Di tích cấp quốc gia Thành Tuyên Quang

- Tuyên Quang là vùng lãnh thổ tươi đẹp, lâu đời của Tổ quốc Việt Nam. Các thời kỳ lịch sử dựng nước, giữ nước đều để lại dấu ấn trên đất Tuyên Quang. Sự hiện diện đầy đủ các loại hình di tích từ cổ đại đến hiện đại chứng tỏ điều đó.

Với hơn 500 di tích, cụm di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 118 di tích và danh thắng cấp Quốc gia, Tuyên Quang là một trong những tỉnh, thành phố có số lượng di tích vào hàng nhiều nhất cả nước.

Di tích quốc gia Thành Tuyên Quang nằm trên trục đường Bình Thuận.

Thành Tuyên Quang (còn gọi là thành nhà Mạc) nằm giữa hai khu phố Xuân Hoà và Tam Cờ, thuộc địa phận phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, được xây dựng vào khoảng năm 1533-1548. Thành xây theo kiểu hình vuông, mỗi bề dài 275m, tường thành cao 3,5m, bề dày phía trên cùng thành 0,8m.

Ở giữa mỗi mặt thành có một cửa bán nguyệt mở ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Trên cửa xây tháp, mái lợp bằng ngói vảy. Bên trong tường thành có một con đường nhỏ để tiếp đạn dược, cấp cứu, tải thương. Gạch xây thành bằng đá ong chứa quặng sắt, rất rắn. Ngoài cùng bao thành là một lớp hào sâu ngập nước. Đầu thời Nguyễn, thành được sửa chữa, gia cố thêm, xây bằng loại gạch nhỏ.

Trong thành, chếch về hướng bắc có núi Thổ Sơn, cao gần 50m, dốc đứng, rất tiện cho việc quan sát và cố thủ khi bị bao vây. Án ngữ bên bờ sông Lô, nằm trên trục giao thông thuận lợi, địa hình và cấu trúc làm cho thành có một vị trí quân sự trọng yếu. Đã có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trong thành nhà Mạc:

Năm 1884, đồng bào các dân tộc do Lãnh Chân, Đốc Thịnh chỉ huy cùng với quân của Lưu Vĩnh Phúc, vây hãm quân Pháp trong thành từ tháng 8-1884 đến tháng 4-1885, chặn đánh chiến thuyền tiếp tế, đào nhiều đường hầm, dùng thuốc nổ để công phá. Trong tổng số 600 tên địch đã có 200 tên bị diệt, hơn 300 tên bị thương.


Một góc di tích Thành Tuyên Quang trên đường Lương Sơn Tuyết, Phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.

Rạng sáng ngày 17-8-1945, dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, Quân giải phóng, tự vệ địa phương nhanh chóng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, trại bảo an, nhà bưu điện, sở kho bạc, chỉ còn thành Tuyên Quang do quân Nhật đóng trại. Ngày 20-8, Quân giải phóng vừa chặn đánh quân Nhật từ Hà Giang xuống vừa tập trung lực lượng tấn công vào thành, tổ chức đông đảo quần chúng tuần hành thị uy. Ngày 21-8, quân Nhật buộc phải đầu hàng.

Ngày 20-3-1961, tại sân vận động ở chân núi Thổ Sơn, nhân dân Tuyên Quang mít tinh đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và làm việc.

Di tích thành Tuyên Quang được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 1548, ngày 30-8-1991 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch.

Thái Hiền

(Theo địa chí Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục