“Bí quyết” nuôi bò của người Mông ở Hồng Thái

- Trên những bản làng cao chót vót ở xã Hồng Thái (Na Hang), người Mông truyền nhau bí quyết chăn nuôi, vỗ béo bò từ đời này sang đời khác. Nhờ đó, người Mông ở Hồng Thái thường chăn nuôi bò rất giỏi, thoát nghèo cũng từ chăn nuôi bò. Hồng Thái là một trong những địa phương được Hội Nông dân tỉnh đánh giá triển khai có hiệu quả nhất Dự án hỗ trợ bò sinh sản theo phương thức “vay bò trả bê” cho hộ nghèo.

Bí quyết nuôi bò giỏi

Người Mông coi con bò là tài sản lớn nhất trong gia đình, trong tập quán chăn nuôi của người Mông, bò là loài vật có khả năng chịu được giá rét nhiều hơn các loài đại gia súc khác, nên người Mông chủ yếu chăn  nuôi bò. Đối với người Mông, chăn nuôi bò không chỉ để làm giàu mà còn là chỗ dựa về kinh tế khi gia đình có việc quan trọng cần dùng đến tiền. Người Mông có bí quyết chăn nuôi, vỗ béo bò từ nhiều đời xa xưa truyền lại.

Từ sáng sớm tinh mơ, khi còn chưa rõ mặt người, trong cái rét buốt, ông Lý Văn Nhánh, người được xem là có tay nuôi bò giỏi nhất ở thôn Hồng Ba đã dậy nhóm lửa để nấu cháo ngô cho đàn bò của gia đình. Thức ăn như cám ngô, cây chuối, ông Nhánh đã thái sẵn và chuẩn bị từ tối hôm trước. Ông Nhánh bảo: “Trời rét như này phải đảm bảo cho bò được ăn no mới có sức chịu được cái rét, nếu không được ăn no, ấm bụng thì bò sẽ không kháng lại được cái rét mà bị ốm”. Theo ông Nhánh, một ngày đàn bò của gia đình ông được ăn một bữa cháo ngô vào buổi sáng và ăn cỏ cả ngày.

Ông kết hợp nuôi thả và nuôi nhốt, nhưng chủ yếu là nuôi thả khi thời tiết nắng ấm và nuôi nhốt khi trời giá rét. Ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày cho bò, gia đình ông còn luôn giữ ấm cho chuồng trại vào mùa đông và giữ thoáng mát, sạch sẽ cho đàn bò vào mùa hè. Khi thời tiết bắt đầu lạnh, ông Nhánh đã chuẩn bị đầy đủ rơm khô để lót nền chuồng và bạt dày để quây kín chuồng trại.

Ông Lý Văn Khìn, thôn Hồng Ba cho bò ăn cháo ngô vào mỗi sáng sớm.

Từ 3 con bò ban đầu do các dự án hỗ trợ những năm qua, đến nay, ông Nhánh đã phát triển đàn bò lên tới 7 con. Gia đình ônh Nhánh nhiều đời phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò giống H’Mông nên có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò. Trung bình mỗi tháng, nếu chăn nuôi tốt, một con bò của gia đình ông Nhánh tăng lên từ 8 - 10kg.

Đến nhà ông Lý Văn Đênh, thôn Hồng Ba, một trong những người chăn nuôi bò giỏi ở Hồng Thái, chúng tôi càng hiểu thêm bí quyết chăn nuôi bò của người Mông nơi đây. Ông Đênh bảo: “Nuôi bò không nhàn đâu, cũng vất vả như nuôi “con mọn”. Muốn cho bò béo tốt thì phải biết cách nuôi, ngoài cháo ngô nấu cho bò ăn nóng vào buổi sáng thì phải có cả cây chuối rừng nấu cùng. Nếu không cho bò ăn chuối chỉ 2 - 3 tháng sau, bò sẽ gầy đi”.  Bởi vậy nên người Mông ở Hồng Thái lấy giống cây chuối rừng về trồng trong vườn nhà mình, có nhà trồng từ 20 đến 30 khóm chuối trên đồi, vườn để luôn dự trữ đủ thức ăn cho bò.

Người Mông ở Hồng Thái không trông chờ vào thức ăn từ tự nhiên trong chăn nuôi bò mà luôn chủ động trồng ngô, cỏ voi.  Họ rất coi trọng việc phòng bệnh cho đàn bò. Hàng ngày, khi cho bò ăn, người Mông chú ý quan sát các biểu hiện sức khỏe của bò, nếu phát hiện bò bỏ ăn, chướng bụng hoặc có các dấu hiệu của bệnh, người Mông áp dụng cả phương pháp chữa trị bằng thuốc thú y và một số phương thuốc gia truyền của dân tộc để chữa trị cho bò. Phòng bệnh cho đàn bò, người Mông ở Hồng Thái thực hiện tiêm phòng rất đầy đủ, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng bệnh của cán bộ thú y.

Người Mông ở Hồng Thái rất cần cù, chịu khó và cẩn thận trong chăn nuôi. Việc nuôi bò sinh sản là công việc khá vất vả nên chủ yếu do người đàn ông Mông đảm nhận. Đó cũng là bí quyết để người Mông nơi đây thành công trong thực hiện các dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo do Nhà nước và các tổ chức từ thiện hỗ trợ.

Cán bộ tận tình hỗ trợ

Phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò H’Mông do Hội Nông dân tỉnh triển khai, cán bộ xã, thôn ở Hồng Thái đã tận tình hướng dẫn người Mông là hộ nghèo ngay từ khi tiếp nhận bò cái giống cho đến khi bò mẹ đẻ ra bê con đủ 12 tháng tuổi và đủ tiêu chuẩn làm bò giống sinh sản. Nhờ đó, chuỗi giá trị chăn nuôi bò H’Mông ở Hồng Thái nhiều năm qua luôn phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ người Mông vươn lên thoát nghèo.

Người Mông ở Hồng Thái kết hợp phương pháp nuôi nhốt và chăn thả bò.

Gần như chiều nào, anh Triệu Văn Thiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái cũng dành thời gian xuống thăm các hộ người Mông trong dự án “vay bò trả bê” ở các thôn để nắm tình hình. Nhờ đó, dù là người Dao nhưng anh Thiên đều thông thạo kinh nghiệm, bí quyết chăn nuôi bò của người Mông.

Nhất là những ngày này, ở Hồng Thái trời rét, nhiệt độ xuống thấp, anh Thiên cùng với các bí thư chi bộ, trưởng thôn càng năng xuống các hộ chăn nuôi bò để hướng dẫn, hỗ trợ người Mông quây bạt, giữ ấm cho bò. Anh Thiên chia sẻ: “Nhìn thấy nhiều hộ người Mông thoát nghèo từ chăn nuôi bò theo dự án “vay bò trả bê” của tỉnh, tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong việc hướng dẫn, giúp đỡ người Mông triển khai hiệu quả dự án.

Đến nay, tất cả các hộ được hỗ trợ bò cái sinh sản từ dự án đã thực hiện luân chuyển bê con đủ tiêu chuẩn làm bò giống sinh sản cho các hộ khác vay, trong đó nhiều hộ đã có bò bán, có thêm thu nhập để cải thiện đời sống.

Anh Lý Văn Bình, trưởng thôn Khuổi Phầy cho biết: “Hàng tuần, mình đều cùng cán bộ xã đến các hộ người Mông đang chăn nuôi bò theo dự án để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư của bà con, nếu có vướng mắc hay bà con cần trợ giúp thì kịp thời giải quyết ngay. Do đó, tình hình chăn nuôi bò H’Mông trong thôn được cán bộ thôn, xã nắm bắt rất sát”.

Anh Bình còn phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y của huyện, xã thường xuyên giúp Nhân dân triển khai các đợt tiêm phòng cho đàn bò, hướng dẫn người Mông kỹ thuật phòng bệnh. Nhờ có sự hỗ trợ tận tình ấy, một số người Mông trước đây chưa chú trọng áp dụng phương pháp phòng bệnh khoa học cho đàn bò thì đến nay đã hoàn toàn tin tưởng vào cán bộ thú y trong phòng, chữa bệnh cho đàn bò.

Ông Hoàng Văn Sám, người dân thôn Khuổi Phầy chỉ vào đàn bò 7 con của gia đình nói: “Đàn bò này ngoài sự nỗ lực của gia đình còn có công của cán bộ nhiều lắm”.

Kinh nghiệm nuôi bò của người Mông ở Hồng Thái cần được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đây là cách làm hay trong chăn nuôi và triển khai các dự án chăn nuôi đến địa bàn có đồng bào Mông sinh sống. Hiệu quả của dự án “vay bò trả bê” đang và sẽ giúp nhiều hộ Mông ở Hồng Thái có cuộc sống ngày càng ấm no.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục