Các sự kiện tổ chức tại Trung tâm ICISE thường thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới.
(Ảnh Trung tâm ICISE)
Chưa có chính sách đặc thù
Định hướng thu hút đầu tư phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa để Quy Nhơn trở thành một trong những điểm đến, nơi hội tụ của các nhà khoa học; một trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Vùng đã được Bình Định đặt ra từ lâu, và một lần nữa được khẳng định lại trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này cũng được khẳng định trong Quyết định số 376 ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, đến nay, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, khu đô thị này vẫn còn một số hạn chế như: Sức lan tỏa, ảnh hưởng chưa cao; hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện do thiếu nguồn lực; các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư chưa đủ tầm..., mà nguyên nhân là do đề án chưa được phê duyệt bởi nhiều cấp có thẩm quyền. Do vậy, Đề án Khu đô thị khoa học Quy Hòa chưa được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt về xây dựng hạ tầng, trong khi tỉnh lại thiếu nguồn lực cho nên chưa giải phóng được mặt bằng theo quy hoạch.
Tiến sĩ Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, ngay từ đầu, ý tưởng xây dựng một khu đô thị khoa học mang tầm cỡ quốc gia (chứ không phải cho riêng Bình Định) đã được các nhà hoạch định chính sách đưa ra. Ý tưởng phù hợp với những định hướng dài hạn trong phát triển, được một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đồng ý về chủ trương.
Tuy nhiên, đề án lại chìm vào im lặng ở khâu tham khảo ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Có thể nói, ở thời điểm năm 2018, những tiền đề cho việc hình thành và phát triển một quần thể nghiên cứu khoa học và giáo dục đẳng cấp cao theo mô hình khu đô thị khoa học đã được hình thành ở khu vực Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nỗ lực làm tất cả những gì có thể, nhưng việc phê duyệt đề án vẫn giẫm chân tại chỗ. Thực tế cho thấy, không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các hoạt động của Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) vẫn sẽ tiếp tục diễn ra theo kế hoạch, và thành công của trung tâm hoàn toàn tùy thuộc vào nhiệt huyết, sự hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế.
Tuy nhiên, nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước theo các chủ trương và định hướng của Đảng đã đề ra, thì các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục đẳng cấp cao tại đây sẽ có điều kiện để phát triển. Đặc biệt là việc kết nối với các hoạt động nghiên cứu và giáo dục khác trong khu vực và cả nước, tạo động lực to lớn thúc đẩy đô thị khoa học.
Nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, khác với việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thuần túy, thu hút đầu tư vào khu đô thị khoa học cần được xác định rõ ràng từ các chủ trương đầu tư chứ không phải cứ quy hoạch, tạo quỹ đất sạch rồi mời gọi các nhà đầu tư như khu công nghiệp thông thường.
Vì thế, hệ thống pháp luật phải hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả, bởi chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, minh bạch, ổn định lâu dài và có khả năng tiên lượng trước… là các yếu tố quyết định, tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao nói riêng. Với chức năng vừa nghiên cứu khoa học cơ bản, thậm chí là có các chuyên ngành hẹp, lại vừa đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời ứng dụng triển khai các lĩnh vực công nghệ cao, đối tác của khu đô thị khoa học nói chung thường đến từ các nước phát triển.
Do vậy, muốn thu hút đầu tư vào khu đô thị khoa học, các quốc gia thường phải có chính sách mời gọi hấp dẫn hơn so với thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao đơn thuần. Ngoài ra, đối với từng dự án cụ thể, tùy thuộc vào tác động đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, dự án còn cần được hưởng những ưu đãi đặc biệt về thủ tục đầu tư, khả năng tiếp cận thông tin (quy hoạch, chính sách ưu đãi...) dễ dàng. Đặc biệt đội ngũ công chức thừa hành nhiệm vụ cần tận tậm, tận lực để xóa bỏ những rào cản, điểm nghẽn, bất cập trong chỉ đạo, điều hành và trong thực thi công vụ, nhất là phục vụ doanh nghiệp... để tạo động lực có thể giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đã chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ về xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý cho khu đô thị khoa học theo Nghị quyết 27-NQ/TW, trong đó có việc đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới? Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã trả lời đây là mô hình mới, bộ đang nghiên cứu.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đề xuất, để hình thành các khu đô thị khoa học, trước mắt Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cần kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thực hiện thí điểm 1 đề án phát triển khu đô thị khoa học trong nước. Trong đó, “Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 102/TTr-UBND ngày 26/11/2020 là một đề án có tính khả thi rất cao. Về lâu dài, cần đưa khái niệm “Khu đô thị khoa học” vào các văn bản quy phạm pháp luật (xác định các tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể) như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng... để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
Ngoài ra, muốn thực hiện đề án thì nhiều cơ chế, chính sách cần phải được lượng hóa, cho nên tỉnh đang đề xuất, kiến nghị Chính phủ cho chủ trương thí điểm xây dựng và phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa tại tỉnh Bình Định. Tất nhiên, các chính sách, ưu đãi hiện nay không có gì khác biệt, cao hơn các chính sách Nhà nước đã ban hành như: cho phép áp dụng một số chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Khu đô thị khoa học Quy Hòa được hưởng các chính sách ưu đãi như đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng; Cơ chế, chính sách đặc thù về nhân lực vận dụng theo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh... Cùng với đó, ngân sách Trung ương có thể ưu tiên bố trí vốn cho ngân sách tỉnh Bình Định để thực hiện các dự án, công trình trong Khu đô thị khoa học Quy Hòa.
Cùng quan điểm về vấn đề nêu trên, ông Trần Vũ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đang kiến nghị Chính phủ cho phép được áp dụng một số chính sách ưu đãi vượt trội mà chưa được quy định cụ thể ở các văn bản luật và hướng dẫn có liên quan về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng... Đồng thời được áp dụng một số chính sách ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức Việt kiều công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong Khu đô thị khoa học Quy Hòa được hưởng các chính sách ưu đãi như đề án đã nêu (vận dụng theo Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022).
Đặc biệt cần có chính sách triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn cho hạ tầng chiến lược, dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng “xanh”, hạ tầng “xanh”, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số. Cùng với đó, bổ sung chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, sở trường, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển.
Việc thành lập, xây dựng và phát triển khu đô thị khoa học đòi hỏi tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về công nghệ cao, quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng... Trong bối cảnh quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến khu đô thị mới kiểu này chưa đầy đủ, một số quy định đã không còn theo kịp thực tiễn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về Khu công nghệ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Gửi phản hồi
In bài viết