay người dân thôn Bản Chỏn tôi nhìn thấy một niềm tin mãnh liệt, niềm tin về sự đủ đầy cho tương lai.

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục