Tấm lòng của cô Huyền

- Cô Lê Thị Ngọc Huyền, sinh năm 1994, giáo viên trường Tiểu học Kiên Đài (Chiêm Hóa) không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không những vậy, cô Huyền còn kết nối với nhà hảo tâm giúp đỡ các em học sinh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Cô Huyền sinh ra và lớn lên ở thành phố Tuyên Quang. Sau khi học xong Cao đẳng sư phạm tại trường Đại học Tân Trào, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô đã quyết tâm theo đuổi ước mơ và sẵn sàng đến xã vùng cao, vùng khó khăn trường Tiểu học Kiên Đài của huyện Chiêm Hóa để công tác.

Trong gần 5 năm công tác, cô đã đi dạy ở 4 điểm trường của xã. Trong đó, điểm trường Pắc Đò, thôn Nà Khà là điểm trường xa nhất, cách trung tâm xã 13 km. “Những năm trước đường sá đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường đất. Trời mưa, trơn trượt té ngã là chuyện bình thường” - Cô Huyền kể.

Hiện nay, cô Huyền đang chủ nhiệm lớp 3A với 33 học sinh, trong đó có 2 học sinh khuyết tật ảnh hưởng về trí não nên việc đọc, học viết, tính toán đều bị chậm, lâu nhớ hơn các bạn trong lớp. Chính vì thế trong công tác chủ nhiệm cô thường xuyên quan tâm đến hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh để đưa ra các biện pháp cụ thể, nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Đặc biệt, cô dành thêm nhiều thời gian hướng dẫn, chỉ dạy cho 2 em học sinh khuyết tật trong lớp để các em cố gắng đọc và hiểu được kiến thức trên lớp.     

Cô Huyền chia sẻ: đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số khi học Tiếng Việt thì đó là một rào cản ngôn ngữ với các em. Bởi Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ nhất đối với người Kinh, thì lại là ngôn ngữ thứ hai đối với người dân tộc thiểu số. Việc dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, để theo được nghề điều đầu tiên là phải yêu nghề, mến trẻ, đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại. Cô cũng phải trở thành người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng 2 em học sinh không được may mắn trong lớp.

Trong quá trình giảng dạy, cô thấy học sinh ở vùng cao, vùng sâu đi học còn gặp nhiều khó khăn nhất là hoàn cảnh gia đình, có em quần áo không đủ mặc, đồ dùng sách vở thiếu thốn. Với hoàn cảnh đó, là một giáo viên của trường cũng là một thành viên của đội tình nguyện “Tuyên Quang Online T2O” cô đã kêu gọi các thành viên trong nhóm vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ cho chương trình với tên gọi “Cùng em cắp sách tới trường” tặng cho học sinh phân hiệu Pắc Đò nói riêng và học sinh toàn trường nói chung những món quà rất ý nghĩa để góp phần cho các em có động lực hơn khi tới trường.

Tháng 7-2022, cô Huyền là điểm cầu kết nối với nhóm “Lăn bánh ước mơ”  thực hiện chương trình việc tử tế của VTV3” xây dựng khu vui chơi liên hoàn từ lốp xe tái chế tại sân trường cho học sinh để các em sau những buổi học tập mệt mỏi được thư giãn và trải nghiệm với các trò chơi để rèn luyện sức khỏe. Tháng 9-2022, cô lại tiếp tục làm cầu nối giúp nhà trường mua sắm được một số vật dụng phục vụ cho học sinh ở vùng cao xuống học bán trú tại trường.

Nhận xét về đồng nghiệp của mình, thầy Hoàng Văn Quy, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Kiên Đài nói, “cô giáo Lê Thị Ngọc Huyền không những luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Nhờ sự giúp đỡ của cô mà nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về nhu yếu phẩm, sách vở, quần áo, và đồ dùng học tập… giúp các em học sinh vượt qua khó khăn, tiếp tục được cắp sách đến trường”.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục