Bán kết World Cup 2022: Duyên nợ từ chấm phạt đền?

Cả Croatia và Argentina đều nhọc nhằn lê bước vào bán kết sau những loạt sút luân lưu cân não. Một kịch bản tương tự đang chờ đợi đôi bên, khi chẳng có ai muốn mạo hiểm để dừng bước trước cửa thiên đường.

Khi Messi tái ngộ Modric

Hai nhạc trưởng tài hoa của hai nền bóng đá đầy cá tính, họ gặp nhau lần gần nhất là vòng đấu bảng World Cup 2018. Đó là trận đấu mà Modric hoàn toàn lấn lướt Messi, cả về tỉ số lẫn phong độ trên sân. Croatia nhập cuộc ở tư thế của kẻ yếu hơn, nhưng khi Argentina không thể tìm được đường vào khung thành của họ thì Rebic, Modric và Rakitic đã trừng phạt đối thủ bằng 3 bàn trắng.

Argentina không vì thất bại này mà bị loại, nhưng họ rơi vào nhánh “siêu nặng” khi phải đụng đầu với Pháp - đội sau đó lên ngôi vô địch thế giới ngay ở loạt “nốc ao” đầu tiên. Messi và đồng đội đã chơi tấn công mãn nhãn, nhưng vẫn thua chung cuộc 3-4 trong một trận đấu thuộc hàng kinh điển của lịch sử World Cup.

Còn Croatia cũng lập nên cột mốc huy hoàng khi “lặn lội” vào đến chung kết và chỉ chịu về nhì. Modric với những cống hiến rạng ngời ở đất Nga đã giành Quả bóng vàng hiếm hoi giữa kỷ nguyên thống trị của Messi và Ronaldo. 

4 năm đã qua, Messi giành thêm 2 Quả bóng vàng trong tổng số 3 quả được trao (năm 2019 không tổ chức vì dịch Covid-19), Modric cũng kịp 1 lần lên ngôi Champions League. Và bây giờ, họ gặp lại nhau với sứ mệnh giành chiếc vé vào chơi trận chung kết World Cup thứ 2 trong đời.

 

Messi vẫn thế, vẫn là cứu tinh của Argentina trong những lúc nguy nan nhất. Đấy là khi anh tung cú sút vào một cái khe rất hẹp giữa phòng tuyến Mexico, cứa một đường căng sệt loại bỏ hoàn toàn thủ môn Australia, hay kiến tạo một pha dọn cỗ xuyên qua rừng hậu vệ áo cam, khiến Molina không thể không ghi bàn… Ngay cả những quả phạt đền, vốn không phải là thứ mà Messi may mắn lắm, anh cũng thực hiện rất chu toàn trong trận gặp Hà Lan. 

Modric thì lại nổi bật theo cách khác. Kể từ loạt đấu loại trực tiếp, Modric không có tên trong những thống kê về ghi bàn hay kiến tạo, nhưng anh âm thầm hiện diện ở tất cả những điểm nóng trên sân. Đồng đội Juranovic nói đùa: “Chuyền bóng cho Modric yên tâm hơn gửi tiền ngân hàng”, còn Huấn luyện viên Dalic thì bảo: “Anh ấy chơi theo cái cách mà chúng ta không thể tin nổi”.

Cái điều khó tin ấy đến từ một con người 37 tuổi, nhưng trận nào cũng chạy trung bình 13km trở lên và riêng trong 120 phút gặp Brasil, bóng qua chân Modric 139 lần. Một trạm trung chuyển đúng nghĩa.

Với Modric ở trên sân, Brasil đã hoàn toàn tê liệt bên cánh trái, gồm toàn những cái tên khét tiếng, như: Vinicius, Casemiro, Danilo. Đấy là những thông tin chắc chắn không hề dễ chịu với Messi trong lần tái ngộ.

Nếu Croatia thêm một lần đá luân lưu?

Viễn cảnh này hoàn toàn có khả năng xảy ra, bởi trong tâm thế, Croatia luôn muốn giải quyết những trận đấu mà họ ở “cửa dưới” theo cách đó. Croatia có một đội hình có chiều sâu, rất đa dạng, thể lực và hàm lượng kỹ thuật cũng chẳng thua kém ai, nhưng họ lựa chọn cách đá an toàn. 

Với lựa chọn đó, đội bóng của Huấn luyện viên Dalic trở thành một bức tường vô cùng chắc chắn, nhưng cũng hết sức mềm dẻo trước cầu môn của Livakovic. Ngoài Modric, họ còn có Brozovic, Kovacic là những tiền vệ đánh chặn không bao giờ lùi bước, còn có Gvardiol là một trung vệ đã ngay lập tức nằm trong tầm chạy đua của Man Utd, Man City và Chelsea, còn có Juranovic và Sosa là cặp hậu vệ cánh luôn kiểm soát được không gian… 

Khi Croatia đã phòng thủ, Tây Ban Nha chuyền hơn 1.000 đường bóng, nhưng không có nổi một cú dứt điểm ra hồn. Brasil cũng chỉ có 1 lần thành công nhờ pha đột biến tự tổ chức, tự đập tường và rồi tự ghi bàn sau cú nước rút gần 70m của Neymar. 

Khi Croatia cần phải tấn công, chỉ sau khoảng 10 phút tăng tốc, họ có ngay bàn thắng của Petkovic. Trong những tình huống phản công, Perisic và Pasalic thể hiện kỹ năng qua người thậm chí còn “đỉnh” hơn cả các nghệ sĩ samba. 

Nhưng Argentina khác Brasil hay Tây Ban Nha ở chỗ, họ khởi đầu quá chật vật và nhờ đó hun đúc được ý chí càng đi sâu càng lì lợm. Argentina ngoài Messi thì không còn cầu thủ nào được xếp vào hàng xuất sắc ở World Cup lần này, kể cả người hùng Emiliano Martinez cũng mới thể hiện được bản lĩnh trên chấm 11m. Song, có một thứ gì đó từa tựa như số phận đang nhẹ nhàng nâng đỡ Messi ở kỳ World Cup gần như là cuối cùng của anh. 

Trong một trận đấu mà phía bên kia là Modric, có thể Messi cũng không còn nhiều đất diễn. Song, tầm ảnh hưởng của anh sẽ vẫn có giá trị, nếu để lại không gian vừa đủ cho những vệ tinh khác, như: Alvarez, L. Martinez, Mc Allister… tận dụng thời cơ. 

Croatia đang đi đúng con đường của họ ở World Cup 2018: Thắng 2 trận luân lưu để vào bán kết. Nhưng Argentina thì lại mang hơi hướng của World Cup 1990, cũng mở màn bằng một trận thua gây sốc, nhưng rồi “lết” vào đến chung kết bằng những loạt penalty. Trong số những “nạn nhân” của Argentina trên chấm phạt đền có Nam Tư - nòng cốt chính là những Suker, Prosinecki… sau đó khoác áo quốc gia mới thành lập Croatia.

Nếu duyên nợ đưa Croatia và Argentina trở lại với những loạt sút cân não và may rủi, lịch sử luôn có tiếng nói riêng của nó. Argentina năm 2014 thắng Hà Lan bằng sút 11m và họ vừa lặp lại điều này. Có lẽ nào định mệnh lại gọi tên Croatia?

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục