Ổn định phương thức thi tuyển sinh năm 2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện điều chỉnh một số kỹ thuật trong quy chế để đảm bảo thống nhất trong quá trình tổ chức thi.

Đề thi, phương thức thi ổn định

Bộ Giáo dục và Đào (GDĐT) vừa công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 (sửa đổi, bổ sung). Theo đó, thí sinh là học sinh lớp 12 THPT phải dự thi 4 bài thi để xét tốt nghiệp THPT, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp).

Về nội dung đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Bộ GDĐT cũng cho biết, sẽ nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu lớp 12 và có một số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11.

Đề thi được xây dựng theo ma trận của Bộ GDĐT gồm có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó chủ yếu nội dung sẽ ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao chiếm tỉ lệ vừa đủ để phân hóa.

Trước đó, Bộ GDĐT cho hay, dự kiến kỳ thi sẽ diễn ra vào tuần cuối tháng 6.2024. Bộ đã có điều chỉnh để đảm bảo thời gian cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp.

Xu hướng tuyển sinh bằng kỳ thi riêng

Theo yêu cầu của Bộ GDĐT, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh cụ thể, công bố các phương thức tuyển sinh, các thời hạn và quy trình cần thiết trong quá trình tuyển sinh… trên trang thông tin điện tử của mình.

Năm nay, các trường đại học vẫn duy trì đa dạng phương thức tuyển sinh như năm trước. Có trường tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT, có trường xét tuyển học bạ, có trường tổ chức kỳ thi riêng hoặc điểm thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội…

Em Nguyễn Thành Hiếu - học sinh lớp 12, Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, còn ôn tập để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nam sinh chia sẻ, việc cùng lúc ôn thi các kỳ thi khiến em có chút áp lực, song, lại tăng cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng yêu thích.

Trước xu thế có nhiều phương án xét tuyển, nhiều kỳ thi riêng, ông Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Điện lực khuyên thí sinh không nên chọn phương thức xét tuyển theo phong trào, mà nên lựa chọn phương thức phù hợp với bản thân.

Còn về phía Bộ GDĐT, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - lưu ý, thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh ở những trường mình đang tìm hiểu để nắm rõ các quy định.

Đặc biệt, với những thí sinh xét tuyển sớm, cần lưu ý dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển.

Thí sinh cần phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GDĐT trong thời gian đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực.

Ngoài ra, các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển cần được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó, nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng có ưu tiên cao nhất. Bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành theo sở thích, thí sinh cũng cần theo dõi điểm chuẩn của từng ngành, từng trường những năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.

Tăng cường bảo mật đề thi

Điểm mới đáng chú ý của Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6.3.2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành liên quan đến việc bảo mật đề thi. Theo đó, thông tư bổ sung thêm các yêu cầu đối với khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách trong kỳ thi. Trong đó, làm rõ thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước đối với đề thi để thí sinh và các bên tham gia quá trình tổ chức thi nắm rõ và không vi phạm theo quy định bí mật Nhà nước. Quy định cụ thể trong quy chế các vòng của khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách và nhiệm vụ của các vòng để bảo đảm phù hợp với quá trình triển khai của các cá nhân và đơn vị tham gia tổ chức thi.

Theo Lao Động

Tin cùng chuyên mục