Phát triển Sa Pa thành đô thị du lịch sạch ASEAN

Tỉnh Lào Cai đang tìm giải pháp phát triển Sa Pa thành đô thị du lịch tầm cỡ, trên nền tảng khai thác bản sắc văn hóa địa phương, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên theo hướng xanh, sạch.

Chiều 5-4, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Sa Pa tại Hà Nội, UBND thị xã Sa Pa tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp – hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN”.

Sa Pa chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia năm 2017. Điểm nhấn của du lịch Sa Pa là dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp và đỉnh Fansipan - đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nóc nhà của Đông Dương; cùng với đó là bản sắc văn hóa của các dân tộc Dao, Mông…

Thị xã Sa Pa phấn đấu trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN trong năm 2025. Ảnh: Tô Bá Hiếu

Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn cho biết: Năm 2023, Sa Pa đã đón trên 3,68 triệu lượt khách. Doanh thu từ du lịch đạt 12.707 tỷ đồng. Mục tiêu năm đến năm 2025, Sa Pa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.900 tỷ đồng. Du lịch Sa Pa được nhận những danh hiệu ấn tượng như: Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á; Top 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; 1/10 điểm ngắm tuyết đẹp nhất châu Á; Top 50 thị trấn đẹp nhất thế giới...

Xác định mục tiêu trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN vào năm 2025, thị xã Sa Pa đã và đang triển khai các đề án, quy hoạch về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch...

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Phượng, thị xã sẽ đầu tư các hạ tầng thiết yếu đảm bảo đáp ứng tiêu chí của Đô thị du lịch sạch ASEAN như hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN; kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn; xúc tiến du lịch và quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa; bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Sa Pa định hướng trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay, đó là xây dựng các đô thị đáng sống. Vì thế, cần định hướng đưa Sa Pa trở thành một thương hiệu du lịch không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Muốn vậy, cần tăng cường bảo vệ, giữ gìn các giá trị cốt lõi về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn và phải có những điểm nổi bật để tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục