An toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão
Bắt đầu bước vào cao điểm mùa mưa bão với những diễn biến thời tiết phức tạp, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, lực lượng chức năng toàn tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp.
Song song với việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các xã, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão.
![]() |
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tàu, thuyền. |
Xã Nà Hang hiện có trên 80 tàu thuyền làm dịch vụ du lịch, trên 300 thuyền khai thác, nuôi trồng thủy sản của người dân. Những ngày đầu tháng 7, cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát phương tiện, lực lượng chức năng cũng tích cực hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu của tàu thuyền, đặc biệt trong điều kiện, tình hình thời tiết phức tạp.
Anh Hà Hữu Đức, chủ phương tiện tàu thuyền tại xã Nà Hang chia sẻ: Gia đình anh có 2 tàu du lịch hoạt động trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Đang vào cao điểm mùa du lịch, tàu thuyền hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, gia đình anh cũng dành thời gian để bảo dưỡng theo định kỳ để tăng tuổi thọ cho phương tiện cũng như đảm bảo an toàn cho du khách tham quan, du lịch, trải nghiệm trên lòng hồ. Hằng năm, anh cùng các chủ phương tiện tàu, thuyền trong khu vực ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, phương tiện nổi...
Mèo Vạc là xã vùng cao biên giới có tuyến sông Nho Quế chảy qua với hoạt động vận tải đường thủy khá tấp nập, chủ yếu là hoạt động trải nghiệm du lịch, đánh bắt và vận tải. Hiện nay, toàn tuyến có gần 100 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động. Với địa hình hiểm trở cùng dòng chảy phức tạp vào mùa mưa lũ, đây cũng là tuyến đường thủy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Lực lượng Cảnh sát giao thông cùng lực lượng Công an xã đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến người dân, du khách cùng các chủ phương tiện về các hành vi bị nghiêm cấm, quy định về bến thủy nội địa, các điều kiện đảm bảo an toàn, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và phòng chống đuối nước...
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó, tập trung xử lý các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, lỗi chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện, các lỗi về kiểm định, trang bị thiết bị an toàn... Theo Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa mùa mưa bão, các chủ phương tiện tàu, thuyền cũng được ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, cam kết bảo đảm đầy đủ thiết bị an toàn cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy.
Đối với các bến thủy nội địa, bến đò ngang, lực lượng chức năng hướng dẫn người dân neo đậu an toàn, cảnh báo mực nước, nguy cơ sạt lở để Nhân dân có phương án chủ động phòng tránh. Công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, phòng chống đuối nước cũng được phối hợp triển khai tại các trường học, khu dân cư, qua đó, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, việc chủ động đảm bảo an toàn với phương châm phòng ngừa là chính là biện pháp tối ưu nhằm hạn chế tối đa rủi ro xảy ra trên các tuyến đường thủy mùa mưa lũ.
Bài, ảnh: Nhật Quang
Ý kiến bạn đọc