Sản xuất cầm chừng
3 năm mở xưởng chế biến lâm sản, trong đó chủ yếu tập trung vào bóc ván xuất khẩu sang Trung Quốc, chưa khi nào anh Đặng Văn Triệu, thôn 2, xã Đạo Viện (Yên Sơn) chứng kiến thị trường xuất khẩu ảm đạm như thời điểm này. 2 năm đầu chung vốn với người anh, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy thôi thúc anh mở một xưởng riêng của gia đình. Xưởng vừa mở cửa đầu năm 2022 với số vốn hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng chỉ hoạt động được hơn 3 tháng thì dừng. Hệ thống máy móc hơn 500 triệu đồng nằm im lìm, ván bóc phơi chất đống trong kho. Hơn 100 m3 gỗ vừa mua của người dân trong xã và các xã lân cận chưa có cơ hội được lên máy.
Anh Triệu cho biết, 100% sản lượng của cơ sở được xuất sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là gỗ ván bóc. Nhiều tháng nay, do những thay đổi về quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc nên một số cửa khẩu khó hoặc không thông quan được. Điều này khiến toàn bộ mặt hàng gỗ ván bóc không xuất được. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, anh Triệu phải giảm số lượng nhân công, đầu tư làm một số nhà chứa tạm để bảo quản gỗ ván bóc cho đến khi tìm được đầu ra.
Cái khó của xưởng này là tất cả mọi chi phí đều tăng, trong khi giá bán sản phẩm lại giảm. Anh Triệu cho biết, hiện giá thuê nhân công đã tăng hơn 50 nghìn đồng so với trước kia, tương đương với mức thuê 250 - 270 nghìn đồng/người/ngày; giá xăng dầu cũng tăng nhanh từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá bán sản phẩm giảm 4 - 5 giá so với trước, 1m3 gỗ bóc giờ có giá khoảng 1,4 triệu đồng, trong khi trước đây là 1,8 - 1,9 triệu đồng.
Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Phương Đạt, thôn 2, xã Đạo Viện (Yên Sơn) tạm dừng hoạt động.
Đạo Viện có 14 cơ sở sản xuất gỗ bóc, thì riêng thôn 2 có 6 cơ sở. Theo lãnh đạo UBND xã, thời điểm này, nhiều cơ sở đã tạm dừng hoạt động để tránh thua lỗ. Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Phương Đạt, thôn 2 do anh Nguyễn Quốc Đạt làm giám đốc vừa thành lập đầu năm nay. Tiền đề là xưởng chế biến nhỏ đã hoạt động 4 - 5 năm nay, số lượng công nhân bằng thời điểm này năm ngoái là 14 - 15 người. Nhưng giờ, xưởng im lìm. Một phần do mưa, không sản xuất được; một phần để... cắt lỗ. Anh Đạt cho biết, chỉ riêng tiền thuê mặt bằng, mỗi tháng đã mất hơn 3 triệu đồng, chưa tính tiền lãi ngân hàng, tiền chi trả cho công nhân... Để giữ chân người lao động, nhất là lao động lành nghề, anh Đạt tính sẽ mở cửa trở lại trong thời gian sớm nhất, sản phẩm làm ra chỉ cần có người hỏi mua thì dù lỗ hay lãi, anh cũng chấp nhận bán để tránh tồn kho và có tiền quay vòng.
Theo số liệu từ phòng Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 178 cơ sở sản xuất ván bóc, trong đó 67 tổ chức, còn lại là hộ cá nhân. Trong đó, nhiều nhất là tập trung ở Yên Sơn 87 cơ sở, Chiêm Hóa 41 cơ sở, Lâm Bình 18 cơ sở, Hàm Yên 15 cơ sở, Sơn Dương 8 cơ sở, Thành phố Tuyên Quang 6 cơ sở, Na Hang 3 cơ sở. Qua rà soát, riêng huyện Lâm Bình đã có 8 cơ sở dừng hoạt động, Chiêm Hóa 2 cơ sở. Phần lớn cơ sở chế biến lâm sản phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ, sản phẩm đầu ra ở dạng thô với giá trị kinh tế không cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp quản lý hàng xuất nhập khẩu thì việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay giá xuất bán các mặt hàng lâm sản cũng giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá nhập nguyên liệu lại cao nên các cơ sở phải dừng sản xuất để hạn chế thua lỗ.
Để không “bỏ trứng cùng một giỏ”
Trên thực tế, giống như nhiều mặt hàng nông sản xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, không phải thời điểm này, thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ bóc mới gặp khó.
Anh Trần Thế Vinh, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) mở xưởng chế biến ván bóc hơn chục năm nay, nhiều lần chứng kiến sự “đìu hiu” của thị trường này và cũng phải trải qua ít nhất 3 lần đóng cửa xưởng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xưởng của anh Vinh vẫn tồn kho hơn 500 m3 - con số tồn kho lớn nhất từ khi mở xưởng đến giờ.
Theo anh Vinh, cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, anh tự tìm đầu ra bằng cách kết nối với các doanh nghiệp ở Phổ Yên (Thái Nguyên) để xuất bán, nhưng cũng không mấy khả quan, vì thực tế, các doanh nghiệp này cũng chỉ thu gom để chờ dịp xuất sang nước bạn.
Để giải quyết thực trạng này, không còn cách nào khác, các cơ sở chế biến phải đa dạng hóa thị trường cả trong nước và xuất khẩu để không phụ thuộc vào một thị trường. Tuy nhiên, bài toán này không phải doanh nghiệp nào cũng tự tin bắt tay tìm lời giải do những hạn chế về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn.
Xưởng ván bóc của anh Trần Thế Vinh, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động.
Sau nhiều lần chứng kiến sự bấp bênh của thị trường nước bạn, anh Trần Thế Vinh cũng đã tính đến việc tìm kiếm các thị trường khác để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Nhưng theo anh Vinh, do các yêu cầu kỹ thuật của các nước như Mỹ, Nhật Bản... đòi hỏi cao hơn, không dễ tính như thị trường Trung Quốc nên anh chưa tự tin để mở rộng thị trường. Anh Vinh cười buồn, ví von, giờ anh em làm ván bóc đang “há miệng chờ sung”, có khách gọi là bán, giá nào cũng bán để giảm lượng hàng tồn kho.
Anh Trần Thế Anh, thôn Oăng, xã Đạo Viện cũng đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của gia đình. Thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc, 2 - 3 năm nay, anh tìm đến các doanh nghiệp ở Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nội... để tìm bạn hàng. Theo anh Trần Thế Anh, thị trường trong nước ổn định hơn, nhưng nhu cầu tiêu thụ cũng tương đối nhỏ, thành ra anh chỉ kết nối để tiêu thụ sản phẩm của gia đình chứ chưa bao tiêu được cho các xưởng quanh nhà. Năm nay thị trường cho ván bóc bấp bênh, anh Thế Anh tìm mua thêm “rác” từ các xưởng chế biến gỗ trong và ngoài xã bán lại cho các cơ sở sản xuất điện sinh khối, viên gỗ nén để tăng thu nhập.
Tuyên Quang là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến lâm sản. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại để sản xuất gỗ ván bóc vẫn tương đối ít. Các xưởng sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển manh mún, “mạnh ai người nấy làm”, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đã khiến hoạt động chế biến lâm sản tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng và hoạt động không ổn định.
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, hiện ngành chế biến lâm sản của tỉnh nói chung còn phát triển kém ổn định, chưa có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, thiếu liên kết trong sản xuất và thị trường tiêu thụ bền vững.
Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 sản phẩm đồ gỗ được công nhận thương hiệu quốc gia Việt Nam. Với hoạt động sản xuất ván bóc, gỗ dăm và tình hình thị trường nguyên liệu gỗ như hiện nay, tỉnh đang rất cần chuỗi liên kết bền vững trong chế biến lâm sản; đặc biệt, cần có doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị. Khi đó, các doanh nghiệp này sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm ván bóc, gỗ dăm từ các cơ sở sản xuất của địa phương làm nguyên liệu cho sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu. Đồng thời, nghề sản xuất ván bóc sẽ không chỉ phát triển bền vững và phát huy hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao giá trị, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nếu cứ sản xuất theo kiểu “bỏ trứng vào cùng một giỏ” như hiện nay thì việc trông chờ vào một cú huých tích cực từ thị trường nước bạn vốn “đỏng đảnh” như thời tiết sẽ rất bấp bênh và khó bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết