Nhịp no ấm

- Điểm tái định cư thủy điện Tuyên Quang thôn Cây Thị, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) những ngày cuối năm bộn bề những cát sỏi, gạch, xi măng... Những gia đình người Mông đang xây nhà, sửa nhà mới đón Tết. 15 năm về quê mới, nhưng nhịp sống hối hả phố thị mới “ngấm” về đây 2 - 3 năm nay.

Từ chuyện dựng nhà

5 - 6 người đàn ông Mông đang hì hụi người trộn cát sỏi, người gạt vữa đắp phần sân cho nhà già làng Giàng A Sính. Động tác thuần thục, nhanh nhẹn và gọn gàng. Ông Sính cười, khoe thành quả là ngôi nhà xây cấp bốn đã khô, sẵn sàng dọn vào nhà trước dịp Tết nguyên đán này.

- Thợ này mình thuê hả ông? Tôi hỏi.

- Không. Người trong làng mình thôi. Không mất tiền thuê, chỉ cần mình nhờ là họ đến thôi.

Thấy khách  ngạc nhiên, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lò A Tài cười bảo, thật đấy, toàn người làng thôi.

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lò A Tài.

Lò A Tài có thâm niên làm Trưởng thôn từ năm 22 tuổi. Tài bảo, em bị bầu vắng mặt đấy. Ngày đấy Tài đang đi làm ở Hà Nội, cuối năm họp thôn, bà con bầu cậu làm Trưởng thôn. Nhận chức, Tài về quê. Rồi cứ gắn bó với công việc “vác tù và” này đã 5 năm. Năm nay Đại hội chi bộ, Tài được bầu thêm chức Bí thư chi bộ, rồi gánh cả vai Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. Chàng thanh niên chưa đầy 30 tuổi này giờ kinh nghiệm đầy mình, dân làng ở đây bảo cậu là người nói được làm được!

Lúc đầu mới được bầu, Tài không muốn nhận đâu. Anh nghĩ mình còn trẻ, lại nặng gánh gia đình, muốn phát triển kinh tế, lo cho vợ cho con trước, rồi sau này có gánh vác việc thôn việc làng sau, nhưng bà con bảo không chọn người khác nữa. Người Mông nói một là một thôi...

Việc đầu tiên khi được làm Trưởng thôn mà Lò A Tài quyết định thay đổi cho bà con người Mông ở Cây Thị là chuyện sửa nhà sửa cửa. Ở những vùng quê khác, đây vốn là câu chuyện bình thường. Nhưng với người Mông ở Cây Thị lại là cả một cuộc “cách mạng”. Mà cuộc cách mạng này, bắt đầu từ Trưởng thôn Lò A Tài.

Người Mông ở đây quê gốc ở xã Thúy Loa (cũ) của huyện Na Hang. Rời đất quê về xuôi, bà con hình như chưa quen với nếp sống mới. Những ngôi nhà gỗ chuyển từ quê cũ về, sau nhiều năm đã không còn chắc chắn nữa. Nhưng không ai dám làm nhà mới. Người thì bảo không có tiền làm đâu. Người lại bảo sợ làm cái nhà như người Kinh sống không quen. Người già thì lo ông bà tổ tiên về không biết nhà mà về thăm con cháu. Những ngôi nhà tuềnh toàng giống như những nét vẽ sai trong bức tranh đẹp ở quê mới.

Trưởng thôn Lò A Tài lúc này nói chuyện với già làng Giàng A Sính. Tài bảo, mình trẻ người, tiếng nói chưa có trọng lượng, việc khó việc dễ trong làng, Tài hay tìm đến người có uy tín như già Sính để hỏi, chỗ nào khó vận động thuyết phục, Tài cũng nhờ già Sính theo để cùng khuyên nhủ.  

Ngôi nhà của ông Giàng A Sính được bà con trong thôn hỗ trợ ngày công hoàn thiện.

Già Sính nghe cái tâm sự của Tài thì bảo, mày là Trưởng thôn mày phải làm trước đi. Mày làm được thì dân mới dám theo chứ.

Tài quyết định vay mượn, bỏ căn nhà gỗ cũ để xây ngôi nhà mới. Năm 2017, ngôi nhà xây đầu tiên ở điểm tái định cư Cây Thị được xây dựng.

Thấy nhà Trưởng thôn mới dựng vừa ấm, vừa tiện, người Mông ở Cây Thị dần học cách làm theo. Sau 5 năm kể từ khi ngôi nhà xây đầu tiên của Tài được xây dựng, giờ ở Cây Thị đã gần như “xóa sổ” những ngôi nhà gỗ cũ. Người khá giả tự bỏ tiền ra làm nhà. Nhà khó khăn hơn thì được thôn bình xét, đề xuất với xã kết nối, kêu gọi hỗ trợ kinh phí. Như năm nay, ở Cây Thị có 10 ngôi nhà được hỗ trợ từ Đề án xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo của Ủy ban MTTQ tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác.

Đặc biệt, là bà con gần như không phải bỏ tiền thuê người xây dựng. Người Mông ở Cây Thị vẫn giữ được quy ước riêng từ ngày còn ở quê cũ. Nhà nào có việc, thì bà con cả xóm xắn tay vào cùng làm. Nên nhà nào dựng nhà, cả làng cũng như có hội, người trước người sau, mỗi người một việc cùng gia chủ.

Đến chuyện làm giàu

Kể xong câu chuyện làm nhà, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lò A Tài cười bảo, chuyện làm giàu còn khó hơn nhiều.
Mấy năm  nay, người Mông ở Cây Thị mới biết đi Công ty làm việc. Tài bảo, lúc vận động bà con đi, không ai theo đâu. Họ bảo mình cứ ở quê làm ruộng, có hết gạo ăn đâu mà sợ đói.

Gạo thì không hết, không đói thật, nhưng trẻ con đi học cần mua sách, người ốm cần đi viện, rồi ma chay cưới xin... tất cả đều cần đến tiền. Không có nguồn thu ở ngoài, thì mình thiệt thòi quá.

Tài đi các nhà, trong đó tập trung vào những gia đình trẻ, có lao động trẻ để tuyên truyền. Tài bảo, năm đấy nếu mình không được dân tín nhiệm thì chắc mình cũng không về quê đâu. Ở ngoài làm việc, vừa có nguồn thu nhập, vừa được mở mang tầm mắt. Nên khi về nhà thấy bà con chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, Tài thấy không đành lòng.

Điểm tái định cư thôn Cây Thị, xã Nhữ Khê (Yên Sơn).

Già Sính lúc này gặp Tài bảo, mày cứ nói mà mày không làm, thì ai dám theo. Thế là vợ Tài xin đi công nhân ở Bắc Ninh. Tài ở nhà vừa làm việc thôn, vừa tranh thủ ai thuê gì cũng làm, từ thợ xây đến bốc vác... Có tiền, Tài mở một cửa hàng tạp hóa cho mẹ bán hàng lặt vặt.

Thấy nhà Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lò A Tài kinh tế dư dả hơn, người làng dần cũng học cách ra khỏi lũy tre làng. Tài khoe, ở điểm tái định cư Cây Thị giờ đã có hơn 30 người đi làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, lao động làm việc tự do. Thu nhập, cách sống, cách nghĩ của bà con mình đang mở mang dần rồi, không còn bó hẹp như trước nữa đâu.

Năm nay Nhữ Khê về đích nông thôn mới, cuộc sống của người Mông ở Cây Thị cũng  nhờ thế mà đổi thay nhiều. Bà Giàng Thị Vanh cười khoe, trước đây rác nhiều lắm, bạ đâu thì để đấy thôi, giờ khác nhiều rồi. Mỗi nhà đều có một túi đựng rác treo trên cây, trên bờ rào để chó mèo không tha đi được. Cuối ngày là có người đến thu mang ra bãi xử lý rác. Nhà sạch, thôn sạch, không mất vệ sinh nữa.

Đến thời điểm này, những thay đổi của bà con ở Cây Thị đã phần nào minh chứng cho những nỗ lực của người Bí thư chi bộ, Trưởng thôn trẻ tuổi Lò A Tài. Nhưng Tài bảo, tới đây, mình cũng phải tính đưa cây gì con gì vào thôn để nâng cao thu nhập cho bà con, vì đi làm việc ở các nhà máy, công ty chỉ phù hợp với người trẻ thôi. Có làm được thế, mới không ngại với người trẻ người già đã tin mình…

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục