Bài 1: Về nghe suối kể

Ở nhiều vùng quê thanh bình, yên ả, những dòng suối ngày đêm chảy róc rách quanh những xóm làng, mang dòng nước trong mát về cho những cánh đồng bát ngát đã trở thành một hình ảnh thân thương, gần gũi, gợi lên bức tranh quê bình dị, hữu tình. Thế nhưng, những năm gần đây, do ảnh hưởng mặt trái của đô thị hóa và ý thức của người dân đã khiến những dòng suối quê hương đối mặt với tình trạng ô nhiễm, trở thành những dòng suối “hấp hối”, không bao giờ trở lại…

Trong bài Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Nhớ từng rừng nứa bờ tre/Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”… Những câu thơ này đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người Việt về một vùng đất sơn thủy hữu tình và cho thấy Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê đã xuất hiện cùng với núi rừng Tuyên Quang từ nhiều thế kỷ. Đây là hình ảnh rất đẹp và thiêng liêng của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Suối Lê xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương lúc chưa bị ô nhiễm.

Suối Lê chảy qua chân núi Khúi Luông, thôn Ngòi Trườn, chảy dài qua địa phận các thôn Ngòi Trườn, Đồng Đon, Cò, Dõn, Mới và Lê ở xã Minh Thanh (Sơn Dương). Dòng suối là địa danh lịch sử gắn liền với chiến khu Việt Bắc, là chứng tích hào hùng của dân tộc từng lưu lại nơi này. "Vài chục năm về trước, nước suối Lê trong leo lẻo, trẻ con chăn trâu tắm mát, cá tôm cũng nhiều vô kể. Khi ấy, dòng suối luôn ăm ắp nước, nước suối mát lạnh, trong sạch. Giờ đến suối Lê, dòng suối dần khô cạn, ô nhiễm khiến nhiều người tiếc nuối", ông Nguyễn Văn Minh, thôn Lê, xã Minh Thanh kể.  

Dòng suối Lê giờ đây đục ngầu, lềnh phềnh túi nilon, rác thải.

Từ một dòng suối trong xanh và trù phú, mang trong mình những giá trị lịch sử to lớn, giờ đây chỉ còn một màu đục ngầu, lềnh phềnh túi nilon rác thải. Chị Hà Thị Kỳ, Bí thư Chi bộ Thôn Lê nói: Không phải chỉ riêng người dân ở thôn Lê, mà cả những thôn đầu nguồn, họ coi suối là nơi tập kết rác, nên cứ có rác là vứt xuống suối.  Mỗi đợt lũ suối, rác từ đầu nguồn tống về hạ lưu, túi nilon nhiều vô kể bị mắc vào bụi cây, cành tre, trông rất phản cảm.

Trong ký ức tuổi thơ của ông  Hoàng Văn Lựu và cả những ai sinh ra và lớn lên ở thôn Kim Giao, xã Minh Hương (Hàm Yên) thì hình ảnh dòng suối là một phần ký ức, là hành trang không thể thiếu trong cuộc đời. Ông Lựu hồi tưởng: Không biết suối Minh Hương có tự bao giờ nhưng khi ông sinh ra và lớn lên đã thấy có dòng suối xanh mát chảy ngang qua làng. Thời còn nhỏ, ông và lũ bạn thường ra suối chơi trò đắp đập, be bờ để chặn dòng bắt tôm cá, đắp suối thành những vũng nước sâu để ngụp lặn. Đó là những năm tháng tuổi thơ ông không thể quên được. 

Dòng suối trong xanh là nơi để lũ trẻ vùng vẫy tắm mát.

Dòng suối Minh Hương không chỉ là ký ức tuổi thơ mà còn là nguồn sáng của người dân nơi đây.  Ông Lựu nhớ lại: Thập niên 90, khi điện lưới quốc gia chưa về đến Minh Hương, ông cùng nhiều bà con trong xã bỏ công đắp các phai tạm để làm thủy điện mini thắp sáng. Ngày ấy, suối ở đây trong xanh, mát lành. Nước suối còn để dùng tắm mát, rửa ráy, giặt giũ. Suối cho cá tôm để bữa ăn hàng ngày thêm phần dư vị.

Nơi này trước đây đã từng làm thủy điện mini thắp sáng.

Ông Hoàng Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết: Nguồn nước suối chảy ra từ núi rừng Cham Chu đã và đang được nông dân xã Minh Hương tận dụng nuôi vịt, nuôi cá, tưới cây ăn quả. Hiện xã có trên 2.300 hộ thì có trên 1.000 hộ có mô hình kinh tế từ tận dụng được nguồn nước tưới của núi rừng Cham Chu, thu nhập đạt từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng/năm. Nguồn nước là điều kiện để xã hình thành vùng sản xuất cam hàng hóa trên 223 ha; vùng chuyên canh lúa đặc sản 365 ha, tạo sản phẩm gạo Minh Hương nức tiếng; bảo tồn và phát triển giống vịt bầu bản địa Minh Hương đạt 3 sao OCOP.

Người dân thôn Kim Giao xã Minh Hương xả rác, nước sinh hoạt trực tiếp ra suối.

Giá trị kinh tế của suối là vậy nhưng giờ đây dòng suối lại bị chính người dân Minh Hương bức tử. Ông Hoàng Văn Đức, thôn 8, xã Minh Hương bức xúc nói: Ý thức của một số người dân quá kém, nào là rác sinh hoạt rồi gà, lợn chết cũng vứt luôn xuống suối. Những ngày mưa rác trôi đi được ít nhiều thì còn đỡ, gặp những ngày nắng oi bức, cứ về cuối giờ chiều là mùi hôi thối lại bốc lên, theo gió xộc thẳng vào nhà. Môi trường ngột ngạt, ô nhiễm quá, một số hộ dân sống cạnh suối phải thuê người đến dọn dẹp, nhưng cứ được một thời gian tình trạng này lại tái diễn.

Suối cầu thôn 8, xã Minh Hương chứa đầy rác thải, bốc mùi hôi thối.

Con suối ở Hòa An (Chiêm Hóa) bắt nguồn từ dãy núi Cham Chu mang theo dòng nước mát róc rách đêm ngày uốn dòng theo những cánh đồng. Khi được hỏi về dòng suối chạy qua bản, cụ Lý Văn Xương, thôn Làng Mạ, xã Hòa An kể: Trước kia, trên dòng chảy suối Làng Mạ này không chỉ có cọn nước. Đồng bào người Tày sống gần suối còn làm nhiều cối giã gạo nước, hoạt động dựa vào lượng nước trên cọn nước rót xuống, người dân không phải giã gạo bằng đạp chân. Nhờ những chiếc cọn nước này, ruộng đủ nước tưới, có ao hồ nuôi thả cá, nước dẫn về tận cầu thang nhà sàn.
Ông Triệu Văn Kim, trưởng thôn Làng Mạ, xã Hòa An (Chiêm Hóa) kiểm tra hoạt động của cọn nước.
Trưởng thôn Làng Mạ Triệu Văn Kim chỉ tay về phía dòng suối đi qua thôn bảo, giờ cả thôn chỉ còn vài cái cọn. Do nước suối đang dần cạn, không còn trong sạch như trước nên chẳng ai dám dẫn nước về dùng. Suối giờ không chỉ có rác sinh hoạt mà nguy hại hơn nữa là chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu, diệt cỏ cũng được người dân các thôn vứt xuống suối, gây ô nhiễm. Bà con phải chặn dòng, rẽ dòng không dám cho nước suối chảy vào ao nhà mình vì sợ cá bị ô nhiễm.

Cọn ở Làng Mạ, xã Hòa An dẫn nước tưới tiêu cho các đồng ruộng.

Những con suối hiền hòa chảy từ muôn đời là một phần không thể thiếu để làm cho môi sinh được trong lành, cho hệ sinh thái được sinh sôi, phát triển. Suối có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, đem lại giá trị kinh tế là vậy, thế nhưng giờ đây, những dòng suối đang oằn mình đối mặt với tình trạng ô nhiễm, trở thành những dòng suối “hấp hối”, không bao giờ trở lại…

Và để rồi sẽ không còn nữa những dòng suối trong mát của tuổi thơ ngày nào, không còn nữa những chiếc cọn nước tung lên những làn nước suối trong vắt đổ vào những cánh đồng bát ngát lúa non. Khi trong trang sách có những câu thơ, những bài văn viết về dòng suối, các em học sinh có thể sẽ ngơ ngác không biết suối là gì.

Thực hiện: Thanh Tùng, Cao Lâm, Mỹ An