Người nối nghiệp cây thuốc họ La

- “Muốn rừng cho lộc lâu dài, cái bụng của người hái thuốc phải tốt. Dân hái thuốc với nhau, nhìn gùi lá biết ngay tấm lòng. Hết rừng già hết thuốc người Dao, đó như là lời nhắn nhủ người đời trước gửi gắm đời sau, giữ gìn cây thuốc quý. Và tôi cũng tự gắn cho mình trách nhiệm, để nối nghiệp, phát triển vườn dược liệu sạch cho bản làng, dòng họ mình”. Lang y La Văn Dũng (trong ảnh), Giám đốc Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ như thế.

Dòng họ La và tục lệ kỳ lạ

Cuộc sống người Dao Đỏ xã Bình An (Lâm Bình) gắn liền với núi rừng nên họ am hiểu với các loại cây thuốc trên rừng. Dòng họ La nơi đây bao đời nay làm nghề bốc thuốc với cái tâm và tấm lòng rộng rãi.

Anh La Văn Dũng

Ông La Tài Văn không biết tục thờ thần thuốc của người Dao Đỏ có từ bao giờ, chỉ biết đến đời bà thì được bố mẹ đẻ là La Minh Thông và bà Bàn Thị Triều truyền cho. Ông La Tài Văn bảo, người thầy thuốc trước khi bốc thuốc phải thắp hương cúng thần thuốc, có vậy bài thuốc mới hiệu nghiệm. Điều đặc biệt khác với những dòng họ khác, những bài thuốc quý không chỉ được truyền cho những người trong gia đình mà còn phải truyền cho bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh.

Tục lệ này diễn ra sau khi người bệnh được chữa trị và mang lễ đến cảm tạ thầy thuốc. Lễ khá đơn giản, tùy tâm có thể ít gạo, rượu, thịt... Sau khi dâng lễ cúng lên “thần thuốc”, thầy thuốc sẽ chủ động truyền lại bài thuốc quý cho vị khách một cách cẩn trọng, nhiệt tình. Nghi lễ nhỏ được diễn ra trước ban thờ để thể hiện sự thành tâm và thiêng liêng.

Bà La Thị Thơ chia sẻ: “Đối với dòng họ La, thuốc quý là do mẹ thiên nhiên, trời đất ban tặng. Và phải biết chia sẻ với những người nào có duyên gặp, đặc biệt là những bệnh nhân đã được chữa khỏi. Người họ La không sở hữu, giữ bài thuốc quý cho riêng mình. Chúng tôi quan niệm, bài thuốc chỉ quý khi có nhiều người được chữa khỏi và biết đến nó. Có như thế “thần thuốc” mới độ cho “mát tay” lấy thuốc giỏi được”.

Tục lệ này có từ bao đời và luôn được giữ gìn, thực hiện như một nét đẹp, cái tâm và tấm lòng rộng rãi của dòng họ La nơi đây. Lặng nghe một hồi, tôi hỏi: “Vậy thần thuốc là ai mà linh thế hả?”. Bà La Thị Dấu cười vui vẻ: “Đó là những người đã truyền dạy nghề cho mình, còn gọi là ông tổ nghề. Như bà thì thường thắp hương trước bàn thờ của mẹ mình, cảm ơn bà đã truyền nghề cho và cầu mong bà phù hộ cho mình bốc mát tay, cháu ạ”.

Anh La Văn Dũng cùng các thành viên Hợp tác xã Đông y Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình) kiểm tra nguồn dược liệu sạch.

Ra vậy, “thần thuốc” trong tâm thức người Dao dòng họ La, không phải vị thần linh thiêng, huyền bí như bao người vẫn tưởng. Nó chính là biểu hiện của lòng thành kính, biết ơn của họ với ông bà, tổ tiên và những người đã truyền nghề thuốc cho con cháu.

Người “gác” cửa kho thuốc quý

Áp chúa lẩu, mùi goong, lài chông, xia chôm, lài tì nào... là những cây thuốc được lang y 8x La Văn Dũng thuộc trong lòng bàn tay. Anh chỉ đâu là cây giảo cổ lam, đâu là cây chữa xương khớp, hay cây có tác dụng như thuốc kháng sinh… tất cả rành rọt như trên tay anh là quyển sách về đông y vậy. Những gì Dũng nói chỉ là nhờ được truyền dạy từ bà và mẹ - hai người có kinh nghiệm về các bài thuốc bí truyền.  

Từ bé Dũng theo mẹ đi lên rừng, có khi cả tuần vào rừng sâu tìm thuốc quý. Chàng trai trẻ với ước mơ trở thành kế toán viên, sau khi học xong những tưởng ở lại thành phố lập nghiệp thế nhưng núi, đồi, cây rừng vẫn không thôi ám ảnh anh. Để rồi 26 tuổi, Dũng quyết định về quê nhà chuyên tâm kế nghiệp nghề gia truyền của dòng họ với nhiều suy nghĩ cách làm táo bạo của một người trẻ.

Mỗi ông lang, bà mế được ví như những người “gác cửa kho thuốc” quý. Đó là điều dân bản nơi đây luôn bảo ban nhau. Dũng bảo, muốn rừng cho lộc lâu dài, cái bụng của người hái thuốc phải tốt. Dân hái thuốc với nhau, nhìn gùi lá biết ngay tấm lòng. Có loại cây, dù biết rõ nếu chặt từ thân thuốc sẽ tốt hơn nhưng mọi người phải tự giác để lại, chỉ thu hái ở mức đảm bảo cây thuốc tiếp tục phát triển.

Đã từ lâu, người dân địa phương hiểu rằng, vừa khai thác nhưng cũng phải bảo vệ sự sinh sôi của những loại cây thuốc. Nỗi trăn trở phát triển nguồn dược liệu sạch khiến chàng trai trẻ tự học hỏi rồi mày mò trên sách báo, mạng xã hội, tham khảo một số mô hình của người Dao ở Lào Cai, Sơn La... Và mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã mở ra hướng đi mới cho bà con nơi đây.

Anh Dũng chia sẻ: “Theo kinh nghiệm, dược liệu quý thường sinh trưởng dưới tán rừng, thế nên để “kho báu” này được bảo tồn thì phải trồng, nhân giống. Gia đình anh tiên phong thực hiện trồng những cây thuốc như: cây mật gấu, cây bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, kim tuyến... dưới những tán rừng. Đây là mô hình trồng trên đất tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón. Hiểu được cách làm này sẽ mang đến nguồn dược liệu sạch, phát huy được tối đa dược tính. Bởi thuốc chữa bệnh trước hết phải sạch thì mới điều trị được bệnh”.

Anh La Văn Dũng cùng các thành viên Hợp tác xã Đông y Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình) trồng dược liệu sạch.

Đầu năm 2021, Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An ra đời. Hợp tác xã có 13 thành viên, do anh La Văn Dũng làm Giám đốc. Sau một thời gian triển khai, hiện nay Hợp tác xã đã trồng được hơn 20 ha dược liệu thuận tự nhiên.

Công việc hàng ngày của La Văn Dũng gắn với vườn ươm và cây giống nên Dũng hiểu loài nào dễ ươm gieo, loài nào có nguy cơ cạn kiệt, từ đó đưa ra cảnh báo cho các “cổ đông” để họ khai thác hợp lý. Anh Dũng luôn cẩn thận kiểm tra từng bầu cây, bầu nào đủ tiêu chuẩn, anh mới đặt vào gùi để đem đi trồng trong khu rừng sâu. Hiện nay Hợp tác xã đã khôi phục được khoảng 15 cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng như cây hoàng liên ô rô, hoàng đàng, chọp diếu, cây trâu cổ... Anh Dũng được ví như người có “sứ mệnh” của người “gác cửa” rừng thuốc quý là vì thế.

Hiện nay, 13 thành viên trong hợp tác xã đều là hội viên Hội đông y huyện Lâm Bình. Còn anh La Văn Dũng hiện nay đảm nhiệm là Phó Hội trưởng Hội Đông y huyện Lâm Bình. Đến thăm trụ sở Hợp tác xã mới thấy được sự tất bật bận rộn của các ông lang, bà mế. Sau khi hái thuốc, người sơ chế, người sấy, đóng gói, tư vấn bán hàng... Bà mễ Triệu Thị Thơ chia sẻ: “Qua nhiều đời, chúng tôi đã chắt lọc được nhiều vị thuốc quý và bào chế ra thành thuốc. Tuy nhiên, những kinh nghiệm dân gian này chủ yếu là truyền miệng nên rất dễ mất đi. Bởi vậy, các thành viên Hợp tác xã vui vẻ, nhiệt tình chia sẻ bài thuốc quý cho nhau để mọi người cùng cố gắng là những thầy thuốc giỏi và có tấm lòng rộng rãi, lương thiện”.

Hiện nay lang y 8x La Văn Dũng còn tích cực quảng bá mô hình của Hợp tác xã trên mạng xã hội. Đồng thời tham gia các phiên chợ, hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm thuốc gia truyền của Hợp tác xã Đông y Tân Hoa, xã Bình An. “Gắn bó với rừng từ nhỏ nên thấu hiểu con người với rừng luôn là một. Được khỏe mạnh là nhờ rừng cho ăn lộc từ những bài thuốc. Là người trẻ tôi không bao giờ cho phép mình lãng quên vốn quý cha ông truyền lại bởi đó là “kho báu” ngàn đời mình phải trân trọng giữ gìn như một đặc ân”. Anh Dũng trải lòng.

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục