Tinh hoa trà Việt

Văn hóa trà Việt được tạo nên từ phong tục tập quán, sự giao thoa tín ngưỡng giữa trời và đất rất đặc trưng của người Việt Nam. Người Việt thường dâng trà mời khách để bắt đầu câu chuyện.

Vào dịp Tết đến, Xuân về hay ngày thường, khi khách gần xa đến chơi nhà, mỗi gia đình người Việt Nam đều pha trà nồng đượm hương thơm để tỏ lòng hiếu khách; không nhà nào thiếu hộp trà và bộ ấm chén. Đây là phong tục, tập quán văn hóa giao tiếp từ thuở xa xưa. Bởi vậy có câu “Trà ngon phải có bạn hiền”.

Uống trà là phong tục, tập quán văn hóa giao tiếp của người Việt.

Tổ tiên, ông bà xưa nghĩ trà là lẽ sống, chúng ta thời nay coi trà như bạn tri âm. Uống trà làm cho mỗi người an lạc, thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc, căng thẳng, để lấy lại thăng bằng tâm lý, trạng thái thoải mái, ung dung, tự tại; để đàm đạo, sẻ chia, tâm sự với người tâm giao…

Tổ tiên, ông bà xưa nghĩ trà là lẽ sống, chúng ta thời nay coi trà như bạn tri âm. Uống trà làm cho mỗi người an lạc, thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc, căng thẳng, để lấy lại thăng bằng tâm lý, trạng thái thoải mái, ung dung, tự tại; để đàm đạo, sẻ chia, tâm sự với người tâm giao…

Vào dịp Tết đến, Xuân về hay ngày thường, khi khách gần xa đến chơi nhà, mỗi gia đình người Việt Nam đều pha trà nồng đượm hương thơm để tỏ lòng hiếu khách.

Chị Phạm Thị Linh, sinh năm 1995, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), cho biết: “Nếu bỏ chút thời gian thưởng trà truyền thống và dày công tìm hiểu, có thể mỗi người sẽ nhận ra điều thú vị trong nghệ thuật thưởng trà Việt Nam, và biết đâu bạn lại thấy bản ngã của chính mình trong đó”.​

Giới trẻ tìm về trà truyền thống

Còn anh Đào Mạnh Huy, sinh năm 1983, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) thì lại chuộng tìm đến những chốn thưởng trà an yên. Nơi có không gian thanh tao, nhẹ nhàng với những ấm trà đượm hương, thấm vị. Chính vì mê trà truyền thống nên anh còn tìm hiểu về trà đạo của Việt Nam và cách thưởng trà của các nước Nhật Bản, Trung Quốc. Anh Huy chia sẻ: “Khi ta thưởng thức một chén trà, ta sẽ cảm nhận rõ hơn những dư vị của cuộc sống, tâm hồn cũng rộng mở hơn, thư thái và lắng đọng, cảm thấy yêu đời và bỏ hết đi những mỏi mệt, muộn phiền của cuộc sống”.

Anh Đào Mạnh Huy, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) chuộng tìm đến nơi có không gian thanh tao, nhẹ nhàng với những ấm trà đượm hương, thấm vị.

Quán Mộc Trầm Trà, phường Minh Xuân, (TP Tuyên Quang) là nơi mà nhiều người trẻ thường xuyên lui tới, tìm hiểu về trà Việt. Việc pha trà, thưởng trà cũng là cả một quá trình đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì của người thưởng thức. Từ việc chuẩn bị trà cụ, bóc trà, cho đến khi cho trà vào ấm để hãm trà, ngồi đợi trà ngấm rồi rót trà thưởng thức. Để rồi kết quả mang lại không chỉ dừng ở việc trải nghiệm, ở vị ngon, mà là cả những lợi ích về mặt sức khoẻ khi sử dụng lâu dài. 

Quán Mộc – Trầm – Trà, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) mang đến không gian thư thái cho khách tới thưởng trà.

Với diện tích gần 8.400 ha chè, tỉnh Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh đứng thứ 5 về diện tích và sản lượng chè trong khu vực miền núi phía Bắc. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực này, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó bắt đầu từ sản xuất sạch, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường gắn với mục tiêu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hiện, Tuyên Quang nổi tiếng với Chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà (Na Hang) và sản phẩm “Trà Ngọc Thúy cấp đông” của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Chè Shan tuyết được vinh danh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; top 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương; nhận cúp Bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”.

Chè Shan tuyết đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất cả nước, trở thành sản phẩm du lịch nổi trội của tỉnh Tuyên Quang. Sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang hiện đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

  Chè Shan tuyết Na Hang được giới sành trà ưa chuộng.     

Đối với sản phẩm “Trà Ngọc Thúy cấp đông”, trong quá trình sản xuất, anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã giành nhiều thời gian, trí tuệ, kinh phí, nghiên cứu tạo ra sản phẩm vơi sự khác biệt, mà hiện nay trên thị trường trong nước và nước ngoài chưa có.

Sản phẩm “Trà Ngọc Thúy cấp đông” được Trung ương MTTQ Việt Nam tôn vinh trong cuốn Sách vàng sáng tạo Việt Nam.

Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu logo. Sản phẩm “Trà Ngọc Thúy cấp đông” được Trung ương MTTQ Việt Nam tôn vinh trong cuốn Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được đưa vào cuốn sách này.

Để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè Tuyên Quang, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách để tập trung khai thác mọi nguồn lực có hiệu quả, bền vững về tiềm năng và lợi thế của chè Tuyên Quang, trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, thị trường tiêu thụ chè gắn với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sản phẩm đa dạng, an toàn và chất lượng cao, đưa sản phẩm chè Tuyên Quang thành sản phẩm có thương hiệu, vị thế trên thị trường trong nước và trên thế giới.