Tuyên Quang thời Tiền sử - Sơ sử

- Tuyên Quang là một vùng đất cổ. Những cuộc điều tra và khai quật khảo cổ ở đây cho thấy có một số lượng lớn các di tích và di vật phân bố dọc theo dòng chảy của sông Chảy, sông Gâm, sông Phó Đáy mà trục trung tâm của nó là sông Lô.

Các nhà khảo cổ học trong hang Phia Vài.

Cho đến nay, Tuyên Quang đã phát hiện 7 di tích thuộc văn hóa Hòa Bình phân bố trên bậc thềm sông Gâm ở khu vực Na Hang; khai quật một di tích có niên đại Hòa Bình sớm tại di chỉ hang Phia Vài, xã Xuân Tân, huyện Na Hang (nay là xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình); khai quật hai di tích có niên đại Hòa Bình muộn tại hang Thẳm Vài, xã Phúc Sơn (Lâm Bình); di tích hang Phia Muồn, xã Sơn Phú (Na Hang); những chiếc bôn đá thuộc loại hình văn hóa Hạ Long ở xã Thái Sơn và thị trấn Tân Yên (Hàm Yên), xã Xuân Vân (Yên Sơn), xã An Khang (TP Tuyên Quang); di tích Bãi Soi, xã Bạch Xa (Hàm Yên); di tích Pá Van, xã Vĩnh Yên (Na Hang) (xã này từ năm 2002 nằm trong lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã giải thể); di vật gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở đôi bờ sông Phó Đáy; thị trấn Sơn Dương; công cụ lao động, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức thuộc văn hóa Đông Sơn tại thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); xã Xuân Vân, (Yên Sơn); xã Thiện Kế và xã Hồng Lạc (Sơn Dương)...

Các di tích này không những góp phần khẳng định Tuyên Quang là vùng có mật độ phân bố cao các di tích văn hóa thời Tiền sử - Sơ sử mà còn làm phong phú thêm loại hình di tích di vật và khẳng định rõ ràng hơn sự kết nối các giai đoạn trước và sau của các nền văn hóa trong và ngoài khu vực.

Đặc biệt, đã phát hiện được nhiều di tích cổ sinh cách đây hàng chục vạn năm, như di tích hang Đá Đen ở thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên); chứng tỏ cách đây hàng chục vạn năm, Tuyên Quang đã có nhiều loài động vật như lợn rừng, hươu, nai, khỉ, vượn, nhím và một số động vật ăn thịt...

(Còn nữa)

Thảo Chi (Theo Địa chí Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục