Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo CCHC

- Với phương châm "Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của cải cách hành chính (CCHC)", Công an tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2023, chỉ số CCHC của Công an tỉnh được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao khi xếp thứ 5/63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xác định CCHC là yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài để không ngừng nâng cao hiệu quả các mặt công tác, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ, chiến lược tạo những chuyển biến rõ nét. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã đầu tư lắp đặt hệ thống một cửa điện tử (bao gồm Kios thông minh, màn hình ti vi hiển thị, hỗ trợ tra cứu TTHC và máy khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân) tại Công an 7 huyện, thành phố và 4 phòng có chức năng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đồng thời, trang bị hệ thống camera giám sát tại 100% điểm tiếp công dân, giải quyết TTHC nhằm tăng cường công khai, minh bạch, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh giới thiệu, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Công an tỉnh cũng đã quyết liệt chỉ đạo rà soát, cắt giảm, bãi bỏ những giấy tờ không cần thiết, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, Công an tỉnh đã triển khai có hiệu quả 118 dịch vụ công trực tuyến ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của Công an tỉnh luôn ở mức cao. Cụ thể, tính đến ngày 30-10, Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ trực tuyến là 148.217/199.175 tổng số hồ sơ tiếp nhận, đạt 74,4%. Các lĩnh vực có tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cao là quản lý xuất nhập cảnh, đăng ký cấp biển số xe, phòng cháy...

Chị Lý Thị Xuân, ở xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đi làm thủ tục cấp mới hộ chiếu để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Chị Xuân chia sẻ, cũng như đa số công dân khác chị rất hài lòng khi đến làm thủ tục tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh. Tại đây, chị đã được cán bộ công an hướng dẫn, thực hiện các thao tác nộp hồ sơ trên mạng Internet nhanh chóng, thuận lợi. Chỉ ít phút là chị đã hoàn thiện xong thủ tục và nộp lệ phí thanh toán trực tuyến dễ dàng. Chị cũng chọn sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu chính. Tức là khi nào hộ chiếu làm xong sẽ được bưu điện chuyển thẳng về nhà, chị không phải mất thời gian, chi phí xuống lấy.  

Trên những lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết, Công an tỉnh đã phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, trách nhiệm của Công an cấp huyện, cấp xã. Ví như lĩnh vực đăng ký xe, cấp biển số, ngoài Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã phân cấp cho 7 đơn vị cấp huyện, thành phố và 64 đơn vị cấp xã được phân cấp đăng ký, cấp biển số xe tạo thuận lợi cho người dân. Hay như lĩnh vực quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện (cơ sở lưu trú, cầm đồ, kinh doanh gas...) đã được phân cấp cấp giấy phép và quản lý cho đơn vị công an cấp huyện, cấp xã. Ông Đặng Văn Phong, ở xã Hùng Đức (Hàm Yên) bày tỏ, nếu trước đây mua xe máy mới phải lên tận Công an huyện làm đăng ký xe, chờ đợi mất cả nửa ngày chưa chắc đã xong. Nay, ông chỉ tranh thủ đến Công an xã làm thủ tục cấp biển số, thủ tục nhanh gọn, không phải đi xa, không phải chờ đợi lâu.  

Với phương châm "Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của CCHC", Công an tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn, Công an cấp huyện, cấp xã tổ chức các hội nghị đối thoại, diễn đàn công an lắng nghe ý kiến nhân dân. Qua đó giúp lực lượng Công an nắm rõ những khó khăn, vướng mắc và sớm có giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục