P.V: Xin đồng chí cho biết, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19?
Đồng chí Trịnh Ngọc Tuấn: Ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của ngành về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trọng tâm là tuyên truyền Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN Việt Nam, Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ... Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền tới hội viên về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất để hội viên nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt đầy đủ nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp thông tin về khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, sử dụng các dịch vụ ngân hàng và việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng đang có quan hệ tín dụng, làm việc trực tiếp với khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng để có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định.
Vietcombank Tuyên Quang triển khai hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trong năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua các biện pháp cụ thể như:
Về hỗ trợ về tín dụng đã thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN; cho vay mới với lãi suất ưu đãi; giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng.
Hỗ trợ về giảm lãi suất đối với các món vay mới và các khoản vay hiện hữu. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng thương mại đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay, nhất là thực hiện chủ trương đồng thuận giảm lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra, kể từ ngày 15-7-2021 đến hết năm 2021 các ngân hàng sẽ tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động để tiếp tục giảm từ 0,5% đến 2% lãi suất cho vay đối với những khoản vay hiện hữu và cho vay mới. Như vậy, hiện nay lãi suất cho vay đã giảm từ 1% - 3% so với đầu năm 2020.
Các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm khoảng 30 loại phí dịch vụ ngân hàng, trong đó tập trung miễn giảm phí thanh toán, chuyển tiền điện tử để khuyến khích khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
P.V: Từ những giải pháp nêu trên, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã đạt kết quả thế nào trong hỗ trợ khách hàng, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Ngọc Tuấn: Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt những giải pháp, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp khôi phục, duy trì và tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Kết quả thực hiện lũy kế đến hết tháng 7 năm 2021 như sau:
Thứ nhất, kết quả thực hiện các giải pháp về hỗ trợ tín dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.045 khách hàng với tổng dư nợ đạt 351 tỷ đồng. Trong đó, số khách hàng doanh nghiệp được cơ cấu là 30 khách hàng với dư nợ 287 tỷ đồng. Miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 17 khách hàng với số dư nợ miễn giảm là 86 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn giảm là 240 triệu đồng. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp được miễn giảm lãi là 12 khách hàng, số dư nợ được miễn giảm là 82 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm là 222 triệu đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến 31-7-2021 đạt khoảng 3.800 tỷ với gần 1.000 khách hàng, trong đó doanh số cho vay mới đối với khách hàng doanh nghiệp là 2.830 tỷ với 254 khách hàng. Giảm lãi suất trực tiếp đối với món vay hiện hữu cho khoảng 44.800 khách hàng với số dư nợ được giảm lãi suất là gần 11.000 tỷ đồng, trong đó giảm lãi suất trực tiếp cho 536 doanh nghiệp với số dư nợ là gần 4.600 tỷ đồng.
Như vậy, từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả các khoản các ngân hàng đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới cho khách hàng khoảng 22 tỷ, trong đó giảm tiền lãi đối với khách hàng doanh nghiệp khoảng 15 tỷ đồng.
Thứ hai, về kết quả giảm phí dịch vụ, các ngân hàng thương mại tích cực triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Với việc giảm khoảng 30 loại phí, mức giảm tùy vào giá trị của giao dịch, nhưng giao động khoảng từ 2.000 - 5.000 đồng/giao dịch. Đồng thời, trong tháng 8 năm 2021, các ngân hàng tiếp tục giảm phí giao dịch trên ATM, POS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng cho toàn bộ khách hàng có phát sinh giao dịch.
Thứ ba, về thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tiếp cận với 909/909 doanh nghiệp sử dụng lao động có đóng bảo hiểm theo quy định để tuyên truyền, phổ biến chủ trương cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Kết quả, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay 2 đơn vị với số tiền trên 133 triệu đồng. Hiện đang tiếp tục hướng dẫn 3 đơn vị hoàn thiện hồ sơ vay vốn, để giải ngân theo quy định.
P.V: Trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã đề ra những giải pháp gì để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn?
Đồng chí Trịnh Ngọc Tuấn: Ngành Ngân hàng Tuyên Quang tiếp tục xác định việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động là nhiệm vụ hàng đầu của toàn ngành. Trong đó trọng tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các ngân hàng tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo thẩm quyền và theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13-3-2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, ngày 2-4-2021 và các quy định giảm lãi suất đối với dư nợ cho vay hiện hữu, cho vay mới đã được các ngân hàng đồng thuận thực hiện.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các biện pháp, hình thức thiết thực, phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật để khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, trong phạm vi thẩm quyền và quy định của pháp luật, hướng dẫn của ngân hàng cấp trên cùng hệ thống, các ngân hàng có chính sách hỗ trợ khách hàng bị cách ly, không thể thực hiện được các nghĩa vụ đến hạn như trả nợ vay, nợ lãi... với ngân hàng.
Thứ ba, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm phí dịch vụ ngân hàng, nhất là phí dịch vụ ngân hàng đối với các giao dịch điện tử để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, giảm tối đa việc phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, nhằm góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Thứ tư, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, khảo sát, bảo đảm nắm kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh để trả lương ngừng việc cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất theo quy định, bảo đảm việc giải ngân vốn vay kịp thời, đúng quy định.
Thứ năm, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ của các ngân hàng thương mại, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, kịp thời, thực chất. Đồng thời, chỉ đạo từng ngân hàng thực hiện tốt chế độ báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp, giải pháp, các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thùy Linh
(thực hiện)
Gửi phản hồi
In bài viết