Cô giáo cắm bản

- Hơn 22 năm trong sự nghiệp "trồng người", trong đó có gần 10 năm làm cô giáo dân nuôi, cô giáo Triệu Thị Pham, dân tộc Dao đỏ Trường Mầm non xã Sơn Phú (Na Hang) luôn vượt khó vươn lên thi đua dạy tốt. Cô được bao lớp học trò, phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương quý trọng, biết ơn.

Quyết tâm làm cô giáo

Thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú (Na Hang) nằm cheo leo trên đỉnh núi cao. Vào mùa này cả bản người Dao đỏ chìm trong sương. Chỉ cách trung tâm xã Sơn Phú khoảng 14 km đường rừng, nhưng thôn Nà Cọn sống khá biệt lập theo kiểu tự cung tự cấp. Nguyên nhân con đường đi chỉ thuận tiện vào mùa khô, mùa mưa chả ai dám xuống núi. Chính vì giao thông cách trở mà sự học ở đây khá nhọc nhằn. Cô giáo Triệu Thị Pham, sinh năm 1978, dân tộc Dao đỏ thôn Nà Cọn kể lại, trước kia cô cũng học lớp mầm non ghép với tiểu học ở điểm trường thôn Nà Cọn. Học xong tiểu học cô định bỏ học theo bạn bè cùng trang lứa để đi rừng kiếm măng. Nhưng suy nghĩ mãi cô lại xuống núi theo học bán trú tại Trường THCS Sơn Phú, rồi tiếp tục kiên trì ra THPT Na Hang học hệ bổ túc cách nhà 23 km để nuôi ước mơ trở thành cô giáo về dạy cái chữ cho con em trong bản. Ước mơ cũng chỉ giản dị vậy thôi mà thật khó, không phải ai cũng đủ nghị lực để vượt qua.

Cô giáo Triệu Thị Pham dạy học cho các cháu.

Thôn Nà Cọn ngày một đông, số học sinh mầm non và tiểu học có nhu cầu học ở điểm trường ngày càng lớn. Trong khi ít có giáo viên xung phong lên Nà Cọn dạy học vì con đường đi khó khăn quá, trong khi cô giáo người sở tại thì không có. Trước tình hình này ngành Giáo dục Na Hang đã quyết định tuyển chọn một số học sinh tốt nghiệp THPT người bản địa về làm hệ cô giáo mầm non dân nuôi. Cô Triệu Thị Pham may mắn được tuyển chọn về làm cô giáo dân nuôi ở điểm trường thôn Nà Cọn trong gần 10 năm thì mới được thi vào biên chế chính thức. Có cô giáo người dân tộc Dao đỏ - người bản địa, việc đưa trẻ tới trường học tiếng phổ thông thuận lợi hơn. Việc sử dụng "song ngữ" bổ trợ giúp trẻ dễ hiểu, dễ gần, học hành hiệu quả.

Do thông thạo tiếng Dao đỏ và địa hình đồi núi, cô Triệu Thị Pham được Trường Mầm non Sơn Phú cử đi cắm bản ở Nà Lạ, Bảm Tằm, giờ là Phia Chang. Nhờ sự nhiệt tình và uy tín, cô Triệu Thị Pham đã vận động nhiều học sinh trong độ tuổi mầm non đến lớp. Để có thêm tay nghề sư phạm cô đã theo học hệ Trung cấp, Cao đẳng Mầm non hệ vừa học vừa làm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nay là Đại học Tân Trào. Hơn 22 năm với sự nghiệp trồng người nơi rẻo cao, cô Triệu Thị Pham đã đưa bao "chuyến đò tri thức" qua sông. Là cô giáo hệ mầm non ngoài dạy học nhận diện con chữ, phát âm, thì cô còn phải tự lo từng bữa ăn, giấc ngủ, áo quần mặc có đủ ấm cho các cháu không. Chính nhờ chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của tỉnh, mà các điểm trường của xã Sơn Phú được quan tâm, đầu tư, các cô giáo bám bản như cô Pham được chính thức nằm trong hệ thống giáo dục của tỉnh. Đây là nguồn động viên rất lớn, giúp các cô giáo mầm non, trong đó có cô giáo Triệu Thị Pham vươn lên dạy tốt, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến nhiều năm.

Cô Pham chăm sóc từng bữa ăn cho các cháu.

Người truyền cảm hứng

Tấm gương tự học vươn lên trên vùng đất khó của cô Triệu Thị Pham đã truyền cảm hứng cho biết bao học sinh, phụ huynh học sinh tại các điểm trường. Chị Triệu Thị Hương, dân tộc Dao đỏ thôn Phia Chang, xã Sơn Phú có con trai là cháu Triệu Phúc Kim đang theo học lớp mầm non 5 tuổi tại điểm trường Mầm non Phia Chang cho biết, nhờ Đảng, Chính phủ và tỉnh mà trẻ em trong độ tuổi ở Phia Chang được ra lớp. Gia đình yên tâm gửi con cháu cho cô giáo, thấy chúng học hành ngày một tiến bộ. Chúng tôi hiểu rằng, muốn phát triển phải học. Biết chữ mới có thể thi bằng lái xe, đi học nghề, làm cán bộ. Ngay người dân biết chữ sẽ dùng được điện thoại thông minh, khai thác thông tin thời sự, khoa học trên hệ thống báo điện tử, mạng xã hội, nhóm Facebook, Zalo… áp dụng vào nâng chất lượng cuộc sống, mở mang sản xuất.

Học sinh lớp Mầm non điểm trường thôn Phia Chang tham gia hoạt động vận động sau giờ học chính.

So với trước đây, 2 thôn khó khăn nhất của xã Sơn Phú là Phia Chang và Nà Cọn đã tiến bộ từng ngày nhờ việc học hành nâng cao dân trí. Người dân đã tự bỏ một số hủ tục, biết bảo tồn, phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc mình. Nghệ nhân Ưu tú Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao đỏ thôn Nà Cọn cho rằng, sự học rất quan trọng. Những người uy tín của thôn luôn động viên gia đình, các cháu phải học hành. Chỉ có học mới mang tới tiến bộ, no ấm, hạnh phúc. Và qua đây cũng cảm ơn các thầy cô giáo đã cắm bản bao nhiêu năm để gieo con chữ. Cách đây mấy chục năm các điểm trường được hình thành khá sơ sài, thường là mượn nhà văn hóa. Các thầy cô giáo lên đây dạy học đều phải ăn ở tại chỗ, khó khăn như người dân bản. Nhiều cô bố mẹ già, con nhỏ mà cuối tuần không về nhà được. Thật sự đây là sự hy sinh thầm lặng, tất cả để giáo dục đi lên.

Đồng chí Hà Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú khẳng định, hệ thống thầy cô giáo cắm bản đã thực sự giúp cho Sơn Phú thực hiện tốt Chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Giờ các cháu 3 tuổi đã tới lớp, việc học tiếng phổ thông sẽ thuận lợi hơn nhiều. Hiện Sơn Phú có 8 thôn với 6 điểm trường mầm non, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Mấy năm gần đây xã đã huy động nguồn lực làm tuyến đường bê tông lên thôn Phia Chang, Nà Cọn, giảm áp lực cho mùa mưa. Xã rất biểu dương tinh thần vượt khó của đội ngũ thầy cô giáo cắm bản, trong đó có cô giáo Triệu Thị Pham.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục