Giáo dục mầm non nhiều kết quả

- Công tác huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Giáo viên tại các trường mầm non, đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học giúp chiếm được sự yêu mến của trẻ và sự tin tưởng của gia đình học sinh. Nhiều giáo viên tận tụy giống như người mẹ thứ 2 vừa chăm sóc, vỗ về các em từng miếng ăn giấc ngủ và dạy các em nhận biết những đồ dùng, con số đầu tiên…

Nhiều giải pháp sáng tạo

Thực hiện Nghị quyết 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ để phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ đến trường.

Một giờ học của trẻ tại trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương).

Cô giáo Trần Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương) - cơ sở giáo dục mầm non từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì thực hiện hiệu quả mô hình trường học “lấy trẻ làm trung tâm” -  cho biết, muốn nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ thì việc quan trọng đầu tiên là nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ. Khi phụ huynh đưa trẻ đến trường, thấy con em mình được nuôi dạy đầy đủ, vừa được học, vừa được chơi ở môi trường khang trang, đầy đủ, họ sẽ yên tâm gửi gắm và tự giác đưa con đến trường.

Việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác chăm lo đến giáo dục mầm non đã phát huy hiệu quả tốt giúp các trường mầm non có thêm nguồn lực để xây dựng ngôi trường ngày càng khang trang hơn. Đồng chí Ma Công Thành, Chủ tịch UBND xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, nhằm thực hiện hiệu quả công tác huy động trẻ đi nhà trẻ, xã đã huy động sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội để tham gia công tác vận động huy động nguồn lực cho giáo dục mầm non. Những việc làm thiết thực hướng về các trường học như ủng hộ ngày công lao động, nguyên vật liệu đổ bê tông sân trường, ủng hộ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ... đã giúp cơ sở vật chất tại trường chính và các điểm trường khang trang, trẻ được nuôi dạy ở môi trường đầy đủ hơn.

Cô giáo như mẹ hiền

Tấm gương cô giáo Trần Thị Kim Long, trường Mầm non Vĩnh Lợi (Sơn Dương) “yêu nghề mến trẻ” đã truyền cảm hứng cho rất nhiều giáo viên, những người yêu thích nghề giáo. Bản thân cô Long mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng cô luôn tràn đầy niềm tin với cuộc sống, cô vui vẻ đến lớp dành tất cả tình thương với các con. Những nội dung dạy học được cô chuẩn bị kỹ càng, không chỉ dạy trẻ những kiến thức đầu đời, cô còn chăm sóc đến từng miếng ăn, giấc ngủ, nghe ngóng, chăm sóc các con như những “bác sỹ”. Cô Long bảo, lứa tuổi này các em rất dễ bị ốm mỗi khi thời tiết thay đổi. Chính vì thế giáo viên phải lắng nghe, phát hiện những thay đổi nhỏ nhất từ trẻ để có những biện pháp xử lý kịp thời. Mỗi ngày nhìn đàn con thơ vui vẻ, khỏe mạnh đến trường chính là niềm hạnh phúc nhất đã tiếp thêm động lực giúp cô chống chọi với bệnh tật và vượt qua những khó khăn để vững tin với nghề.

Giờ vui chơi của trẻ trường Mầm non Bình An (Lâm Bình).

Đối với cô giáo Lộc Thị Mừng, trường Mầm non Tân Tiến (Yên Sơn), mỗi ngày được đến trường dạy trẻ là một ngày vui. Để những giờ lên lớp thu hút trẻ cô đã tự mày mò làm thêm đồ dùng, đồ chơi, nhờ đó thu hút trẻ tham gia các hoạt động, nâng cao sự hiểu biết của các em về cuộc sống. Cô Mừng kể, năm học trước, cô được phân công dạy học ở điểm trường thôn 1 (trước đây là thôn Roàng), đây là điểm trường xa nhất xã. Để đến điểm trường, cô phải dậy từ hơn 5 giờ sáng để chuẩn bị hành trang đến lớp, cô phải trừ hao đến sớm nhất vì sợ phụ huynh lên nương sớm đến gửi con lại chưa thấy cô giáo đến. Đến cuối ngày, khi trời nhập nhoạng tối, khi giao hết trẻ cô mới trở về cùng các con lo cơm nước rồi bảo ban con mình học bài…

Chính nhờ sự tâm huyết, hết lòng với nghề đã giúp chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, tỷ lệ huy động trẻ của tỉnh từ chỗ dưới mức bình quân chung của cả nước nay đã vươn lên đứng tốp đầu trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15-11-2023, toàn tỉnh có 664 nhóm trẻ với 12.697/25.920 trẻ đi nhà trẻ, đạt tỷ lệ 49%; 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được chăm sóc, giáo dục theo đúng nội dung, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được theo dõi biểu đồ tăng trưởng theo quy định; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ được ăn trưa tại trường đạt 92,8%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 5,8%; 100% trẻ được chăm sóc y tế, kiểm tra sức khỏe định kỳ...

Những kết quả đáng mừng trong công tác huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh đã khẳng định sự quan tâm của toàn tỉnh đối với giáo dục mầm non. Từ đó tạo động lực, nền tảng vững chắc cho giáo dục các bậc học tiếp theo.      

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục