Nà Lạ trồng tre thoát nghèo

- Nhắc đến cây tre, ai cũng liên tưởng đến loài cây gắn liền với thi ca, gắn với câu chuyện thần thoại Thánh Gióng đánh giặc giữ nước, nhưng nay cây tre lại được coi là cây thoát nghèo ở Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang).

Dám nghĩ, dám làm

Nà Lạ xưa nghèo lắm, thôn có 80 hộ đồng bào người Dao lập bản từ những năm 80, kinh tế chủ yếu gắn liền với cây sắn, cây ngô. Bí thư chi bộ thôn Nà Lạ Phùng Xuân Sơn bồi hồi nhớ lại.

Tuy mới làm Bí thư chi bộ từ năm 2014, nhưng là người con sinh ra lớn lên ở thôn, anh Sơn không quên được những ngày đói khổ của người dân thôn mình. Anh bảo, trước khi có cây tre, một thời gian dài người dân bắt đầu trồng cây cà phê trên diện tích đất đồi, ngày ấy bố mẹ anh cùng nhân dân ai cũng hồ hởi, phấn khởi với loài cây mới. Nhưng cũng chỉ được vài năm khi cà phê rớt giá cộng thêm khí hậu vùng cao quanh năm mây mù bao phủ, ít nắng, 20 ha cây cà phê ngày đó chết dần, chết mòn, rồi đi vào dĩ vãng.

Anh Sơn đưa tôi đến gặp anh Phùng Văn Quang, cán bộ văn phòng xã Sơn Phú, người có công đưa cây tre về Nà Lạ và phát triển như ngày hôm nay.

Anh Quang vui vẻ kể: Năm 2002, lúc đó anh làm Bí thư chi đoàn thôn, một lần được nghe về trồng cây măng Bát Độ ở xã Năng Khả, anh cùng với anh Bàn Hữu Chiêu đạp xe gần 40 km đến để “mục sở thị giống cây mới”, ngày đó bên dự án họ cho mình 8 gốc tre về trồng, mình quý lắm, anh Quang, anh Chiêu mỗi người chia nhau 4 gốc trồng trên thửa đất nhỏ gần nhà.

Anh Phùng Văn Quang người có công đầu mang cây tre Bát độ về thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang).

Thuận khí hậu, thuận công người chăm sóc, cây tre Bát Độ lớn nhanh như thổi, đến năm 2005, cây được thu những lứa măng đầu tiên. Chỉ 4 gốc tre mà anh bán được hơn 2 triệu đồng. Sẵn khí thế tuổi trẻ, anh Quang đầu tư toàn bộ số tiền mua 100 gốc tre Bát độ về trồng, anh cải tạo 1 ha đất trồng cà phê kém hiệu quả của gia đình để phủ toàn bộ diện tích.

“Một loài cây mới, dân mình hồi đó còn e dè, cũng không ủng hộ, họ toàn thả trâu bò phá cây của mình, ngày mới trồng thực sự vất vả bởi ý thức, bởi sự nhòm ngó của mọi người” - Ý chí tuổi trẻ đã quyết thì phải làm, đến năm 2007, anh Quang được thu những lứa măng đầu tiên, năm đó anh lãi hơn 30 triệu đồng.

Nhân rộng mô hình

Năm 2008, theo chu kỳ cây tre bản địa trên đất Nà Lạ đến thời kỳ “khuy” (hiện tượng tre, nứa ra hoa và chết sau một chu kỳ sinh trưởng bình thường để bắt đầu 1 chu kỳ mới), lúc này người dân cũng bắt đầu để ý nhiều hơn đến trồng tre lấy măng.

Anh Bàn Hữu Chiêu, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS xã Hồng Thái - lúc đó là Phó thôn kể lại: Là một trong 2 người đầu tiên trồng tre Bát độ của thôn, thấy hiệu quả anh cũng mong người dân trồng, nhưng quá trình chăm sóc, anh phát hiện cây tre bản địa (tre chinh) nếu chăm sóc cũng cho chất lượng tương đương về năng suất và tốc độ phát triển như Bát độ, mà không tốn chi phí mua cây giống, chỉ cần tuyên truyền cho người dân trồng là thành công.

Nghĩ là làm, anh vận động nhân dân thu hái hạt tre bản địa, phơi qua rồi ươm. Do hợp thổ nhưỡng, khí hậu, tỷ lệ nảy mầm đạt gần như tuyệt đối, cả thôn nô nức có phong trào trồng tre lấy măng, nhà nào có điều kiện thì mua giống tre Bát độ, nhà nào khó khăn thì trồng tre bản địa, anh sẽ là người đứng ra tư vấn kinh nghiệm cho bà con.

Năm 2012, toàn thôn Nà Lạ đã có 70 ha tre xanh rì khắp các triền đồi, khe suối, kinh tế cũng từ đó đi lên, nhà trồng nhiều có tới 4, 5 ha tre, nhà nào cũng lấy tre làm cây chủ lực để làm kinh tế. Trong căn nhà khang trang, ông Bàn Văn Hới nhớ lại: gia đình ông có 8 khẩu, ngày xưa nhà ông nghèo lắm, nghèo bởi đông con, có đất nhưng cũng chỉ trồng sắn, trồng ngô, kinh tế chả bao giờ khá, năm 2010, ông được tư vấn trồng tre, ông bảo, vận động mãi ông mới trồng vì sợ thất bại, ấy vậy mà sau khi được cán bộ thôn tư vấn, ông quyết tâm phá bỏ toàn bộ đồi cây kém hiệu quả, trồng từ 1 ha tre xong phát triển đến 5 ha như hôm nay, ông cũng là hộ dân trồng tre nhiều nhất thôn Nà Lạ.

Anh Phùng Văn Quang (bên trái) đang giới thiệu về vườn măng bát độ của gia đình.

Ông phấn khởi cho biết: hàng năm ông thu măng được 3 tháng, mỗi ngày cũng được ngót 3 triệu đồng, trừ chi phí thuê nhân công, mỗi năm gia đình cũng thu lãi được trên 150 triệu đồng. “Cây tre nó hiền, chả cần chăm sóc, đến mùa là cầm gùi lên cắt và bán thôi” - Ông tâm sự như thế.

Đổi đời từ tre

Nhắc đến cây tre, có mơ người dân Nà Lạ cũng không nghĩ nhờ đó mà thay đổi đời sống như ngày hôm nay. Anh Phùng Xuân Sơn mở sổ sách và dõng dạc, mỗi năm thôn tôi thu hơn 3 tỷ đồng nhờ cây tre, năm nay, nhiều thương lái đến thu mua lá tre, loại lá to thì 13.000 đ/kg, loại lá bé là 9.000 đ/kg, nhưng tựu trung, trồng tre đến mùa thì bán măng, còn lại bán lá, lá càng tỉa thì măng càng to, anh Sơn dí dỏm kể.

Sinh năm 1986, anh Phùng Xuân Cường, thôn Nà Lạ đã có thâm niên gần 2 năm thu mua các sản phẩm từ tre của người dân trong thôn. Anh cho biết: lúc đầu cũng nghĩ đi làm công ty, nhưng tiềm năng quê mình lớn như vậy sao không thử sức, anh đứng ra làm đầu mối thu mua măng về bán cho các cơ sở chế biến, hướng dẫn nhân dân thu hái lá tre để bán cho thương lái Phú Thọ xuất đi Đài Loan làm nguyên liệu gói bánh. Anh bảo: tiềm năng cây tre lớn lắm, gần đây nhiều người còn đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm nhưng anh cũng không dám nhận, vì phải chăm sóc theo quy trình, thu hái theo vụ, cái này cần phải có thời gian.

Nhắc đến cây tre thì có nhiều chuyện để nói, anh Sơn chỉ tay lên bức ảnh gia đình có cậu con trai đang làm Chiến sỹ công an, anh tự hào bảo: nhờ cây tre đấy nhà báo ạ, Nà Lạ là một trong 2 thôn cùng với Bản Lằn là có tỷ lệ con, cháu học Đại học, Cao đẳng với hơn 60% và cũng là thôn có nhiều người làm cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương hiện đang công tác.

Nà Lạ hôm nay thật khác, ngoài trồng tre, thôn còn nổi tiếng với phong trào nuôi cá lồng, chăn nuôi đại gia súc, Nà Lạ đang từng bước chuyển mình, trở thành thôn khá, giàu của xã Sơn Phú.

Phóng sự: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục