Nà Cào ngày mới

- Thôn Nà Cào, xã Thượng Nông (Na Hang) hôm nay thật khác. Toàn thôn có 50 hộ dân với 256 nhân khẩu đa số là đồng bào người Mông, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống người dân đã thực sự thay đổi.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, anh Máy đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế.

Anh Đào Văn Máy, người Mông, sinh năm 1986, nhưng đã có 10 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Nà Cào. Năm 2013 được giao trọng trách làm Bí thư chi bộ, anh cũng băn khoăn nhiều lắm bởi các hủ tục của người dân vẫn còn nhiều. Anh bồi hồi kể, trước đây Nà Cào nổi tiếng bởi phong tục người Mông luôn thích uống rượu. Uống xong lại đánh vợ chửi con, quấy nhiễu xóm làng. Hình ảnh những người đàn bà địu con lên nương, người chồng say xỉn nằm co ro trong những căn nhà tranh vách đất hở huếch hoác khiến Bí thư Máy cảm thấy chạnh lòng. Và cứ thế cái nghèo, cái đói đeo bám!

Bí thư Chi bộ  Đào Văn Máy đi đầu trong trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò.

Khuôn mặt hơi trầm ngâm, anh kể tiếp, nghĩ là cán bộ nên mình phải làm trước. Hồi đấy bắt đầu từ chăn nuôi trâu, ai cũng cười vì cho rằng đây là loài vật không hiệu quả. Họ kháo nhau, bản Mông Nà Cào nằm tận trên núi cao, thức ăn khan hiếm, mùa đông lạnh đến người còn không chịu nổi huống chi con trâu để ngoài chuồng. Với suy nghĩ đã làm phải làm đến cùng, anh Máy tự cải tạo mảnh đất 300m2 ở sườn núi toàn đá tai mèo để trồng cỏ, từ 1 con trâu nái của năm 2014 chỉ sau 3 năm anh đã có trong tay 10 con trâu lớn, nhỏ. Chăn nuôi hiệu quả, gia đình Bí thư Chi bộ Đào Văn Máy khấm khá lên trông thấy, cả bản ai cũng ngưỡng mộ.

Kinh tế gia đình anh Bàn Văn Máy khấm khá lên nhờ chăn nuôi gia súc.

Bà con Nà Cào vốn tính chắc ăn, cái gì cũng phải trông thấy tận mắt, xem người ta làm trước, có kết quả tốt rồi mới làm theo. Thế nên sau khi thấy Bí thư Chi bộ trồng cỏ và nuôi trâu có hiệu quả, cả bản dần học theo. Đã có lúc Nà Cào đứng “top” đầu xã Thượng Nông với trên 100 con trâu, bò, phong trào chăn nuôi trở thành hướng đi mới để làm kinh tế.

Đàn trâu, bò của gia đình anh Đào Văn Máy luôn đứng đầu toàn thôn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như “luồng gió mới” làm thay đổi cuộc sống của người Mông Nà Cào. Trước đây, cả thôn có 50 hộ đều là hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo giảm, đã có hộ khá xuất hiện.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông trải dài chạy dọc từ đầu thôn đến cuối thôn, chỉ tay lên những triền đồi phía xa, anh Máy phấn khởi bảo, phong trào chăn nuôi trâu, bò và lợn đen đang là hướng phát triển kinh tế chính của người dân. Gần đây một số hộ đang bắt đầu thử nghiệm với cây tre Bát Độ để lấy măng.

Chăn nuôi lợn đen bản địa được người dân thôn Nà Cào coi là nghề mới để phát triển kinh tế.

Gia đình anh Sùng Văn Hầu năm nay vui hơn, anh kể, gia đình mới bán được lứa lợn hơn 20 con lợn đen thu về gần 150 triệu đồng. Anh Hầu dự định, có vốn, anh sẽ tập trung chăn nuôi thêm dê và cải tạo diện tích trồng cây tre Bát độ để có thêm thu nhập. Chắc chắn đến năm 2025 gia đình sẽ thoát nghèo.

Trẻ con ở Nà Cào đều được đi học khi đến tuổi tới trường.

Đồng chí Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông cho biết, thôn Nà Cào hôm nay là thôn có nhiều thay đổi nhất của xã, năm nào thôn cũng đạt “Khu dân cư văn hóa”, trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, không có trẻ em bỏ học, không có tình trạng di cư tự do...

Cô giáo Quan Thị Tuyết cho biết, trong thôn không có trẻ em bỏ học, ai cũng tạo điều kiện cho các con tới lớp.

Trên những diện tích lúa người dân chăn nuôi thêm thủy cầm để nâng cao thu nhập.

Bí thư Chi bộ thôn Nà Cào Đào Văn Máy kể thêm, trong thôn nhà nào cũng có trâu, bò, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trước tình hình giá cả biến động, người dân đang tập trung cải tạo đất để trồng thêm cây tre Bát Độ lấy măng, lấy lá. Anh Máy đã làm thử và thành công, năm nay người dân bắt đầu làm hứa hẹn năm 2024 sẽ cho hiệu quả kinh tế tốt.

Người dân cũng trồng thêm rau tại các thửa ruộng không canh tác được vụ 2.

Tuy ở xa trung tâm xã nhưng người dân Nà Cào luôn phát huy tinh thần đoàn kết, an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo. Ngoài việc vận động bà con nhân dân tăng gia sản xuất, cán bộ thôn cũng tự tìm tòi các hướng đi mới trong xuất khẩu lao động, thay đổi cơ cấu cây trồng, giúp tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.