Kinh tế tập thể “tiếp sức” cho người dân vùng khó

- Liên kết phát triển nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đang là những điểm mạnh mà kinh tế tập thể, kinh tế Hợp tác xã (HTX) đang làm để dẫn dắt, "tiếp sức" cho người dân vùng khó. Từ những điểm tựa này, nhiều nông dân vùng khó đã bứt phá, làm giàu trên chính những mảnh vườn, khoảnh đồi, góp sức xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Nâng cao giá trị cho nông sản

Giá trị của cây chè Hồng Thái (Na Hang) bắt đầu được phục dựng từ lúc HTX Sơn Trà tìm được đầu ra cho sản phẩm. Khoảng năm 2013, ông Đặng Ngọc Phố về bản, sau khi đọc được thông tin một người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái làm chè Shan tuyết bán hàng triệu đồng mỗi cân, ông giật mình, bởi ở Hồng Thái chè Shan tuyết mọc như rừng. Ngày ấy, dân trong bản đã biết hái chè Shan tuyết sao để uống, chứ chưa bán như bây giờ. Lân la hỏi kinh nghiệm và bí quyết chế biến, ông Phố học theo, bắt đầu là sao chè bằng củi, rồi mang biếu những người thân quen. Dù vị đượm, hương thơm mát như hương vị đất trời vùng cao, nhưng chất lượng chè ngày ấy không đồng đều. Đau đáu với cây chè, ông Phố đã tìm cách chuyển từ một tổ hợp tác thành HTX từ năm 2017, đến nay HTX Sơn Trà có 20 thành viên tham gia, hoạt động 2 lĩnh vực là sản xuất, đó là chế biến chè và sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan tuyết của HTX là 64 ha, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, 35 ha chè trồng trên 20 năm tuổi đang được HTX liên kết với các hộ dân trên địa bàn chăm sóc, thu hái và bảo vệ.

Chè Shan tuyết Lộc Trà của HTX Sơn Trà (Na Hang) được giới thiệu với các nhà khoa học quốc tế tại Diễn đàn điều phối khu vực kinh tế tư nhân các tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Yên Bái.

HTX Sơn Trà hiện có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao là chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá, chè Shan tuyết Lộc Trà; 1 sản phẩm đạt 3 sao là Chè Shan tuyết 1 tôm 2 lá. Sản phẩm đang được thử nghiệm ở hai thị trường Pháp và Mỹ, hướng tới đưa mục tiêu đạt chuẩn chất lượng 5 sao để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Vườn chè Shan tuyết quy mô 8 ha của gia đình ông Triệu Xuân Khang, thôn Nà Mụ, xã Hồng Thái đang thời kỳ cho thu hoạch. Ông Khang cho biết, nếu không có HTX Sơn Trà thu mua, hướng dẫn người dân chăm sóc chè những năm qua thì giá trị cây chè Shan tuyết không lớn như hiện nay. Mỗi năm từ vườn chè, gia đình ông thu trên dưới 200 triệu đồng.

Đồng chí Trần Đức Tuấn, bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Các HTX đã quan tâm chú trọng đầu tư trang thiết bị, khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, "tiếp sức" trong liên kết xuất và tiêu thụ sản phẩm; chung tay cùng với Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tạo công ăn việc làm cho bà con, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương".

HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) là một trong các đầu mối sản xuất và cung ứng cam sành chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX được thành lập năm 2008, hiện nay HTX có 16 thành viên. Cây cam trở thành cây trồng mang giá trị kinh tế, giúp các thành viên HTX ổn định và nâng cao đời sống, một số thành viên đã làm giàu từ cây cam. Diện tích trồng cam của HTX là 50 ha, cam được trồng và chăm sóc theo quy trình đảm bảo an toàn, từ các khâu: Làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... Nhờ chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất và sản lượng cam của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước. Hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP từ năm 2015 (diện tích 4,5 ha).

Đồng chí Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu xác nhận, ngoài việc quan tâm chăm sóc diện tích cam của HTX, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn miễn phí cho người dân trong vùng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản… để sản phẩm cam sành có chất lượng tốt nhất.

"Tiếp sức" cho đồng bào dân tộc thiểu số

Kinh tế tập thể, HTX đang là điểm tựa, dẫn dắt, "tiếp sức" cho nhiều hộ dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng khó bằng cách liên kết với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vốn, giống và bao tiêu sản phẩm.

Năm 2021, HTX Nông lâm nghiệp Phú Sơn, xã Tân Thanh (Sơn Dương) được dự án KOICA, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước - Viramie (Hà Nội) phối hợp, hỗ trợ triển khai mô hình "Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh AP1". Mô hình có quy mô 10,2 ha, với 31 hộ dân huyện Sơn Dương tham gia. Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phú Sơn cho biết, ngay khi triển khai mô hình, HTX được dự án KOICA, doanh nghiệp cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, sau đó thu mua sản phẩm. Cây gai xanh AP1 là loại cây lưu gốc, khả năng sinh trưởng nhanh, vỏ gai khô dùng làm vải, củ làm dược liệu.

Cây trồng 1 lần có thể cho thu hoạch trong vòng 10 năm. Đến nay, HTX đã thu hoạch được 4 lứa, mỗi lứa thu được 1 tấn/ha, giá bán 40.000 đồng/kg, tương đương với 40 triệu đồng/lứa, dự kiến lứa sau sản lượng tăng lên 1,2 tấn. Một năm thu 4 - 5 lứa, cho doanh thu đạt 80 - 120 triệu đồng/ha/năm. Tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, HTX được doanh nghiệp ký hợp đồng trồng và tiêu thụ sản phẩm đến năm 2031 nên các thành viên của HTX rất yên tâm sản xuất. HTX đang cố gắng đưa diện tích gai xanh lên 100 ha.

Ông Đặng Văn Tài, thôn Vĩnh Tiến, xã Tân Thanh cho hay, tháng 7 - 2021, ông tham gia Hợp tác xã Phú Sơn và chuyển 5 sào đất soi bãi trồng ngô sang trồng cây gai xanh, thu được 24 triệu đồng/năm, được bao tiêu đầu ra. Đây chính là động lực để người dân chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.   

Cam sành đang được thành viên HTX nông nghiệp sạch Minh Khương (Hàm Yên) trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Vườn cam của các thành viên Hợp tác xã trái cây hữu cơ Chiêu Yên (Yên Sơn) đã có "lực" từ nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện mục tiêu chuyển hướng sản xuất từ đại trà sang hữu cơ, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc HTX cho biết, năm 2017 HTX được thành lập với 7 thành viên, cùng mục tiêu là phát triển cây ăn quả có múi gồm: bưởi, cam, chanh. Tuy nhiên do thiếu vốn đầu tư nên năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm cây ăn quả của HTX chưa được ổn định. Năm 2021, với 1 tỷ đồng vay ưu đãi của Agribank các thành viên HTX đã mạnh dạn chuyển hướng sản xuất theo quy trình hữu cơ.

Hiện 16 ha cam, bưởi của HTX đã được chứng nhận an toàn, riêng sản phẩm cam đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Vụ cam 2022 vừa qua, HTX thu 250 tấn cam, thu về 2,5 tỷ đồng, tăng 30% giá trị so với lúc chuyển đổi. 

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 556 HTX, trong đó có 407 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản. Trong số này có 17 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 147 HTX nông nghiệp hợp tác, liên kết, tổ chức sản xuất và tiêu thụ 20 loại sản phẩm nông sản. Cùng với HTX, toàn tỉnh có 43 Tổ hợp tác với số vốn đăng ký 18,5 tỷ đồng. Kinh tế tập thể, HTX đã giải quyết việc làm cho hơn 12.000 thành viên.

Từ thực tiễn cho thấy kinh tế tập thể, HTX đang là đòn bẩy, cầu nối, nguồn "tiếp sức" để người dân vùng khó đẩy mạnh sản xuất, từng bước xóa nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Tin cùng chuyên mục