Chợ 4.0 lan tỏa mọi vùng quê

- Đi chợ 4.0, mua hàng không cần tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ từ thành phố tới các vùng nông thôn. Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, hình thức này còn góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Mua hàng thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen của nhiều người.

Chợ 4.0 hay còn gọi là chợ công nghệ số, chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Tiểu thương và khách hàng có thể thanh toán giao dịch bằng cách quét mã QR Code (mã phản ứng nhanh) hay chuyển/nạp tiền qua các ứng dụng  nhanh chóng, thuận tiện.  Tại tỉnh ta, từ năm 2022, Viettel Tuyên Quang và VNPT Tuyên Quang bắt đầu triển khai mô hình chợ 4.0 tại một số chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mô hình đã được triển khai tại 25/101 chợ, trong đó có gần 10 chợ nông thôn.

Anh Tướng Văn Kiên, tiểu thương chợ Bợ, xã Bình Xa (Hàm Yên) cho hay, anh đã bán hàng ở chợ được hơn 15 năm. Đầu tháng 9-2023, anh bắt đầu tham gia mô hình chợ 4.0. Anh thấy hình thức này rất tiện và đơn giản, người bán không còn phải lo tiền lẻ để trả lại cho khách. Qua điện thoại thông minh quét mã QR, số tiền cần thanh toán hiển thị chính xác từng con số. Tiểu thương không lo nhận phải tiền giả hay mất cắp khi mang nhiều tiền mặt bên người. Cuối ngày, anh nắm bắt được ngay các khoản thu chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước.

Không chỉ người bán, người mua cũng đã có những trải nghiệm thiết thực, thú vị khi đi chợ 4.0. Chị Lê Thị Nhung, thôn Làng Dịa, xã Bình Xa (Hàm Yên) chia sẻ: Dùng tiền mặt đi chợ hay mua sắm đôi khi sơ ý làm rơi hoặc cũng có khi quên mang theo thì bất tiện. Với thanh toán không dùng tiền mặt thì an toàn, tiện lợi, mua bán hàng trên môi trường mạng cũng dễ dàng hơn. Nhiều khi mua chai dầu ăn vài chục nghìn chị cũng chuyển khoản.

Tương tự, tại chợ trung tâm Chiêm Hóa, mô hình chợ 4.0 đã "len lỏi" đến khắp các ki ốt, quầy hàng. Anh Lâm Văn Chung, Trưởng Ban Quản lý chợ trung tâm huyện Chiêm Hóa cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng mô hình chợ 4.0 là cách để bảo đảm quá trình giao dịch an toàn hơn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực một cách dễ dàng và linh hoạt, hạn chế việc bị trộm cắp tài sản, tiền giả. Hiện nay, đã có gần 300/346 tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ tham gia mô hình chợ 4.0.

Bà Vũ Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Viettel Tuyên Quang cho biết, thời gian đầu, việc triển khai mô hình chợ 4.0 gặp nhiều khó khăn do người dân và hộ kinh doanh còn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, lúng túng khi giao dịch trên môi trường điện tử, nhiều tiểu thương là người lớn tuổi không sử dụng điện thoại thông minh…

Nhân viên Viettel Tuyên Quang hướng dẫn và hỗ trợ tiểu thương chợ Bợ, xã Bình Xa (Hàm Yên) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Để triển khai hiệu quả, đơn vị đã chỉ đạo  nhân viên phụ trách bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý chợ để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân;  bố trí nhân viên hỗ trợ kịp thời, giải đáp thắc mắc cho các tiểu thương trong quá trình tham gia mô hình chợ 4.0. Đồng thời, đơn vị luôn đổi mới phong cách phục vụ, thành lập các tổ tuyên truyền lưu động, đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng tham gia quét mã QR Code; hỗ trợ trang bị hình ảnh cho tiểu thương… nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhờ sự lan tỏa của mô hình chợ 4.0, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn như Agribank, Vietcombank, Vietinbank… đã đồng loạt thực hiện "phủ xanh" các mã QR Code tại các chợ trung tâm, chợ truyền thống để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, việc xây dựng mô hình chợ 4.0 nằm trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số. Hiện nay, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương, ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động các tiểu thương, người dân cùng tham gia sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi đi mua sắm; rà soát, lựa chọn các chợ đảm bảo đủ điều kiện để triển khai nhân rộng mô hình phủ sóng trong toàn tỉnh, mở ra những cơ hội giao thương, kinh doanh mới trên nền tảng số, xóa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ để người dân từ thành phố đến nông thôn mua bán, trao đổi hàng hóa thuận tiện. Phấn đấu đến năm 2025, 80% chợ nông thôn phát triển mô hình chợ 4.0; 90% tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ trang bị mã QR Code  thanh toán không dùng tiền mặt.

Với sự bùng nổ các xu hướng thanh toán và mua sắm trực tuyến như hiện nay, không chỉ tại các khu vực thành thị, mà tại các khu vực nông thôn còn khó khăn về phát triển kinh tế, người dân đã từng bước tiếp cận và ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục