Nuôi dưỡng lòng biết ơn

Người xưa có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, ý muốn nói đến tầm quan trọng của đạo đức con người. Một con người chưa cần biết giỏi giang ra sao, tài năng thế nào nhưng chỉ cần họ sống nhân nghĩa, có lòng biết ơn chắc hẳn thành công sẽ đến. Và mỗi bạn nhỏ lớn lên với lòng biết ơn sẽ biết cảm thông, chia sẻ với mọi người, biết trân trọng giá trị cuộc sống.

 

Lòng biết ơn là một phẩm chất tốt đẹp, luôn tồn tại trong cuộc sống này và lan tỏa vô cùng tốt đẹp. Ví như chúng ta có thể thấy, lòng biết ơn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như: thế hệ sau luôn nhớ ơn công lao thế hệ đi trước, con cái biết ơn cha mẹ, học trò biết ơn thầy cô, người được giúp đỡ nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình…Chính vì vậy, dạy con trẻ về lòng biết ơn luôn được cha mẹ và nhà trường đặc biệt quan tâm.

Trường học có vai trò giáo dục đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, ngay từ các bậc học mầm non đến phổ thông, các em thiếu nhi đã được dạy những bài học về lòng biết ơn. Thông qua các hoạt động theo chủ đề, ngoại khóa, tham quan trải nghiệm, để học sinh có thêm kiến thức thực tế, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước và lòng biết ơn.

Với chủ đề “Thiếu nhi Lâm Bình với biển đảo quê hương”, cuộc thi vẽ tranh do Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện Lâm Bình tổ chức đã thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Nhiều tác phẩm đẹp mắt, đầy ý nghĩa về biển đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, về hình ảnh người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đã được các bạn nhỏ thể hiện sinh động qua các nét vẽ.

Dưới đây là hình ảnh một buổi học tại Trung tâm ngoại ngữ Popodoo, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Điều hành Trung tâm ngoại ngữ Popodoo Tuyên Quang chia sẻ, thông qua những câu chuyện bằng tiếng Anh hay những tấm thiệp chúc mừng bằng chính tay các bạn học sinh tại trung tâm thực hiện để dành tặng cho những người thân yêu của mình, các thầy cô giáo tại trung tâm muốn truyền đi thông điệp xây dựng lòng biết ơn với các bạn nhỏ như chăm sóc những mầm xanh.

 

 

 

“Nghĩ về những người phụ nữ con yêu” là chủ đề của buổi sinh hoạt dưới cờ được các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Tp Tuyên Quang) tổ chức. Các bạn học sinh đã tự tay vẽ những bức tranh đầy cảm xúc về mẹ, về cô giáo của mình. Bằng lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, các bạn nhỏ đã vẽ nên những bức tranh đầy cảm xúc.

 

 

 

Ý thức biết ơn không tự nhiên có trong mỗi con người. Nó được hình thành do sự giáo dục, do quan sát hành vi ứng xử của những người xung quanh và do nhận thức về cuộc sống mang lại. Bên cạnh vai trò của nhà trường, gia đình chính là chiếc nôi nuôi dưỡng đặc biệt quan trọng của sự biết ơn.

 

 

 

Chị Nguyễn Thị Phương, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ: “Tôi thấy, nhiều phụ huynh hiện nay không chỉ chú ý dạy con về kiến thức, kỹ năng sống mà còn chú ý đến việc dạy con từ nói lời cảm ơn, dạy con biết trận trọng, biết phép lịch sự… Những điều này sẽ giúp các con biết đối nhân xử thế trên con đường trưởng thành sau này”.

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình dạy con trẻ về lòng biết ơn, cha mẹ không chỉ là người đóng vai trò chỉ dẫn mà còn chính là tấm gương chuẩn mực để con trẻ noi theo.

Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục