Các bác sĩ BV Nhi Trung ương thực hiện kỹ thuật Realtime PCR xét nghiệm chẩn đoán Adenovirus
Từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9, BV Nhi Trung ương ghi nhận 412 ca nhiễm virus Adeno, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó có 6 ca bệnh tử vong. Riêng từ tháng 8 đến nay, số ca bệnh do nhiễm virus này tại BV này tăng đột biến.
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan diện rộng; báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Bộ cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo. Hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh. Không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do virus Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ. Trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm, như: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...
Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với BV Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại BV này, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống.
Đối với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh của các địa phương khu vực phụ trách để phân tích, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trong khu vực phụ trách; tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Các phòng bệnh do virus Adeno
Theo PGS.TS. Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Nhi Trung ương), Adenovirus có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não,…
Bệnh do Adenovirus gây ra, xuất hiện quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân Hè, hoặc Thu Đông.
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội, hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, trong đó, các đối tượng như trẻ em, nhất là trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
PGS.TS. Lê Thị Hồng Hạnh cũng cho biết, virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ, như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
Bệnh này chưa có vaccine, chỉ điều trị các triệu chứng, như hạ sốt khi trẻ sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch (thuốc kháng virus không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân).
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, trẻ cần được bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi; chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng; giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá;
Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên, như nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý; vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh; tiêm các vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết