Xây dựng nông thôn mới ở những xã nghèo: Cần có cơ chế đặc thù

- Báo cáo giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh,  toàn tỉnh có 7 xã đạt ở nhóm mức thấp (tức là chỉ đạt từ 7-9 tiêu chí). Đây đều là các xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, do đó việc đẩy nhanh tiến trình về đích NTM sẽ rất gian nan.

Khó chồng khó

Hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Đồng chí Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã phân trần, địa bàn rộng, hạ tầng chưa hoàn thiện, đặc biệt với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 84,4%, trong đó nhiều thôn tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 99%, điển hình như: Tấu Lìn, Khuổi Ma, Làng Phan... việc lo cuộc sống của bản thân người dân đã khó lấy đâu để đóng góp vào cuộc xây dựng NTM.

Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ cám chăn nuôi vịt cho người dân xã Bằng Cốc (Hàm Yên).

Phó Chủ tịch UBND Quỳnh dẫn chứng, năm 2023, tỉnh có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà văn hóa cho thôn Khuổi Ma với tổng vốn hơn 400 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước là 300 triệu đồng, còn lại người dân đóng góp. Tuy nhiên khảo sát thực tế, toàn thôn có 66 hộ thì có đến 65 hộ nghèo nên việc đóng góp để xây dựng gần như không thể. Dân nghèo, nguồn lực của Nhà nước hạn hẹp nên xã đành chấp nhận đi sau, về muộn.

Cũng như Hùng Lợi, sau hơn 10 năm công cuộc xây dựng NTM được triển khai, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cũng vẫn giậm chân tại chỗ. Kết quả đánh giá của Văn phòng Ban điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, Bằng Cốc cũng mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Các tiêu chí về: giao thông, trường học cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, lao động... đều ở mức rất thấp. Đồng chí Hà Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới xã cho biết, xã đang đối mặt với 2 khó khăn lớn là hoàn thành các tiêu chí về đường giao thông, trường học, thu nhập, nghèo đa chiều... 2 nhóm tiêu chí này phụ thuộc phần lớn vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có hạn, chưa thể đáp ứng ngay, còn người dân chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, các loại hình dịch vụ không phát triển nên khó có thể bứt lên có cuộc sống khá giả trong một vài tháng.

Cần cơ chế đặc thù ở những xã khó khăn

Báo cáo của Văn phòng Ban điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, toàn tỉnh còn 7 xã đạt ở nhóm mức thấp (tức là chỉ đạt từ 7-9 tiêu chí) đây là mức thấp nhất hiện nay. Trong đó, huyện Na Hang với 4 xã là Yên Hoa, Thượng Nông, Thượng Giáp và Sinh Long; Chiêm Hóa 1 xã là Bình Nhân; Hàm Yên 1 xã là Bằng Cốc; Yên Sơn 1 xã là Hùng Lợi. Đây đều là các xã nằm trong khu vực 3 (xã đặc biệt khó khăn) theo Quyết định 861/QĐ-TTg 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Nguyên nhân khiến các xã này chưa bứt lên được do nhiều yếu tố, một phần nguồn vốn của Nhà nước cấp chưa thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng. Cùng với đó, không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số quá thụ động, thiếu sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa bền vững.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Yên Sơn mở lớp dạy nghề cho người dân xã Hùng Lợi.

Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Bằng Cốc Hà Văn Thanh chia sẻ, trình độ nhận thức của bà con không đồng đều, chưa nhanh nhạy trong phát triển kinh tế. Hiện tại xã liên kết Trung tâm khuyến nông tỉnh, các hợp tác làm ăn hiệu quả trên địa bàn xin các dự án. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 2 dự án được thực hiện gồm: Dự án chăn nuôi vịt bầu đất, liên kết trồng dưa chuột xuất khẩu với gần 100 hộ tham gia. Quyết liệt triển khai các dự án, xã cùng vận động người dân trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, trong và ngoài huyện. Thống kê sơ bộ đã có gần 1.000 lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Thanh tin tưởng với giải pháp đang thực hiện, thu nhập của người dân sẽ tăng lên, cuộc sống được cải thiện, có điều kiện đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM của xã.

Đồng chí Lê Thiệu Tân, Trưởng bộ phận tổng hợp Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở các xã đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù. Ngoài việc phân, cấp vốn kịp thời, cũng phải ưu tiên hơn về nguồn vốn. Bởi trên thực tế, cùng mức kinh phí đầu tư xây dựng ở khu vực thuận lợi việc đối ứng của người dân rất dễ dàng, tuy nhiên ở những xã khó khăn, phần đa hộ dân có mức sống nghèo, cận nghèo để xã hội hóa là không thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các xã này chậm càng chậm hơn. Cùng với đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ về vốn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình tổ chức sản xuất mới hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản... Bên cạnh trợ lực từ Nhà nước, chính quyền, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương cũng cần sâu sát, hướng dẫn người dân tích cực, chủ động phát triển sản xuất. Làm được điều này, tiến trình xây dựng NTM ở những xã khó khăn mới có thể cải thiện và bền vững.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục