Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn

- 3 năm gần đây, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, do hạ tầng chưa đồng bộ, cộng với thói quen của người dân khu vực nông thôn, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực này vẫn đang được hệ thống ngân hàng cùng với các đơn vị thúc đẩy, cùng với tỉnh hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế.

Khó khăn cần khắc phục

Đối với khu vực nông thôn, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt vẫn là bài toán khó. Nguyên nhân là do người dân ở vùng nông thôn vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt và có tâm lý ngại tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; độ tuổi, trình độ của nhiều khách hàng, các đối tượng được hưởng trợ cấp còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạ tầng cơ sở vật chất phân bố chưa đồng đều, tập trung nhiều ở khu vực thành thị, khu vực đông dân cư.

Trong khi đó, các máy POS chủ yếu được lắp đặt tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Tuyên Quang và hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn. Bởi vậy, dù khách hàng có nhu cầu thanh toán qua thẻ cũng không có dịch vụ để đáp ứng. Chưa kể đến các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chưa được thiết kế phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Để khắc phục những khó khăn và đạt được những kỳ vọng trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, vẫn cần một lộ trình rất dài. Đồng thời, cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp bộ, ngành trung ương đến địa phương. Nhưng trên hết vẫn là nỗ lực thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.

Cán bộ Ngân hàng Agribank tỉnh đến trực tiếp các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh để tư vấn, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Vũ Giang Nam, Giám đốc LienVietPostBank Tuyên Quang cho biết, nhờ lợi thế có các phòng giao dịch ở địa bàn các huyện như Agribank tỉnh, thay vì ngồi chờ khách hàng đến phòng giao dịch, thì chi nhánh phân công, giao chỉ tiêu đến từng cán bộ, kể cả cán bộ tín dụng khi đi cơ sở, tích cực tư vấn, giới thiệu và chủ động cài đặt ứng dụng Liên Việt 24h vào điện thoại di động. Đây là ứng dụng ngân hàng số của LienVietPostBank giúp khách hàng thực hiện đầy đủ các giao dịch của ngân hàng.

Qua theo dõi, đánh giá thì ở vùng nông thôn, hầu hết đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, y tế, công chức xã, các hộ buôn bán kinh doanh, người đi làm ăn xa đã và đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Còn lại phần lớn người nông dân là không sử dụng hoặc ít sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Còn tại các ngân hàng VietinBank, BIDV Tuyên Quang, SHB Tuyên Quang, MB Tuyên Quang, số lượng các phòng giao dịch bị hạn chế hơn nhưng các ngân hàng đã thực hiện lắp đặt các máy ATM ở khu vực đông dân cư ở địa bàn các huyện, xã, thị trấn cũng như triển khai lắp đặt các máy POS, làm mã QR code cho khách hàng. Đồng thời cử cán bộ đi cơ sở làm việc tích cực tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ mới, mở tài khoản ngân hàng ngay tại nhà cho khách hàng mà khách hàng không cần phải đến phòng giao dịch…

Đa dạng phương thức thanh toán

Cầm theo chiếc thẻ ATM, anh Từ Quang Hiền, xã Minh Dân (Hàm Yên) vào cửa hàng điện máy và siêu thị ở khu vực thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) để mua hàng hóa mà không cần phải mang theo tiền mặt. Theo anh Hiền, trước đây chiếc thẻ được anh sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt, nhưng gần đây, anh đã sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ qua máy POS, hoặc thanh toán theo hình thức chuyển khoản qua điện thoại di động.

Chị Nguyễn Thị Nga, một khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng của VietinBank mới mở tài khoản của ngân hàng và không cần lấy thẻ vật lý, chỉ cần cài ứng dụng VietinBank ipay lên điện thoại di động là chị đã sử dụng được rất nhiều dịch vụ. Thậm chí rút tiền qua máy ATM cũng không cần đưa thẻ ATM vào máy theo cách truyền thống nữa mà rút bằng mã QR.

Thị trường công nghệ ngày càng phát triển, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng trở lên đa dạng hơn với các loại hình như: thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm thu hoặc chi, séc; qua thẻ ngân hàng; thanh toán trực tuyến, qua ví điện tử; ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động, ATM, POS, quét mã QR…

Nhân viên Ngân hàng LienVietPostBank Tuyên Quang tư vấn, giới thiệu dịch vụ ngân hàng số tới khách hàng.

Ngân hàng Agribank tỉnh là một ngân hàng có mạng lưới rộng lớn với 1 hội sở, 7 chi nhánh loại 2 và 24 phòng giao dịch trực thuộc, 1 điểm giao dịch bằng xe lưu động. Agribank cũng là ngân hàng có số lượng máy ATM, CDM phục vụ khách hàng nhiều nhất trên địa bàn với 42 máy. Trong đó, có 4 máy CDM đa chức năng, có thể gửi tiền trực tiếp vào tài khoản thanh toán mà không cần phải tới phòng giao dịch của ngân hàng.

Agribank có 120.000 tài khoản thanh toán cá nhân đang hoạt động hơn 100.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử E-mobile Banking. Đồng thời Agibank tỉnh còn triển khai chương trình cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng cho khách hàng ở vùng nông thôn. Với hạn mức này, người dân nông thôn có thể thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất… Đây là giải pháp vừa góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, vừa tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Các tổ công nghệ số cộng đồng cũng đang tích cực tham gia hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại di động. Anh Vương Văn Hành, Bí thư Đoàn xã Yên Hoa (Na Hang) cho biết, lực lượng đoàn viên thanh niên đã cài đặt hơn 300 tài khoản cho người dân trên địa bàn. Hiện các bạn đoàn viên vẫn đang tiếp tục phối hợp với Viettel để triển khai chương trình này. 

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển.  Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Trịnh Ngọc Tuấn cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh đôn đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện việc trả lương qua tài khoản kết hợp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 800 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp thuế qua ngân hàng.

Công ty điện lực Tuyên Quang, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang, các trường học khu vực đô thị đã phối hợp với ngân hàng thương mại thu tiền điện, nước, học phí... Cùng với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng cũng làm tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho người dân. 

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục