Độc lạ vườn cam hữu cơ

-Theo Quốc lộ 2C, chạy qua khu vực Thủy điện Chiêm Hóa chừng 1 km, nhìn sang mạn hồ bên kia, sẽ bắt gặp một quang cảnh thật thơ mộng, trên bờ là vườn cam quả chín vàng, sai lúc lỉu; dưới hồ là bè cá đủ loại bơi lội tung tăng. Trang trại này là của anh Lê Anh Tuấn (trong ảnh), thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).

Vườn cam “5 không”

Anh Lê Anh Tuấn chia sẻ, anh có niềm đam mê nuôi cá và thực hiện điều đó từ năm 2013 trên Hồ thủy điện Tuyên Quang. Khi thủy điện Chiêm Hóa xây dựng, anh thấy ở đây dòng nước tĩnh hơn, phù hợp với việc nuôi cá, lại gần nhà, nên anh đã quyết định chuyển về đây mua đất dựng trại. Mảnh đất anh chọn nằm bên tả ngạn hồ thủy điện Chiêm Hóa rộng trên 1,3 ha, thế đất thoai thoải phù hợp trồng các loại cây ăn quả. 

Anh Tuấn chọn cây chủ lực chính trồng tại trang trại là cây cam V2, sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Hiện tại, vườn cam của gia đình anh có trên 600 gốc, thực hiện theo tiêu chuẩn “5 không”: “Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản”.

Anh Lê Anh Tuấn bên vườn cam hữu cơ..

Khi được hỏi lý do chọn sản xuất cam theo hướng hữu cơ, vừa mất thời gian, nhân lực, anh Tuấn cười bảo: “Vì tôi mong muốn mang đến cho người tiêu dùng quả cam chất lượng tốt nhất”. Bởi vậy, vườn cam hoàn toàn không xới cỏ, chỉ dùng máy cắt khi cỏ quá cao. Theo anh Tuấn, cỏ giúp giữ chất trong đất, chống xói mòn, lại giữ độ ẩm cho gốc cam.

Để cam phát triển khỏe mạnh, cho trái ngọt, trong vườn anh bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ phân chuồng hoai mục, đỗ tương ủ, cá ủ chế phẩm, tro bếp. Bình quân một năm, anh mua hàng chục tấn phân chuồng, tro bếp về bón vườn cam để tạo độ ngon, ngọt. Ngoài ra, vườn cam còn được anh lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, đất luôn được cung cấp đủ độ ẩm cho cây phát triển tươi tốt.

Vườn cam của gia đình anh Tuấn trồng được 7 năm và bắt đầu thu rộ từ 2 năm trở lại đây. Theo tính toán của anh Tuấn, 600 cây cho ra quả, năm nay, gia đình anh thu ước đạt gần 20 tấn quả. Hiện tại, mỗi tuần gia đình anh cắt từ 200 đến 500 kg, sản phẩm chủ yếu xuất đi thị trường Hà Nội.

Nói rồi, anh Tuấn cầm quả cam lên bổ mời khách. Quả cam được trồng theo phương pháp hữu cơ có màu vàng sẫm, vỏ mỏng rắn chắc, múi dầy, gân sơ mỏng. Khi ăn có vị ngọt thanh, mùi thơm, tép giòn, mọng nước. Năm 2020, vườn cam của gia đình anh Lê Anh Tuấn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận PGS, sản phẩm sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ; dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo uy tín cho người tiêu dùng.

Tuyệt chiêu nuôi kiến bắt sâu

Không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vườn cam của anh Lê Anh Tuấn luôn sai quả. Để có thành công ấy, người nông dân này đã sử dụng tuyệt chiêu “lấy độc trị độc” bằng cách nuôi đàn kiến vàng diệt sâu bọ.

Dạo quanh một vòng đồi cam, ngoài những chùm cam chín vàng trĩu quả, chúng tôi ấn tượng bởi những tổ kiến vàng trú ngụ trên cây. Bình quân mỗi cây cam có từ 2 đến 5 tổ kiến vàng. Từng đàn kiến vàng di chuyển từ cây này sang cây khác. Thi thoảng từng nhóm kiến tha những con sâu mà chúng bắt được đưa về tổ. Anh Tuấn cho biết, kiến vàng sống theo bầy đàn và làm tổ trên cây bằng cách sử dụng tơ ấu trùng của bản thân để cuộn các lá cây lại với nhau. Kiến vàng là một loại thiên địch vô cùng có lợi trong vườn.

Không chỉ có khả năng khống chế, tiêu diệt các loài côn trùng có hại cho cây trồng mà còn giúp tăng độ ngon ngọt cho cam. Khi mới thả, để giúp kiến “an cư”, anh phải lấy thịt, cơm nguội buộc cố định trên cành cây để kiến có thức ăn gây đàn, nuôi tổ. Nhưng nay, kiến tự kiếm thức ăn trong vườn. 5 năm nay, vườn cam của gia đình anh không phải phun thuốc bảo vệ thực vật lần nào.

Anh Lê Anh Tuấn lựa chọn những quả cam chín mọng cắt cho khách hàng.

“Trước đây, vườn cam thường bị các loài rệp, rày, bọ xít, sâu đục thân phá hoại. Nhưng nay nuôi kiến vàng nên mấy loại sâu bọ bị tiêu diệt hết. Biện pháp này vừa mang lại hiệu quả lớn về chất lượng, lại giảm được các chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, tôi thấy rất hiệu quả”, anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ, làm sản phẩm hữu cơ chi phí cao hơn, giá bán sản phẩm bán phải đắt hơn. Nhưng theo tôi, quan điểm đó cần phải thay đổi. Sau nhiều năm trồng cam hữu cơ, tôi nhận định, sản xuất theo phương pháp hữu cơ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với sản xuất thường, sản phẩm lại ngon hơn, chất lượng hơn”. Để bảo vệ hệ sinh thái, phát triển ngành nông nghiệp bền vững, anh Tuấn sẵn sàng hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm trồng cây hữu cơ miễn phí cho những người có nhu cầu.

Anh Tuấn cho biết: “Muốn đi nhanh thì đi một mình - Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, có nhiều người sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì mới thay đổi thói quen người tiêu dùng được. Bây giờ, anh mong người dân cùng thay đổi cách làm, sản xuất các sản phẩm hữu cơ để cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm sạch, chất lượng. “Nhưng, để người nông dân  thay đổi cách nghĩ, chuyển từ thói quen sản xuất bằng hóa học sang sinh học không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu cố gắng và đam mê, chúng ta sẽ làm được”.

Anh Quan Văn Tưởng, Chủ tịch Hội Nông dân Hùng Mỹ chia sẻ: Mô hình của anh Lê Anh Tuấn là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầu tiên trên địa bàn xã. Qua mô hình, giúp người dân trên địa bàn từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp chất lượng. Hiện trên bàn xã đã có một số hội viên nông dân học anh Tuấn phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đây là tiền đề để xã thực hiện tốt mục tiêu phát triển xanh.

Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục