Bài cuối: “Soi gương, rửa mặt” hằng ngày

Sau khi đăng loạt bài “Biết soi, biết sửa, mở cửa lòng Dân”, Báo Tuyên Quang đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Các ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm “tự soi, tự sửa” phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của cán bộ, đảng viên như “soi gương, rửa mặt” hằng ngày. Từ đó giúp cán bộ, đảng viên loại bỏ những hạn chế và phát huy những mặt tích cực để từng bước hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đổi mới, phát triển hơn nữa.

Nhân dân cũng hết sức kỳ vọng vào những quy định mới của Đảng và Nhà nước về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung. Những quy định này khi được triển khai thực hiện chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Báo Tuyên Quang trích đăng một số ý kiến phản hồi: 

 

 

Trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ lịch sử khác nhau, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được thể hiện ở nhiều mặt, trong đó để phòng ngừa bệnh suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thì trong các cuộc sinh hoạt Đảng cần phát huy cao độ tinh thần tự phê bình và phê bình, phải biết “tự soi, tự sửa”. Từ công tác tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ nhìn nhận vào những khuyết điểm, yếu kém để từ đó đề ra giải pháp khắc phục, sửa chữa từng bước hoàn thiện bản thân. Từ những cái sai nhỏ nếu biết sửa chữa, ngăn chặn kịp thời thì sẽ không biến nó thành những “ung nhọt” lớn tránh gây tổn hại cho đất nước.

Một vấn đề nữa là, trong giai đoạn yêu cầu cần đổi mới sâu rộng để phát triển nhanh, bền vững đất nước, rất cần thiết phải có những chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đôi khi giữa cái sáng tạo và cái vi phạm chỉ cách nhau gang tấc (điển hình như quyết định mang tính “đột phá” là “khoán mười” của đồng chí Kim Ngọc, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mặc dù đem lại lợi ích to lớn cho Nhân dân, nhưng khi ấy được coi là một sự “vượt rào”, vi phạm “nghiêm trọng” đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp thời bấy giờ). Do vậy, việc Trung ương và tỉnh Tuyên Quang ra quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích chung của đất nước, vì cuộc sống Nhân dân là hết sức cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

 

 

Cùng với việc thực hiện quyết liệt trong công tác phòng chống, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nêu cao tinh thần “tự soi, tự sửa”, thì Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, khuyến khích bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung. Thực hiện chủ trương này, tại mỗi địa phương, đơn vị đều có những cách làm rất sáng tạo, hiệu quả. Điển hình như tại Tuyên Quang, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã sớm ban hành Quy định số 20-QĐ/TU về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung. Đây thực sự là một quyết tâm chính trị thể hiện sự sáng tạo, tìm tòi để bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đi đến cùng trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Khi có quy định, chế tài đầy đủ, chặt chẽ như vậy sẽ vừa khuyến khích cán bộ, đảng viên đồng thời góp phần xử lý, đẩy lùi tiêu cực. Cách làm hay ở Tuyên Quang rất cần nhân rộng, lan tỏa đến các địa phương khác.

Qua đọc loạt bài “Biết soi, biết sửa, mở cửa lòng Dân” đăng trên Báo Tuyên Quang, tôi thấy Báo đã dám nói thẳng, nói thật những vấn đề sống còn trong công tác cán bộ hiện nay. Thực tế, thời gian qua ở đâu đó vẫn còn những cán bộ hách dịch, cửa quyền gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc. Cùng với đó là tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Chính vì thế thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều những quy định mới về công tác cán bộ. Với quan điểm của Đảng trong công tác xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã giúp tăng niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Loạt bài viết đã chỉ ra những vụ việc nổi cộm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ vi phạm ở Tuyên Quang đã được xử lý nghiêm cho thấy địa phương đã rất quyết liệt nhằm thanh lọc bộ máy, ra quy định mới để cán bộ yếu kém không còn “đất diễn”. Với tinh thần đổi mới, khẩn trương cụ thể hóa các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, chắc chắn tỉnh Tuyên Quang sẽ đạt được nhiều thành tựu trong công tác cán bộ thời gian tới.

Những quy định mới của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung có ý nghĩa rất quan trọng và phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Thực tế những người nói được làm được sẽ được Nhân dân tin yêu và đánh giá rất cao. Trước đây, khi chưa có những quy định này nhiều cán bộ, đảng viên còn e ngại không dám đột phá, đổi mới, thì nay đã có điểm tựa, như được tiếp thêm nguồn động lực để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ theo Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ, thì theo Quy định số 20-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo không chỉ được hỗ trợ trang thiết bị làm việc, kinh phí mà còn được hỗ trợ chỗ ở phù hợp theo quy định. Đó thực sự là một điều rất mới, chưa có trong tiền lệ và sẽ tạo động lực để cán bộ, đảng viên không ngừng cống hiến, góp phần thực hiện thắng lợi của mục tiêu, nghị quyết đã đề ra.

Vấn đề “tự soi, tự sửa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay, cũng như những quy định mới về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là hết sức cần thiết để rèn giũa cán bộ, bảo vệ cán bộ. Thực tế không phải bây giờ mà từ rất lâu rồi, tỉnh ta đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm bảo vệ, ghi nhận những người có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Trong đó, việc tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vinh danh công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang; tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của tỉnh… cho thấy sự ghi nhận kịp thời của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với các tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước. Còn đối với những cán bộ, đảng viên nào mà vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, né trách nhiệm, thờ ơ trong công việc thì tỉnh cũng đã có những quy định cụ thể trong xử lý cán bộ và chắc chắn những cán bộ đó sẽ bị loại bỏ, đứng ngoài bộ máy

Qua theo dõi loạt bài viết “Biết soi, biết sửa, mở cửa lòng Dân” của Báo Tuyên Quang, tôi rất đồng tình với quan điểm đó. Dân ta có câu cửa miệng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhân dân thường nhìn vào nếp sống, sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, đảng viên để noi theo. Thực tế ở nơi nào người đứng đầu tiên phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm thì nơi đó nội bộ đoàn kết, tập thể vững mạnh, hoạt động nền nếp, hiệu quả, bảo đảm được kỷ cương, kỷ luật. Ở nơi nào người đứng đầu không gương mẫu, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm thì cấp dưới sẽ thừa cơ làm bừa, làm ẩu, nội bộ rối loạn. Bởi vậy, việc “tự soi, tự sửa” cần phải là việc làm thường xuyên, liên tục, thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể mới thực sự phát huy tác dụng, như “soi gương, rửa mặt” hằng ngày.