Các lễ hội dân gian ở Tuyên Quang

- Tuyên Quang có truyền thống lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc lâu đời và phong phú. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lễ hội dân gian bị gián đoạn, tồn tại thưa thớt, mờ nhạt ở một số bản làng. Từ năm 1990 trở lại đây, lễ hội dân gian từng bước được phục hồi, các đình, chùa, đền, miếu, các danh lam, thắng cảnh được khôi phục và bảo tồn; các di sản văn hoá dân gian được sưu tầm và phát huy.

Mặc dù mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán riêng, nhưng quá trình giao lưu kinh tế và văn hoá khiến cho các sinh hoạt lễ hội có xu hướng pha trộn và xích lại gần nhau. Lễ hội ở Tuyên Quang đang ngày một hồi sinh và phát triển, đang được các ngành quan tâm khai thác để phục vụ cho chương trình phát triển văn hóa và du lịch.

Dưới đây là một số lễ hội chính ở Tuyên Quang:

Lễ hội chùa Hương Nghiêm (chùa Hang)

Lễ rước nước tại Lễ hội chùa Hương Nghiêm Tuyên Quang. Ảnh: Thu Hương

Chùa Hương Nghiêm được dựng năm 1537 tại núi Hương Nghiêm (thành phố Tuyên Quang). Chùa mở hội vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm cho nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương về tế lễ. Nơi đây không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi nhân dân làm lễ cầu mùa, mong cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội đền Hạ

Đền Hạ thuộc phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Đây là ngôi đền được hình thành từ truyền thuyết thời đại Hùng Vương, thờ hai nàng công chúa con Vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân. Năm Mậu Ngọ (1738), đời Vua Cảnh Hưng, đền được xây dựng chính thức. Về sau (năm 1767), nhân dân xây thêm một ngôi đền nữa về phía thượng nguồn, gọi là đền Thượng. Hai ngôi đền có nhiều linh ứng. Lễ hội được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm

Lễ hội rước Mẫu đền Hạ được tổ chức vào tháng Giêng tại thành phố Tuyên Quang. Ảnh: K.T

Lễ hội đền Thượng

Đền Thượng thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang được xây dựng vào thế kỷ XVIII - năm Đinh Hợi (1767), thờ Công chúa Ngọc Lân, người được nhân dân tôn làm Thánh Mẫu. Hằng năm vào ngày 12-2 (âm lịch), nhân dân khắp nơi tới đền làm lễ.

Lễ hội đền Bắc Mục

Đền Bắc Mục còn gọi là đền Ông, đền Đức Thánh Trần, thuộc xã Nhân Mục (nay là thị trấn Tân Yên), huyện Hàm Yên. Đền thờ Trần Hưng Đạo, đồng thời cũng thờ cả Thánh Mẫu và Đức Phật. Đền được lập từ thời Lê (năm 1738). Năm 1966, đền bị bom Mỹ phá hủy, từ đó các lễ hội bị gián đoạn. Năm 2008, lễ hội đền Bắc Mục chính thức được phục hồi. Lễ hội Đền Bắc Mục diễn ra vào ngày 20-8 âm lịch hàng năm.

Lễ hội đình Thác Cấm

Đình Thác Cấm thuộc làng Nhân Mục, tổng Mục, huyện Sùng Yên, trấn Tuyên Quang (thời Lê Hồng Đức); nay thuộc thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên. Đây là ngôi đình lớn nhất huyện Hàm Yên, hằng năm diễn ra nhiều lễ hội: lễ cầu mùa; mừng lúa mới, nhà mới; hát then, múa lượn; hội lồng tông, nghênh kiệu Mẫu từ đền Ông tới rồi tiễn Mẫu từ đình ra đền. Lễ hội diễn ra vào dịp tháng Giêng, sau cuộc tế lễ ở đền Bắc Mục.

Lễ đền Thác Cái

Đền Thác Cái nằm bên trái quốc lộ số 2, km64 về phía bắc đi Hà Giang; được hình thành từ tín ngưỡng dân gian và tục thờ Mẫu, gắn với một địa hình có con thác dữ. Từ thế kỷ XV, trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, ghềnh Thác Cái còn có tên là Tiên Thiềm Mẫu Tử (Cóc Mẹ Cóc Con), ám chỉ đá thác mấp mô, hiểm trở. Thác chảy mạnh tạo âm thanh lớn nên còn có tên là Tẩu Mã Cảng (Thác Ngựa Phi), diễn tả sự dữ dội của nó. Lễ đền Thác Cái diễn ra vào ngày 14-7 âm lịch hàng năm.

Lễ hội đình Giếng Tanh

Đình Giếng Tanh thuộc thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn; được dựng năm 1706 thờ Thành hoàng làng; là nơi sinh hoạt văn hoá của đồng bào Sán Chay (nhóm Cao Lan) và nhân dân địa phương. Ngoài việc thờ phụng hai vị tướng được suy tôn là Thành hoàng làng, đình còn thờ Quốc Mẫu Thiểm Hoa, thờ thần Nông, Thổ thần và Long Vương, các vị thần giúp nhà nông. Lễ hội đình Giếng Tanh tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng.

Lễ hội Đầm Mây làng Đồng Danh

Miếu thờ Bà chúa Đầm Mây ở xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, của đồng bào Dao Quần trắng, hình thành từ xa xưa theo huyền thoại địa phương. Hằng năm, lễ vào các ngày: 2-2, 6-6 và 26-12 âm lịch.

Ngoài ra Tuyên Quang còn có các lễ cầu mùa, lễ mừng lúa mới, lễ cấp sắc của người Dao; lễ hội Lồng tông của người Tày; lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Và đặc biệt không thể không nói đến đó là Lễ hội đường phố (Đêm hội Thành Tuyên)

Lễ hội đường phố tại thành phố Tuyên Quang được tổ chức vào dịp Tết Trung thu hằng năm. Ảnh: Thảo Linh

Xuất phát từ trò chơi rước đèn trung thu của trẻ em, Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức vào dịp Trung thu hằng năm; là lễ hội lớn, đặc sắc riêng có của Tuyên Quang những năm gần đây. Vào đầu tháng 8 âm lịch, ngoài các loại đèn kéo quân, đèn ông sao truyền thống, nhân dân thành phố Tuyên Quang và một số xã của huyện Yên Sơn tổ chức làm nhiều đèn trung thu khổng lồ với hình các con giống: rồng, phượng, cá chép, công, thỏ... mô phỏng các nhân vật lịch sử, di tích lịch sử, biểu tượng... rất kỳ công, tinh xảo, có ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Các mô hình được làm bằng tre, nứa, gỗ, kim loại, giấy, vải... với kích thước có khi cao đến 3-4m, dài 5-6m, trang trí lộng lẫy, có sử dụng đèn điện và hiệu ứng chuyển động nên rất sinh động. Đêm xuống, các mô hình được tổ chức diễu hành dọc các tuyến phố của thành phố Tuyên Quang, tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt, rực rỡ, lung linh sắc màu. Năm 2012, Đêm hội Thành Tuyên đã được ghi nhận kỷ lục Guines Việt Nam là lễ hội có nhiều mô hình lớn nhất; năm 2013, được ghi nhận kỷ lục mâm cỗ Trung thu lớn nhất.

Thảo Linh
(Theo Địa chí Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục