Phụ nữ khởi nghiệp từ OCOP

- Từ khi được triển khai thực hiện đến nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng riêng có của mỗi địa phương. Nắm bắt được những lợi thế đó để phát triển kinh tế, những nữ giám đốc Hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã biến cơ hội thành “quả ngọt”.

Từ sản vật của làng quê

Chỉ từ những con gà, con vịt, những gốc tre, cây giang... nhưng những sản vật giản dị của làng quê ấy đã trở thành “báu vật” nhờ những tư duy tốt, cách làm hay. Nói đến huyện Hàm Yên, người ta hay nhớ tới cam Sành, vịt bầu Minh Hương, gà trống thiến Bình Xa... Đây là các đặc sản thường thấy trong mỗi gia đình ở vùng quê này và được người dân đánh giá cao bởi chất lượng, độ ngon, ngọt trong từng tép cam, thớ thịt. Chuyện chị Nông Thị Lịch ở thôn 6 Minh Quang, xã Minh Hương vận động bà con trong làng, trong xã tìm cách duy trì giống vịt bản địa giờ vẫn còn được nhiều người nhắc đến.

Vịt bầu Minh Hương chính hiệu là loại vịt có mỏ và chân đều màu vàng. Con cái lông vằn, chân ngắn. Con đực mình tròn, đầu xanh biếc. Những con vịt được nuôi thả tự nhiên trong nguồn nước suối chảy ra từ cánh rừng đặc dụng Cham Chu và kết hợp chế độ ăn uống tự nhiên nên thịt ngọt, chắc, có hương vị thơm ngon đặc trưng. Mỗi con vịt trưởng thành khi xuất bán chỉ nặng khoảng 2 kg, được coi là nhỏ hơn so với các loại vịt khác. Bởi thế, đã có những thời điểm người dân ở đây đã lai giống để tạo ra những con vịt to hơn, nhiều thịt hơn, khiến cho loại vịt này có lúc chỉ còn lại vài đàn thưa thớt. Không đành lòng với điều đó, chị Lịch đứng lên vận động các hộ như: chị Phạm Thị Vân, bà Hoàng Thị Ngọc, bà Hoàng Thị Thành… tiên phong chăn nuôi nhân rộng. Dần dà, đàn vịt đã được nhân rộng lên gấp cả trăm lần, trở thành sản phẩm hàng hóa giúp cho người dân có thu nhập và làm giàu. Không dừng lại ở đó, năm 2018, chị Lịch đứng lên thành lập và đảm nhận vị trí Giám đốc HTX Vịt bầu Minh Hương.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao tặng chiếc máy sấy đa năng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho chị Trịnh Thị Thảo,
 Giám đốc HTX Mây tre đan Nhật Minh.

Chị Lịch vận động các thành viên thay đổi thói quen chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chuyển sang chăn nuôi theo chuỗi giá trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như: Lựa chọn giống, thực hiện ấp nở bằng máy ấp nở trứng gia cầm tự động, chú trọng công tác thú y... Đồng thời, thực hiện liên kết chăn nuôi, thu mua sơ chế và tiêu thụ hết sản phẩm cho tất cả các hộ thành viên và các hộ chăn nuôi khác. Nhờ đó, thu nhập của các hộ chăn nuôi vịt ổn định, và được nâng lên. Bình quân mỗi hộ thành viên thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng/hộ/năm.

Khác với chị Lịch, cô gái Tày Trịnh Thị Thảo, ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đã mạnh dạn khởi nghiệp từ ý tưởng sản xuất các vật dụng từ mây, tre, nứa, guột... Đó là những nguyên liệu sẵn có, mọc rất nhiều ở địa phương. Chị Thảo từng tốt nghiệp 2 chuyên ngành về Kế toán tại 2 trường Trung cấp, Cao đẳng chuyên nghiệp. Nhưng chị quyết tâm về quê hương để lập nghiệp. Chị Thảo chia sẻ, chị thật may mắn khi được các thanh niên nhiệt huyết như: Hoàng Văn Tuyên, Quan Văn Tuân, Nguyễn Văn Giang, Chẩu Văn Dụ… cùng đồng hành.

Ban đầu, nhóm bạn thử nghiệm tự làm các sản phẩm quen thuộc như: Cốc, ấm, chén, khay, túi xách. Sau đó đem trưng bày, giới thiệu tại các homestay của xã Khuôn Hà, Lăng Can. Các sản phẩm bày bán nhận được sự thích thú, lời khen ngợi tích cực từ du khách. Thế là từ ý tưởng khởi nghiệp khôi phục lại nghề truyền thống, năm 2018, chị Thảo đã thành lập HTX Mây tre đan Nhật Minh, tạo ra những đồ dùng, vật dụng xinh xắn thay thế cho đồ dùng bằng nhựa, tạo việc làm cho 7 lao động chính, với mức thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/người. Có những thời điểm, HTX nhận được những đơn hàng lớn thì tạo việc làm cho 20 lao động nhàn rỗi, với thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Vậy là các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Những chiếc cốc, thìa, dĩa bằng tre, giỏ xách bằng cây tế, đũa bằng thân cau... đã “vươn xa” đến Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Sài Gòn… giúp cho bà con nơi đây có thêm việc làm, nguồn thu nhập từ lợi thế vốn có của quê hương mà không phải bôn ba nơi đất khách.

Chị Trịnh Thị Thảo tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX Mây tre đan Nhật Minh
 tại Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Để giúp các cá nhân, doanh nghiệp, HTX phát triển các sản phẩm OCOP, các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện nhiều các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ. Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939). Đề án được triển khai với nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, hướng chị em phát triển các sản phẩm OCOP như: Tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, tọa đàm tư vấn, giới thiệu việc làm, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; giải đáp các băn khoăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; định hướng về giải pháp chính sách trong giai đoạn tới... Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và hoàn thành 15 dự án/ý tưởng của các tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2021 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP”. Trong đó, có 2 dự án được tham gia chương trình đào tạo khởi nghiệp của cuộc thi cấp vùng do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Thông qua nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển, Hội LHPN tỉnh đã giải ngân cho 1.328 thành viên/158 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 11,734 tỷ đồng, hỗ trợ hội viên phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp OCOP thoát nghèo. Riêng năm 2021, Hội đã phối hợp giới thiệu cho 943 hội viên phụ nữ tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 hội viên; phối hợp thành lập Hợp tác xã rau - thảo dược tại xã Yên Thuận (Hàm Yên)...

Nhờ có sự hỗ trợ của tổ chức Hội Phụ nữ và ngành chức năng, các chị em đã từng bước xây dựng được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc HTX Vịt bầu Minh Hương chia sẻ, những ngày đầu mới thực hiện mô hình chăn nuôi vịt bầu Minh Hương, chị đã được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh cho vay 15 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Số vốn được sử dụng hiệu quả đã giúp chị phát triển kinh tế, tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Năm 2020, HTX do chị thành lập được các cấp Hội giúp đỡ, các ngành hỗ trợ các thủ tục để vịt bầu Minh Hương được tỉnh cấp chứng nhận đạt 3 sao OCOP. Tiếng tăm và chất lượng của sản phẩm dần được các thị trường trong và ngoài tỉnh biết tới và tin dùng. Hiện nay, chị mong muốn các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn chị thực hiện các quy trình, thủ tục và kỹ thuật để vịt bầu Minh Hương được công nhận là sản phẩm 4 sao, 5 sao, được đánh giá về chất lượng cao hơn, đầu ra của sản phẩm sẽ ổn định, có chỗ đứng hơn trên thị trường.

Còn đối với chị Trịnh Thị Thảo, năm 2019, Dự án mây tre đan của chị vinh dự đứng thứ 3 toàn quốc tại Chương trình Phụ nữ nông thôn khởi nghiệp do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Chị đã được Trung ương Hội tặng 1 máy khắc chữ và 1 máy sấy đa năng trị giá 160 triệu đồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2020, chị được tổ chức Hội và các ngành chức năng hướng dẫn để gắn “sao” cho 2 sản phẩm là: Hộp đựng chè và ấm giữ nhiệt. Hiện chị đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục để sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Chị chia sẻ, tham gia OCOP là việc làm cần thiết, cơ hội để để các sản phẩm của HTX được nhiều người biết tới, yên tâm hơn khi sử dụng...

Để nâng cao nhận thức của chị em về việc phát triển kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ hội viên khởi nghiệp sản phẩm OCOP, làm tốt công tác tuyên truyền để hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại quê hương.

Phóng sự: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục