Dám nghĩ, dám làm
Sinh ra ở nông thôn, bố mẹ anh Hà Văn Tùng có nhiều năm phát triển chăn nuôi lợn, gà với quy mô nhỏ lẻ và kinh doanh thức ăn gia súc phục vụ bà con địa phương. Từ nhỏ, anh Tùng đã quen với cảnh trong nhà lúc nào cũng có đàn lợn, đàn gà, bố mẹ tất bật nấu cám, chăn lợn, chăn gà. Môi trường ấy đã nuôi dưỡng tình yêu với nghề và cũng giúp anh nhận ra những bất cập, khó khăn của người nông dân khi chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về thú y, kỹ thuật an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro.
Nhiều lần chứng kiến dịch bệnh bất ngờ, gia đình và bà con thua lỗ vì vật nuôi ốm chết, giá cả bấp bênh… càng thôi thúc anh tìm hướng đi mới. Tốt nghiệp xong cấp 3, anh Tùng quyết định theo học Trung cấp chuyên ngành Thú y với mong muốn giúp gia đình và hỗ trợ bà con địa phương. Học xong Trung cấp chuyên ngành Thú y anh Tùng chọn về “bám rễ” ở quê hương bỏ qua những cơ hội, lời mời đến các chủ trang trại chăn nuôi lớn ở các tỉnh, thành phố với mức thu nhập hấp dẫn. Bởi theo anh, quê nhà không chỉ là nơi sinh ra mà còn là mảnh đất giàu tiềm năng, màu mỡ để mình khai phá.
Anh Hà Văn Tùng.
Từ số vốn bố mẹ hỗ trợ, anh vừa mở cửa hàng cung cấp dịch vụ thú y vừa phát triển chăn nuôi. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún như trước, anh mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư, xây dựng chuồng trại quy củ để chăn nuôi lợn, gà theo hướng khép kín, đảm bảo an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.
Anh Tùng chia sẻ: “Tôi học chuyên ngành Thú y, hiểu rõ tác hại dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt. Nhiều hộ thất bại vì làm tự phát, không có quy trình. Khi đó, tôi tin rằng nếu làm bài bản, áp dụng kỹ thuật và chủ động phòng bệnh sẽ giảm thiểu rủi ro, phần nào yên tâm làm giàu trên đất quê”.
Chìa khóa phát triển bền vững
Hiện nay, anh Hà Văn Tùng sở hữu 2 khu chuồng nuôi chính với tổng diện tích khoảng 1.000 m2 - gồm chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt và khu nuôi gà thịt. Chuồng trại được thiết kế khoa học, thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ. Để không gây ô nhiễm môi trường khi chăn nuôi, anh Tùng chọn giải pháp xử lý chất thải từ nuôi lợn bằng cách lắp đặt hầm bể Biogas; còn khu nuôi nhốt gà xử lý bằng đệm lót sinh học kết nối với khu sân chơi rộng yếu tố góp phần giúp nâng cao chất lượng thịt gà săn chắc, thơm ngon, dễ bán và giá ổn định.
Anh Hà Văn Tùng chăm sóc đàn gà của gia đình.
Mô hình được thiết kế khép kín, đảm bảo an toàn sinh học và quy trình kiểm soát chặt chẽ từ con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, tiêm phòng đến xử lý chất thải, tiêu thụ. Anh Tùng nuôi 10 con lợn nái giúp chủ động nguồn con giống và lợn thịt nuôi từ 70 đến 120 con/lứa (tùy thời điểm) và trong chuồng luôn duy trì từ 1.500 đến 2.000 con gà thịt. Với lợi thế là nhân viên thú y, anh trực tiếp kiểm soát khâu phòng bệnh. Tất cả đàn vật nuôi đều được tiêm phòng định kỳ, theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Khi tôi ngỏ ý vào tham quan, tìm hiểu, chụp ảnh khu chuồng nuôi, anh Tùng nói vui: “Nhà báo thông cảm, khu chuồng nuôi lợn chỉ ít người được vào thôi. Muốn vào đó, nhà báo phải lưu trú ăn nghỉ vài ngày tại gia đình trước rồi mới vào được. Bởi càng ít người vào đó, càng giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh từ ngoài…”.
Nói xong anh chia sẻ: Người chăn nuôi luôn đối mặt với những rủi ro thiệt hại lớn khi xảy ra dịch bệnh. Anh cũng từng chịu thiệt hại nặng khi phải tiêu hủy cả đàn lợn bị bệnh. Cụ thể, năm 2021 khi “cơn lốc” dịch tả châu Phi xảy ra gây bệnh cho nhiều đàn lợn trên địa bàn xã, anh đã trực tiếp tham gia hỗ trợ dập dịch. Có thể, chính anh hoặc một người lạ khác vô tình đi vào khu chuồng nuôi nên đã mang theo mầm bệnh lây cho đàn lợn của gia đình. Đây cũng là bài học để anh quyết liệt và siết chặt khâu kiểm soát hạn chế người lạ vào khu chuồng nuôi.
Anh Hà Văn Tùng hướng dẫn người dân địa phương sử dụng thuốc thú y trong phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi.
Cùng với đó, anh Tùng luôn chú trọng lựa chọn thức ăn, nguồn nước sạch cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, đàn vật nuôi ít bệnh, lớn nhanh, thịt ngon, được các thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình, mỗi năm anh xuất bán khoảng 20 tấn lợn và 15 tấn gà thịt, trừ chi phí thu lãi hơn 250 triệu đồng/năm.
Đồng chí Lê Xuân An, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Ninh nhận xét: Anh Hà Văn Tùng là tấm gương thanh niên tiêu biểu về tinh thần dám nghĩ, dám làm, làm giàu từ phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của địa phương. Anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi khép kín mang lại thu nhập cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Cùng với đó, anh cũng là nhân viên thú y của xã luôn tận tâm, trách nhiệm với công việc, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp dịch vụ thú y giúp bà con Nhân dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh và điều trị kịp thời cho đàn vật nuôi khi không may bị bệnh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.
Thực tế, việc dịch chuyển lao động ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhiều người trẻ lựa chọn rời quê tìm cơ hội nơi phố thị hoặc ngược lại cũng nhiều người chuyển hướng bỏ phố về quê lập nghiệp. Mô hình của anh Hà Văn Tùng vừa mở thêm hướng đi mới, vừa minh chứng sinh động rằng vùng nông thôn vẫn là mảnh đất giàu tiềm năng nếu biết tổ chức phát triển sản xuất hợp lý và có tình yêu, khát khao cống hiến chung sức xây dựng quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết