Bài 3: Để suối nguồn chảy mãi

Nguồn tài nguyên nước tại các dòng suối đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Đã đến lúc cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương và hơn hết nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân để suối nguồn chảy mãi.

Hầu hết các dòng suối từ nhỏ đến lớn đang “oằn” mình gánh rác đủ loại từ nilon, chất thải chăn nuôi, xác động vật, rác thải xây dựng đến lấn chiếm hành lang suối, lòng suối nên nhiều dòng suối đã thay đổi dòng chảy, mất dòng chảy.

Bà Đặng Thị Tần, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) bức xúc, “con suối Khuẩy Chán này chảy ra từ núi Tống Thành nhưng năm nay đã không còn chảy nữa. Đã thế, ý thức của một số người dân rất kém, họ vứt rác xuống suối. Suối ngay trước cửa nhà nên nhiều lúc tôi phải canh không cho người dân vứt rác xuống suối. Hầu như họ vứt trộm vào buổi tối. Độ hơn tháng nay, có bóng điện và camera an ninh thì người dân mới không vứt rác xuống suối nữa”. 

Suối Cham Chu bắt nguồn từ dãy núi Cham Chu chảy về xã Minh Hương (Hàm Yên) tạo nên 2 “sản vật” gạo Minh Hương và vịt bầu Minh Hương. Giá trị nguồn nước là thế nhưng có lúc người dân đã “phóng” tất thảy ra suối từ túi nilon, rác sinh hoạt, chất thải chăn nuôi...

 Rác thải ngập tràn suối Cham Chu, xã Minh Hương (Hàm Yên) ảnh trên. Tuổi trẻ xã Bằng Cốc (Hàm Yên) vệ sinh dòng suối (ảnh dưới)

Bà Vũ Thị Tự, thôn 6 bảo, độ 2 năm nay người dân đã có ý thức giữ gìn dòng suối Cham Chu này rồi! Chúng tôi đã bảo nhau không vứt rác xuống suối, cùng nhau vệ sinh dòng suối để giữ nước tưới cho cây lúa, tưới cam, nuôi cá… nên giờ dòng suối đã bớt ô nhiễm nhưng để sạch được như vốn có phải mất một thời gian nữa.

“Trăm suối đổ thành sông” nếu không giữ nguồn nước từ con suối thì sông cũng ô nhiễm dẫn đến nước phục vụ sản xuất ô nhiễm, mạch nước ngầm phục vụ đời sống cũng ô nhiễm.

Người dân xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thực hiện thu gom rác thải dưới lòng suối.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lo ngại nói, nguồn nước ngày càng cạn kiệt lại còn ô nhiễm thì thiếu nước sản xuất sẽ trầm trọng hơn. Ngay 6 tháng năm nay đã cảm nhận rõ việc thiếu nước. Các hồ thủy lợi sắp trơ đáy, ngành nông nghiệp sẽ “bó tay” nếu không có nước. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng hiện tượng EL Nino nhưng cũng một phần do dòng chảy bị ô nhiễm, mạch nước ngầm suy giảm.

Sau khi có phản ánh của Báo Tuyên Quang về sự ô nhiễm của các dòng suối tại các xã Minh Thanh, Hợp Hòa, Thiện Kế, Ninh Lai (Sơn Dương), chính quyền các địa phương đã ngay lập tức kiểm tra và lên phương án quyết liệt hơn cho công tác bảo vệ dòng chảy.

Ông Hoàng Khánh Linh, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết: UBND xã đã chỉ đạo ngay các thôn siết chặt xử lý việc người dân vứt rác ra suối, đồng thời yêu cầu các thôn có kế hoạch phát quang và vệ sinh các suối chảy qua địa phận của thôn thường xuyên.

Lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ Sơn Dương ra quân thực hiện vệ sinh các con suối trên địa bàn.
Xã tăng cường công tác tuyên truyền và đưa vào quy ước, hương ước thôn việc giữ gìn dòng suối, gia đình nào vi phạm sẽ không đạt gia đình văn hóa. Về lâu dài xã sẽ xây dựng phương án bảo vệ đối với từng dòng suối, vận dụng linh hoạt kinh phí để khơi thông lại dòng chảy, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ máy móc, vật liệu để kè lại một số đoạn cần thiết chống sạt lở, nguy hiểm; lắp camera một số đầu điểm suối trọng điểm, giáp ranh để giám sát…
Lãnh đạo UBND xã Ninh Lai (Sơn Dương) kiểm tra thực tế các dòng suối trên địa bàn.

Ngoài việc ô nhiễm thì còn có việc người dân lấn chiếm hành lang suối, lòng suối làm các công trình. Ông Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình (Chiêm Hóa) xác nhận: Trên địa bàn xã đã có một số hộ vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng suối xây dựng trái phép. Khi phát hiện xã đã buộc dừng thi công, lập biên bản vi phạm và yêu cầu khôi phục hiện trạng. Hiện UBND xã đang xử lý 2 trường hợp liên quan đến việc này.  

 

 

Ông Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình (Chiêm Hóa) 

Nhiều dòng suối đã và đang bị “bức tử” và sẽ không thể hồi sinh nếu ngay từ bây giờ con người không hành động. Đặc biệt, những dòng suối không chỉ có giá trị về sự sống, kinh tế mà nó còn mang trên mình giá trị của lịch sử như suối Lê, Khuôn Pén, suối Cả… trên mảnh đất lịch sử Tuyên Quang đã đi vào thi ca.

Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Văn Soài cho biết, suối Khuôn Pén nằm trong danh mục bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, sẽ xây dựng đường nội bộ và đường xuống suối. Vì thế, xã sẽ áp dụng các hình thức xử lý nếu người dân vi phạm hành lang suối, xả rác xuống suối, để hồi sinh lại dòng chảy.

Giữ lại dòng suối lịch sử gắn với chiến thắng Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), người dân ở đây đã bảo nhau giữ gìn suối sạch sẽ. Bà Ma Thị Thanh, thôn Cầu Cả cho biết, người dân đã tổng vệ sinh suối 2 lần/năm, ngoài ra thường xuyên thu gom túi nilon, rác chảy từ nơi khác đến, thế nên đoạn suối này luôn sạch.

Tuổi trẻ huyện Lâm Bình vệ sinh suối trên địa bàn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có sông Lô, Gâm, Phó Đáy và 500 suối, ngòi nhỏ, các dòng suối trên địa bàn tỉnh có đóng góp rất lớn, cung cấp nguồn tài nguyên nước mặt cho nhiều địa phương. Nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn dòng chảy, từ năm 2019 đến 2025, Đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Trong đó, cơ quan chức năng đã mở rộng công tác tuyên truyền, hướng dẫn bảo vệ các dòng chảy, thu gom rác thải…

Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, bảo vệ nguồn nước mặt tại các dòng suối chảy để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Sở đã xây dựng phương án quản lý chặt chẽ việc xả thải; yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã xây dựng công trình xả thải. Hàng năm, Sở thực hiện quan trắc môi trường để theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt; tăng cường thực hiện điều tra các nguồn thải và đánh giá sức chịu tải của nguồn nước làm cơ sở tiếp nhận các dự án đầu tư và các giải pháp bảo vệ nguồn nước.

Sở xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước để thường xuyên giám sát; yêu cầu các dự án chăn nuôi có nguồn phát thải lớn phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuần hoàn tái sử dụng vào các mục đích phù hợp, đồng thời tính toán giảm lượng nước cấp đầu vào; tăng cường phối hợp các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn để kiểm soát lưu vực sông, suối. Sở tiếp tục kiến nghị, đề xuất xây dựng 3 trạm quan trắc tự động 3 sông Lô, Gâm, Phó Đáy…

Với sự chung tay từ người dân, chính quyền đến các cơ quan chức năng, kỳ vọng những suối nguồn sẽ chảy mãi!


Bài, ảnh: Mỹ An, Thanh Tùng, Cao Lâm