Hòa Phú ngày càng nhiều triệu phú

- Nhận cuộc điện thoại của lãnh đạo xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ về niềm vui khi năm mới danh sách những triệu phú của xã ngày một dài, chúng tôi đến tận nơi mục sở thị những mô hình kinh tế thu nhập vài trăm triệu đồng nơi đây.


Ao cá rộng 2.000 m2 của gia đình ông Nông Xuân Hòa, thôn Lăng Quậy, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa).

Người tiên phong

Xã Hòa Phú được biết đến với phong trào trồng cây vụ 3 hình thành sớm nhất của huyện, người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Thôn Càng Nộc là thôn trung tâm của xã, ai cũng biết tấm gương làm kinh tế của ông Trương Văn Học, doanh thu mỗi năm trên 600 triệu đồng. Ông Học kể, năm 1985, sau khi từ quân ngũ trở về, khác với nhiều người loay hoay với ruộng đồng, ông lại chọn làm dịch vụ, mua máy xay xát phục vụ bà con, vừa có thu nhập lại tận dụng được phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi.

Với tư duy làm ăn lớn, ông cải tạo chuồng trại của gia đình, lặn lội về tận huyện Kim Sơn (Ninh Bình) học mô hình biogas. Ông Học chia sẻ, làm chăn nuôi lớn phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Đàn lợn của gia đình luôn duy trì khoảng 100 con lợn, mỗi năm bán ra thị trường khoảng hơn 10 tấn, doanh thu trên 500 triệu đồng.

Ngày ấy, nhắc đến kinh tế gia đình ông Học ai cũng nể. Chính vì nể nên từ năm 1993, ông được tín nhiệm bầu là Trưởng thôn rồi Bí thư Chi bộ. Ông kể, mình là bộ đội, lại là đảng viên nên được giao trọng trách cũng vui vẻ chấp nhận, dù sẽ phải giảm một phần quy mô kinh tế. Ông Học cũng là người khai sinh ra cách trồng ngô vụ 3 dưới đất ruộng.

Nhờ nuôi cá và làm cá chép ruộng, bà Hoàng Thị Quyết, thôn Làng Chang, xã Hòa Phú đã có nhà cửa khang trang.

Nhớ lại câu chuyện, ông tủm tỉm, vụ đầu năm 2000 làm thử trên 1 sào bị thất bại, nhưng được người dân tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tư vấn, cách tra ngô bên cạnh lỗ dùi sẵn để tránh úng, đến năm 2001, ông Học thành công ngoài mong đợi. Người dân Hòa Phú phục ông nhiều và từ đó coi trồng cây vụ 3 là một thói quen giữ và phát triển đến tận bây giờ.

Tuy tuổi đã cao, công việc làng xóm đã nghỉ, nhưng hiện gia đình ông Học vẫn duy trì đàn lợn trên 60 con, 200 con gà thả vườn và cửa hàng buôn bán dịch vụ phục vụ người dân trong xã. Người dân họ ví, câu nói tuổi cao chí lớn thật đúng với ông Học. Để giúp người dân có thêm kiến thức chăn nuôi, ông Học vẫn làm bác sỹ thú y miễn phí, truyền dạy kinh nghiệm phòng dịch bệnh, nhất là lớp trẻ muốn gắn bó với mảnh đất quê hương.

Nhiều triệu phú xuất hiện

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, Nguyễn Đình Viên chia sẻ, những câu chuyện "vắt đất đẻ ra tiền" không phải chuyện hiếm. Tính đến hết năm 2023, xã có khoảng 35 mô hình kinh tế có doanh thu trên 150 triệu đồng trở lên, các mô hình đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ngôi nhà tiền tỷ của gia đình triệu phú Nông Xuân Hòa, thôn Lăng Quậy vừa mới hoàn thành thơm mùi sơn mới. Nhìn cơ ngơi như ngày hôm nay, ít ai nghĩ đã từng có lúc gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để duy trì cuộc sống. Trong chiếc hộp gỗ lim vuông mà ông Hòa coi như báu vật, cánh nhà báo chúng tôi rất tò mò, nhưng khi mở ra là tờ giấy vay nợ tiền thức ăn chăn nuôi 15,6 triệu đồng vào năm 1998. Ông Hòa kể, năm 1995, gia đình khởi nghiệp từ nuôi lợn, đến năm 1998, đàn lợn đã có số lượng hơn 40 con, đều trên 80 kg, lúc đó là tài sản khủng nhưng cuối năm đó, đợt dịch đã cuốn đi của ông tất cả.

 Mô hình nuôi gà thả đồi của ông Nông Xuân Hòa, thôn Lăng Quậy, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.

Ông ngậm ngùi, thất bại thì phải làm lại, tự tìm tòi qua sách báo về kỹ thuật phòng bệnh, ông Hòa tự tay cải tạo chuồng, chọn nuôi lợn lai rừng để tăng sức đề kháng. Năm 2000, hai vợ chồng mua 5 con lợn lai rừng hết 14 triệu đồng bằng tiền vay của họ hàng để khởi nghiệp lại. Nuôi sinh sản nhưng chọn lọc để nhân đàn, cách làm có phần chậm chạp nhưng hiệu quả, đến năm 2010 ông Hòa đã vươn lên thành hộ khá trong thôn.

Tận dụng diện tích đất 5.000 m2 quanh nhà, gia đình còn cải tạo đào ao thả cá rộng 2.000 m2, nuôi 500 con gà thả đồi và 70 con lợn thịt. Ông Hòa tâm niệm, làm kinh tế tổng hợp từ chăn nuôi cần nhất là phải dám nghĩ, dám làm và cũng dám thất bại. Từ doanh thu mỗi năm trên 400 triệu đồng mà các con của ông được ăn học đàng hoàng, và đều được cha mẹ giúp đỡ về vốn để khởi nghiệp.

Năm nay nấm được giá, anh Hà Văn Tích, thôn Cây La đang tất bật cùng công nhân đóng gói nấm cho các đơn hàng cuối năm. Năm 2017, anh Tích đưa cây nấm Sò vào trồng tại gia đình, anh bảo, lúc đó cả xã mỗi mình thực hiện, ai cũng bảo là liều, người nhà cũng hoảng lắm vì sợ thất bại.

Anh chia sẻ, sở dĩ chọn cây nấm bởi thời gian sinh trưởng ngắn chỉ khoảng 8 tháng, quay vòng vốn nhanh và cũng ít rủi ro. Với trên 5.000 bịch nấm đang cho thu hoạch. Mỗi ngày, anh thu hái từ 20 - 30 kg nấm, cho thu nhập trung bình từ 1 - 1,5 triệu đồng/ngày. Năm 2024, với giá nấm ổn định từ khoảng 40.000 đ/kg như hiện nay, anh Tích đang có ý định mở rộng thêm xưởng trồng nấm và đầu tư máy nghiền mùn cưa và sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương thay vì 5 người như hiện tại.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Đình Viên kể, xã Hòa Phú còn có mô hình nuôi cá, làm cá chép ruộng của bà Hoàng Thị Quyết, thôn Làng Chang; mô hình vườn ao chuồng rừng (VACR) của anh Bàn Văn Tuyên, thôn Lăng Cuồng; mô hình trồng cây ăn quả của anh Hoàng Sinh Đương, thôn Gia Kè; mô hình nuôi cá giống, cá thịt của anh Hoàng Văn Cương, thôn Làng Chang…

Không chỉ làm giàu cho gia đình, các triệu phú trên đất Hòa Phú còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương, giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.

Diện mạo mới của xã nông thôn mới đang bừng sáng mỗi ngày bởi phong trào làm kinh tế của người dân.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục