Tiếp lửa đam mê văn hóa dân tộc

- Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, những người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, tiếp lửa niềm tự hào và đam mê văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ.

Khi mới 10 tuổi, Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn (Sầm Dừn), người có uy tín thôn Mãn Hóa Đại Phú (Sơn Dương) đã đam mê và cảm nhận được sự tinh túy, đặc sắc của Sình ca từ bố ông - cụ Sầm Văn, một người hát Sình ca nổi tiếng khắp vùng. Nhận thức được Sình ca là tài sản vô giá của dân tộc mình nên ông đã dành nhiều thời gian và công sức sưu tầm, lưu giữ các câu hát Sình ca vào sách để truyền lại cho đời sau. 

Ông sưu tầm và lưu giữ được hơn 200 đầu sách cổ viết bằng chữ Nho và 8 tập sách hát Sình ca của dân tộc mình. Nay, tuy tuổi cao, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, chắt lọc những tinh túy nhất của văn hóa dân tộc mình qua từng trang sách, từng lời ca cổ để truyền dạy cho lớp trẻ. Ông đã sáng tác trên 140 câu hát Sình Ca và truyền dạy được 4 thế hệ diễn viên, gần 100 học viên biết hát, múa các làn điệu dân tộc. Ông còn được dân bản gọi là "bảo tàng sống" bởi đang lưu giữ các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: sành, pí lè, chũm chọe, sóc nhạc…

Ông Sầm Văn Dừn truyền dạy cho thế hệ trẻ hát, múa các làn điệu dân tộc Cao Lan.

Trong những năm gần đây, xã Trung Hà (Chiêm Hoá) tập trung xây dựng Làng văn hoá cộng đồng tại thôn Bản Ba trên cơ sở khai thác giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Tày, Dao, Mông.. Để góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền xã thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển làng văn hoá cộng đồng, ông Nông Quý Thọ, người có uy tín thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan sạch đẹp. Cùng với đó, ông tuyên truyền bà con, nhất là các hộ dân tộc Dao giữ gìn tiếng nói, trang phục và nghề thêu truyền thống. Ông Thọ đồng thời cũng là phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn hoá dân tộc Dao xã Trung Hà.

Ông Thọ chia sẻ: người Dao có những nét văn hoá rất đặc sắc nhưng hiện nay đang dần mai một. Số người Dao trên địa bàn hiện biết hát Páo dung, biết thêu ngày càng ít. CLB giữ gìn bản sắc văn hoá người Dao quy tụ những người tâm huyết với văn hoá dân tộc dao trên địa bàn để chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về cách hát, múa bài dân tộc. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít hơn. Sau đó, mỗi thành viên trong CLB tiếp tục truyền dạy cho người thân, con cháu mình. 

Toàn tỉnh hiện có trên 1.110 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những người luôn gương mẫu đi đầu, tích cực vận động gia đình, cộng đồng tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở. Với sự hiểu biết về văn hóa truyền thống, nhiều người có uy tín đã không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong đó có các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống, như: Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Lễ cấp sắc của dân tộc Dao hay tham gia bảo tồn các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề rèn...

Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, đội ngũ người có uy tín đã và đang góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống dân tộc, giúp thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ giá trị bản sắc văn hoá dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt đậm đà bản bản sắc.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục