Mùa cam ngọt Hàm Yên

- Những ngày này, nông dân tại huyện Hàm Yên đang tất bật chăm sóc vườn cam của mình để chuẩn bị xuất ra thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp đến. Năm nay, người trồng cam rất phấn khởi vì được cả mùa lẫn giá.

Cam hữu cơ được giá

Còn hơn 20 ngày nữa là cao điểm cung cấp cam cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên các vườn đồi, người nông dân lại hối hả chuẩn bị mùa thu hoạch cam sau thời gian dài chăm sóc. Theo các hộ nông dân ở Hàm Yên, giá cam năm nay sẽ tăng vào dịp cuối năm, do đó nhiều gia đình chưa thu hoạch ồ ạt, thay vào đó tập trung chọn tỉa quả chín sớm.

Ông Hoàng Biên, tổ dân phố Tân Yên, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) kiểm tra cam chuẩn bị cắt bán của gia đình.

Ông Hoàng Biên, tổ dân phố Tân Yên, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đang chuẩn bị thùng xốp lớn nhỏ để chuẩn bị thu hoạch cam phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp đến. Ông Biên bảo, ở tổ dân phố Tân Yên người dân đã chuyển dần sang chăm sóc hữu cơ. Phân bón làm từ đậu nành, cá, gừng, tỏi, ớt và rỉ mật phối trộn nên cam ở đây được giá hơn. Nếu năm ngoái giá là 27.000-28.000 đồng/kg năm nay cam có giá 32.000 đồng/kg. Dự kiến với 15 tấn cam, ông thu về hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi khoảng 300 triệu đồng. 

Vườn cam của gia đình anh Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành đang độ chín. Anh Hùng cho biết, gia đình anh đã bắt đầu thu hoạch cam từ đầu tháng 11-2023. Vườn cam của anh Hùng được trồng theo phương thức hữu cơ, đảm bảo chất lượng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Sau hơn 4 năm, đến nay vườn cam hữu cơ của anh Hùng luôn được thị trường đón nhận, kể cả các siêu thị lớn ở Hà Nội. Vụ cam năm nay, 3ha cam hữu cơ của gia đình anh Hùng cho năng suất đạt khoảng 30 tấn. Với giá bán tại vườn hơn 30.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với cam trồng theo thông thường, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Để cây cam phát triển bền vững, huyện Hàm Yên đã mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Yên có 198 trang trại, trong đó 172 trang trại trồng cam.

Huyện đã xây dựng được 20 tổ, nhóm sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích trên 806ha với 380 hộ tham gia. Diện tích sản xuất cam hữu cơ của huyện Hàm Yên hiện có 15,8ha của 12 hộ tại 4 nhóm sản xuất trên địa bàn các xã Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Tân Yên, trong đó có 13,8ha đã được cấp chứng nhận và 2ha cam đang chuyển đổi.

Đa dạng kênh tiêu thụ

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, năm 2007, huyện Hàm Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam sành. Năm 2014, sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1973.2007 và TCVN1873.2014... Từ đó đến nay, sản phẩm cam Hàm Yên đã trở thành cây ăn quả liên tục đạt top trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thăm mô hình cam hữu cơ tại xã Tân Thành (Hàm Yên).

Để cây cam phát triển bền vững, vươn xa, thời gian tới, UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển bền vững cây cam sành. Huyện tiếp tục tăng diện tích cam được trồng theo quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ để có sản phẩm đảm bảo sạch cung cấp cho thị trường và tăng giá trị cho quả cam.

Theo nghề trồng cam đã hơn chục năm nay, cứ mỗi độ xuân về, gia đình chị Lâm Thị Ánh, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên lại tất bật thu hoạch cam đem bán trong khu vực và các thương lái từ khắp mọi miền. Với diện tích hơn 1ha, sản lượng trung bình mỗi năm 20-30 tấn cam, mỗi năm gia đình chị Ánh thu về 200 đến 300 triệu đồng. Chị Ánh cho biết, năm nay là năm chị vui nhất. Bởi những người trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP như gia đình chị năm nay bán được giá và dễ tiêu thụ, qua zalo, facebook, tiktok nhiều thương lái ở các tỉnh dưới xuôi lên tận vườn thu mua.

Hàm Yên xác định thiết lập kênh tiêu thụ qua thương lái tại các chợ đầu mối và các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: BigC, Winmart & Winmart+, Lotte, Vincom, chuỗi cửa hàng, sản lượng tiêu thụ khoảng 50.000 tấn. Các chợ trung tâm của các tỉnh, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động tại các tỉnh miền Bắc, dự kiến tiêu thụ khoảng 12.700 tấn. Một phần sản lượng tiêu thụ trên zalo, facebook, tiktok, sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online.

Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ. Trước mắt, triển khai tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của huyện, một số báo, đài, trên mạng xã hội, lên kế hoạch tham gia các hội chợ. Đầu năm, huyện phối hợp với Trung tâm Sáng tạo và Ươm mầm của Trường Đại học Ngoại thương tổ chức lớp tập huấn cho các HTX, một số hộ trồng cam, tổ, nhóm về cách bán hàng trên mạng. Dự kiến lượng cam tiêu thụ qua kênh này chiếm khoảng 30% tổng sản lượng.

Theo rà soát của Phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên, đến năm 2023, diện tích cam của địa phương này đạt khoảng 5.100 ha. Trong đó diện tích cây cam sành là 4.030 ha, chiếm 79%. Các giống cam khác như cam chanh, cam Vinh, cam V2, cam C36… trên 1.070 ha, chiếm 21%. Diện tích cam cho thu hoạch là 4.819 ha, năng suất bình quân ước đạt 140 tạ/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 67.700 tấn, trong đó, sản lượng cam sành khoảng 48.700 tấn, cam Xã Đoài, cam chanh 15.500 tấn, cam V2 khoảng 3.500 tấn. Dự kiến doanh thu đạt từ 600 đến 620 tỷ đồng.

Chuyển đổi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cam theo hướng sạch, hữu cơ đang đem lại giá trị cao hơn cho quả cam ở Hàm Yên, đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục