Điểm đến tin cậy

- Thu hút đầu tư, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Quyết tâm thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp đồng bộ được tỉnh triển khai, nhất là tạo môi trường thông thoáng, tin cậy để các doanh nghiệp, dự án sớm triển khai đầu tư trên địa bàn.

Lao động làm việc trong lĩnh vực giày da tại Cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên).

Tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt

Là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và đến đầu tư tại Tuyên Quang  từ gần chục năm nay, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang phát triển ổn định và là một trong những thương hiệu mạnh, nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo lãnh đạo công ty, một trong những yếu tố thúc đẩy công ty phát triển như ngày nay đó là đổi mới, nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là sự tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan, đơn vị của tỉnh, nguồn nhân lực tại Tuyên Quang dồi dào. Công ty đang tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy sản xuất gang thép theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện Nhà máy Gang thép Tuyên Quang đang tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Trong quá trình các doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn đồng hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các chương trình “Cà phê doanh nhân”, hội nghị đối thoại, xúc tiến đầu tư được tổ chức ngày càng thường xuyên.   

Trong năm 2023, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có những chuyến công tác đến các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Thông qua các buổi làm việc thực tế, tọa đàm đã mở ra những cơ hội mới, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với Tuyên Quang.

 Mới đây, tỉnh đã đón đoàn công tác Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn - Việt đến thăm và làm việc. Thành phần trong đoàn gồm rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Hàn Quốc như: công nghiệp, môi trường, du lịch… Ông Kwon Sung - Taek, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Giám đốc Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn - Việt cho biết,  Tuyên Quang  là một địa phương có tốc độ tăng trưởng rất ổn định. Tỉnh cũng đang được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông kết nối một cách rất đồng bộ. Trước đó, đã có một số doanh nghiệp của Hàn Quốc đến đầu tư và đều phát triển rất ổn định, tốc độ tăng trưởng khá. Ông Kwon Sung - Taek cũng bày tỏ sự ấn tượng về những điểm đặc biệt của Tuyên Quang đó là về con người và những nét văn hóa đặc sắc, có phong cảnh đẹp, có Lễ hội Thành Tuyên thu hút đông du khách… đó là thế mạnh, điểm nhấn để tỉnh thu hút các doanh nghiệp về du lịch trong thời gian tới.

Công nhân làm việc trong nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn).

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Hiện nay tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp trong Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để xây dựng, tạo lập địa chỉ hấp dẫn, tin cậy, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo về mâu thuẫn của các quy định pháp luật; tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí gắn cải cách hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chuyển đổi số; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước…

Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sau 2 năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đề án Thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 30.000 tỷ đồng, đạt 60% mục tiêu Đề án đề ra. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 64 dự án với tổng vốn đăng ký trên 10.800 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh, như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Danko; Tập đoàn Flamingo; Công ty cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại GO!… 

Theo Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tuyên Quang sẽ thành lập mới 6 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp. Hiện tại, các khu công nghiệp như: Long Bình An (TP Tuyên Quang) và Sơn Nam (Sơn Dương); các cụm công nghiệp trải khắp các huyện, thành phố như: Tân Thành (Hàm Yên), Thắng Quân (Yên Sơn), An Thịnh (Chiêm Hóa), Phúc Ứng (Sơn Dương)… đang dần được lấp đầy với các dự án đầu tư mới, đa ngành nghề, tạo nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh, quyết tâm thực hiện Đề án Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu thu hút vốn đầu tư từ 45.000 đến 50.000 tỷ đồng. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu xây dựng Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục