Với sự đồng hành của các cơ quan báo chí, tác phẩm nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thu hút được nhiều khán giả. Ảnh: Minh Khánh
Nhanh nhưng chưa sâu
Báo chí hiện nay đang thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, phê bình các tác phẩm văn học, nghệ thuật một cách nhanh chóng, kịp thời, góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng về văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội, các bài viết trên báo được chia sẻ nhanh hơn, qua đó lan tỏa rộng rãi hơn các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Những bài viết phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí cũng giúp lực lượng sáng tác có thể nhìn nhận lại tác phẩm của mình, phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, từ đó hoàn thiện và nâng cao chất lượng.
Có thể nói, nhờ những bài giới thiệu trên báo chí, truyền thông, những bài viết cập nhật thông tin, điểm chiếu, suất chiếu, đặc biệt là các bài bình luận đa chiều về bộ phim điện ảnh “Đào, phở và piano”, bộ phim về cuộc chiến đấu của quân, dân Thủ đô bảo vệ Hà Nội cuối năm 1946 này đã nhanh chóng lan tỏa đến công chúng, góp phần tạo nên làn sóng “săn” vé. Cũng nhờ có báo chí, truyền thông viết về điểm đặc biệt cũng như chất lượng tác phẩm mà vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) hay “Quan thanh tra” (Nhà hát Kịch Việt Nam) liên tục “cháy” vé mỗi lần biểu diễn...
Vở hài kịch “Quan thanh tra” của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn “cháy vé” một phần nhờ những bài phê bình chất lượng trên báo chí. Ảnh: Minh Khánh
Phản ánh đời sống văn học, nghệ thuật trên báo chí hiện nay có hai lực lượng. Đó là những nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hàn lâm và các nhà báo. Tuy nhiên, thực tế là các bài viết của những người làm lý luận, phê bình có chuyên môn, đào sâu nghiên cứu ít xuất hiện hơn so với bài viết của phóng viên theo dõi mảng văn học, nghệ thuật. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền lý giải, những người chuyên nghiên cứu về văn học, nghệ thuật thường viết phê bình dài cho thấu đáo, nên những bài ấy khó đăng trên báo in vì không đủ “đất”, khó đăng trên báo điện tử vì độc giả ít đọc dài, mà đăng trên tạp chí chuyên ngành hoặc kỷ yếu thì dễ “nguội” khi tác phẩm đã ra mắt từ lâu.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng chỉ ra rằng, với dung lượng chỉ vài trăm đến hơn nghìn chữ, các bài viết về văn học, nghệ thuật trên báo chí chỉ đủ giới thiệu tác phẩm, tóm tắt nội dung, nhận xét chung chung chứ chưa phân tích thấu đáo.
Tự học, tự rèn chuyên môn, kỹ năng
Báo chí hiện nay thực sự đang thiếu những bài viết phê bình văn học, nghệ thuật sắc sảo, những cuộc luận chiến "ra trò". PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cho rằng, phê bình hàn lâm và phê bình báo chí là hai mảng có sự tương tác, tương hỗ lẫn nhau. Trước mỗi sự kiện, hiện tượng văn học, nghệ thuật, phê bình báo chí với đặc trưng nhanh, nhạy, kịp thời sẽ lập tức phản ánh được đời sống sôi động của văn học, nghệ thuật, góp phần lan tỏa tác phẩm đến công chúng. Song vì nhanh nên thiếu thời gian để nghiền ngẫm, khiến phê bình báo chí có thể thiếu chiều sâu.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng nhận định, ở nước ta, đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hàn lâm đang thiếu hụt trầm trọng; lực lượng viết về văn học, nghệ thuật trên báo chí chưa chuyên sâu. Nhiều năm nay, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương đã tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ ở các cơ quan, đơn vị, hội nghề nghiệp, báo, tạp chí, trường đại học và đội ngũ làm công tác tuyên giáo tại các địa phương. Song, bản thân những người dấn thân vào con đường này, nhất là tham gia phê bình trên báo chí, cần có ý thức kiên trì học tập, rèn luyện để vững kỹ năng và dũng cảm để cất lên tiếng nói phê bình.
Về việc nâng chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí, nhà báo, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho rằng, những người làm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hàn lâm cần mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực báo chí, viết phê bình phù hợp với báo chí để chuyển tải những thông điệp, góc nhìn, những phát hiện trong sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật vừa chuyên nghiệp, vừa gần gũi với công chúng.
Nhiều năm theo dõi mảng văn học, nghệ thuật, đặc biệt chuyên sâu lĩnh vực sân khấu, nhà báo Nguyễn Thúy Hiền (Báo Văn hóa) nêu ý kiến, các tòa soạn, cơ quan báo chí cần có chính sách để thu hút những cây bút lý luận, phê bình; có chế độ nhuận bút xứng đáng cho các tác phẩm phê bình chất lượng. Bản thân những nhà báo, phóng viên phụ trách mảng văn học, nghệ thuật trên các ấn phẩm báo chí cũng cần tự trau dồi, đào sâu tìm hiểu về từng chuyên ngành; lăn lộn thâm nhập thực tế đời sống văn học, nghệ thuật để đánh giá, bình luận về tác phẩm một cách đích đáng. Bên cạnh đó, các hội nghề nghiệp cần chủ động có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng viết về các tác phẩm văn học, nghệ thuật cho các nhà báo đang công tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các nhà báo theo dõi mảng này tại cơ quan báo chí…
Gửi phản hồi
In bài viết