Nặng lòng với cây mía

- “So với các cây trồng thâm canh thì cây mía vẫn là cây trồng mang lại lợi nhuận cao và đầu ra ổn định nhất thời điểm hiện tại. 12 năm gắn bó với cây mía, trải qua những thăng trầm cùng ngành mía đường tỉnh tôi thấy rằng gắn bó với cây mía là lựa chọn đúng và gia đình sẽ tiếp tục gắn bó với cây mía”. Đó là khẳng định của ông Ma Công Dược, thôn Noong Phường, xã Minh Quang (Lâm Bình).

 Lão nông gàn dở

Lật giở những tờ giấy khen về thành tích trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế từ trồng mía, ông Dược khoe “Từ trồng mía mà tôi được Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho đi du lịch ở nước ngoài rồi đấy. Nhà cửa, vật dụng trong gia đình, nuôi dạy con ăn học… phần nhiều là nhờ nguồn thu từ cây mía; từ nhiều năm nay mía vẫn là cây trồng mang lại nguồn thu chính của gia đình. Vậy nên Công ty CP Mía đường Sơn Dương còn thu mua mía nguyên liệu thì gia đình tôi còn gắn bó với cây mía”.

Dẫn chúng tôi tham quan 3 ha mía trồng trên đất gò đồi, ông Dược bảo “gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên liên kết với Công ty CP Mía đường Sơn Dương trồng mía nguyên liệu ở vùng này. Gia đình chỉ bỏ đất và công trồng, chăm sóc, còn giống, phân bón đều được Công ty đầu tư đến khi thu hoạch mía thì trả bằng sản lượng. Công ty còn cử cán bộ nông vụ đến tận nương hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc mía nên gia đình tôi hoàn toàn yên tâm khi trồng mía. Đặc biệt là khi tham gia trồng mía gia đình tôi cũng như các hộ dân khác không phải lo lắng đầu ra như các loại cây trồng khác, ô tô đến tận ruộng chở mía về Công ty”.

Ông Ma Công Dược, thôn Noong Phương, xã Minh Quang (Lâm Bình) bên ruộng mía của gia đình.

Với việc ký hợp đồng ổn định theo từng năm, gia đình ông Dược yên tâm trồng mía và tăng dần diện tích. Những năm đầu gia đình ông chỉ trồng khoảng 3ha mía, thấy cây mía cho lợi nhuận cao, năm 2016 ông Dược thầu thêm 3 ha đất gò đồi tại xã Phúc Sơn để tăng diện tích mía lên 6 ha; có thời điểm gia đình ông thu 460-480 tấn mía nguyên liệu. Vài năm trở lại đây do tuổi đã cao nên ông chỉ duy trì trồng hơn 3 ha mía. Mỗi năm, gia đình ông thu từ 200 - 240 tấn mía nguyên liệu bán cho Công ty CP Mía đường Sơn Dương và thu lãi về hơn 100 triệu đồng.

Thời điểm năm 2020-2021 khi mía xuống giá (800 đồng/kg), người dân trong vùng ồ ạt phá mía để trồng các loại cây trồng khác thì gia đình ông Dược vẫn duy trì chăm sóc diện tích mía, không những vậy gia đình ông còn trồng thử nghiệm các giống mía mới, trên các vùng đất mới.

Ông Dược chia sẻ: “Nhiều người nói tôi gàn dở vì trồng mía thời điểm đó không có lãi, công ty chậm trả tiền. Nhưng bỏ ngoài tai, gia đình tôi vẫn tiếp tục thâm canh chăm sóc cây mía với niềm tin ngành mía đường sẽ dần hồi phục và người trồng mía sẽ có thu nhập ổn định như trước kia”.

Quả đúng như kỳ vọng, ngành mía đường dần phục hồi, giá mía nguyên liệu tăng dần theo từng năm khiến những người còn gắn bó với cây mía  như gia đình ông Dược rất vui mừng. Phía Công ty CP Mía đường Sơn Dương cam kết giai đoạn 2023-2025 giá thu mua mía nguyên liệu sẽ ổn định ở mức 1.150 đồng/kg. Trong khi nhiều hộ phá bỏ cây mía vẫn đang loay hoay chưa tìm được cây trồng phù hợp thay thế thì niên vụ mía này với diện tích mía hiện có gia đình ông Dược cầm chắc thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mạnh dạn đưa cây mía xuống ruộng

Không chỉ duy trì thâm canh diện tích mía nguyên liệu nhiều nhất xã, ông Dược còn chịu khó tìm tòi, ứng dụng khoa học koa học kỹ thuật trong thâm canh mía nhằm tăng năng suất, chất lượng mía. Năm 2023 ông mạnh dạn trồng 5.000m2 mía xuống đất ruộng. Để mía không bị úng nước ông tiến hành đào rãnh thoát nước, đánh luống theo đúng hướng dẫn của nông vụ nhà máy. Hiện diện tích mía của gia đình ông đang trong giai đoạn vươn lóng, dóng dài, thân mía to, cây phát triển tốt hứa hẹn một vụ mía năng suất cao.

Chia sẻ với chúng tôi về kĩ thuật trồng mía, ông Dược cho hay, trồng mía có cái hay là chỉ trồng một lần mà có thể thu hoạch được nhiều năm liền. Sau khi thu hoạch, đốt trụi gốc và để đó cho nó lên tự nhiên. Khi khóm mía cao chừng 20cm sẽ tiến hành bỏ phân đợt 1 và cày lấp đất. Tôi chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón cho nương mía.

Ông Ma Công Dược, thôn Noong Phương, xã Minh Quang (Lâm Bình) hướng dẫn người dân chăm sóc mía.

Đến khi cây mía cao ngang bụng, thì tiếp tục cho mía "ăn" phân đợt 2. Ngoài bón phân theo định kỳ thì phải chịu khó làm cỏ, tỉa bớt lá cây mía mới sinh trưởng, phát triển tươi tốt. Cũng có nhiều người dân muốn quay lại trồng mía tìm đến mô hình trồng mía của ông Dược để học hỏi kinh nghiệm, không ngần ngại ông sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cũng như vận động người dân quay trở lại trồng mía để có nguồn thu ổn định hơn.

Theo ông Dược, trồng mía vất vả nhất là lúc thu hoạch, còn lại thời gian dành cho chăm sóc nương mía không nhiều, nên người trồng mía có thể làm thêm nhiều nghề khác để có thêm thu nhập. Sau nhiều năm gắn bó với cây mía, ông Dược bảo, chưa khi nào có ý định từ bỏ loại cây trồng này. Điều khiến ông tâm đắc nhất với cây mía, đó là loại cây này cho thu nhập ổn định đầu ra ổn định. Ngoài nguồn thu từ bán cây mía nguyên liệu cho Công ty, ông còn tận dụng bán lá mía cho các hộ chăn nuôi gia súc.

Niên vụ mía năm 2022-2023, gia đình ông Dược thu hơn 180 tấn mía nguyên liệu bán cho Công ty CP Mía đường Sơn Dương. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông "bỏ túi" hơn 100 triệu đồng.

Với ý chí quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại vượt qua những khó khăn để thu được “sự ngọt ngào” từ những mùa mía chín, ông Ma Công Dược đã lan tỏa phương thức canh tác mới để mọi người thấy được rằng cây mía vẫn là một trong nhưng cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, góp phần giúp cây mía tìm lại giá trị, vị thế của những năm trước kia.

Cao Huy

Tin cùng chuyên mục