Cán bộ y tế các xã hướng dẫn trẻ em cách rửa tay hợp vệ sinh.
Đồng chí Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Chương trình có 3 hợp phần, bao gồm cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá.
Năm nay, mục tiêu của chương trình tại huyện Sơn Dương là can thiệp tại 5 xã đảm bảo công nhận vệ sinh toàn xã, với 3 tiêu chí kiểm đếm; 100% hộ gia đình có nhà tiêu, trong đó 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ gia đình có điểm rửa tay, có xà phòng hoặc sản phẩm thay thế xà phòng; 100% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, và có điểm rửa tay hoạt động.
Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Ứng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn xã thường xuyên vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm, chủ động phân loại thu gom rác thải để đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thành lập các tổ thu gom, phân loại rác.
Đến nay tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 98,2%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 97%, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt trên 95%, tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, đạt trên 70%; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường. Đồng chí Hà Văn Đảo - Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói, bộ mặt nông thôn thay đổi, nhất là tiêu chí môi trường, xã sẽ sớm về đích nông thôn mới trong năm nay.
Chương trình vệ sinh môi trường dựa trên kết quả mang lại hiệu quả cho người dân Sơn Dương.
Năm nay, xã Kháng Nhật đăng ký về đích nông thôn mới. Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường, xã đã thành lập các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, hằng tháng tổ chức các buổi lao động, quét dọn đường làng, ngõ, xóm, thu gom rác; hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định.
Các thành viên trong tổ vận động người dân trong thôn tự mua sắm thùng đựng rác, túi phân loại rác thân thiện với môi trường. Bà Võ Thị Tuất, thôn Gốc Mít chia sẻ, lúc trước gia đình bà và các hộ sử dụng nước lần từ trên núi vừa tốn kém lại không bảo đảm vệ sinh, vì đường ống dẫn nước về rất hay bị hỏng, thường xuyên phải thay thế.
Từ khi có chương trình vệ sinh toàn xã, được đầu tư hệ thống nước sạch, được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, bà rất yên tâm, sức khoẻ của các thành viên trong gia đình được bảo đảm, nhất là những bệnh về đường tiêu hoá, không còn hay bị mắc như trước.
Bà Mai Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kháng Nhật chia sẻ: Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đã thành lập được 8 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, có 67 thành viên tham gia. Tổ tự quản do người dân trong thôn bầu ra, mỗi tổ gồm 7 - 8 người. UBND xã ra quyết định thành lập tổ tự quản và phê duyệt quy chế hoạt động theo Luật Bảo vệ môi trường.
Trẻ em tại các xã được sử dụng nước sạch từ chương trình.
Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn xã thường xuyên vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm, chủ động phân loại, thu gom rác thải để đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Trong năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai can thiệp vệ sinh tại 5 xã của huyện Sơn Dương với trên 9.000 hộ dân tham gia. Đánh giá chung các xã đều vượt mức chỉ tiêu chương trình đề ra, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt trên 95%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt trên 95%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, đạt trên 70%; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường.
Đồng chí Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phấn khởi cho biết, chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” thực hiện tại tỉnh Tuyên Quang đã đạt yêu cầu. Bộ mặt nông thôn đã dần thay đổi, nhận thức và ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đã từng bước được nâng lên.
Gửi phản hồi
In bài viết