Người di cư di chuyển tại Huixtla, bang Chiapas, Mexico trong hành trình tới Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giới chức Panama công bố số liệu cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay đã có 134.178 người di cư vượt rừng rậm Darien, vượt mức kỷ lục ghi nhận năm 2021. Theo Bộ An ninh công cộng Panama, trong số những người di cư có cả phụ nữ mang thai và trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh.
Trong hành trình tìm kiếm “giấc mơ Mỹ”, khi đến lãnh thổ Panama, những người di cư đã gần như kiệt sức. Từ nhiều năm qua, hàng trăm nghìn người di cư di chuyển qua tỉnh Darien và vùng lân cận Guna Yala, ở Panama trên đường đến Bắc Mỹ, bất chấp địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và nguy cơ rơi vào tay các nhóm tội phạm buôn người, cướp bóc, tống tiền và lạm dụng tình dục.
Sông Bravo, biên giới tự nhiên giữa Mexico và Mỹ cũng là một trong những tuyến đường phổ biến với người di cư trái phép tìm cách vào Mỹ. Tuyến đường gần 400km dọc sông Bravo đặc biệt nguy hiểm, bởi nước sông chảy nhanh và đổi hướng đột ngột. Thế nhưng, chỉ riêng tháng 7 vừa qua, có khoảng 50.000 người di cư qua đây và bị bắt giữ. Cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ cho biết, hơn 200 thi thể người di cư được phát hiện tại khu vực sông Bravo từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022. Hôm 3/9, nhà chức trách Mỹ và Mexico thông báo trục vớt 9 thi thể người di cư xấu số.
Bất chấp hiểm nguy trên đường đi và các biện pháp ngăn chặn của lực lượng chức năng, người di cư vẫn ồ ạt kéo đến khu vực biên giới Mexico-Mỹ. Trong tháng 8, đã có 8 đoàn người di cư xuất phát từ miền nam Mexico hướng tới biên giới Mỹ.
Ngày 2/9, lại có thêm một đoàn gồm khoảng 400 người di cư khởi hành từ thành phố Tapachula, giáp biên giới Guatemala. Ngày 22/9, nhà chức trách Mexico thông báo đã phát hiện hơn 150 người di cư từ Trung Mỹ chen chúc trong một xe tải bị bỏ lại trên đường cao tốc. Vụ việc gợi lại ký ức đau buồn hồi tháng 6, khi có hơn 50 người di cư thiệt mạng sau khi bị bỏ rơi trong công-ten-nơ ở bang Texas của Mỹ.
Về phía Mỹ, giới chức các địa phương cũng đau đầu tìm lời giải cho bài toán người di cư. Tháng 9 vừa qua, Thị trưởng Washington thậm chí phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp công cộng liên quan những chuyến xe buýt chở người di cư từ hai bang Texas và Arizona giáp Mexico đến thủ đô Washington. Văn phòng Dịch vụ di cư mới được thành lập tại Washington để giải quyết các vấn đề liên quan, sau khi các số liệu thu thập cho thấy khoảng 9.400 người di cư đã được đưa đến Washington kể từ tháng 4/2022 và thêm hàng trăm người sẽ tiếp tục tới.
Những con số thống kê về người di cư liên tiếp xô đổ kỷ lục cũ, buộc chính phủ Panama, Colombia và các nước trong khu vực phải bắt tay cùng đối phó cuộc khủng hoảng ngày một trầm trọng. Panama siết chặt an ninh và tăng hỗ trợ nhân đạo ở biên giới, thông qua các trung tâm tiếp nhận người di cư, với dịch vụ chăm sóc y tế và cung cấp lương thực.
Mexico tăng cường các chiến dịch tuần tra để ngăn chặn các vụ đưa người vượt biên giới trái phép bằng xe tải, phương thức phổ biến mà những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư tới Mỹ. Nhà trắng cũng công bố gói viện trợ nhân đạo mới trị giá 200 triệu USD nhằm hỗ trợ Mexico và các quốc gia Trung Mỹ giữ chân người di cư, nâng tổng số viện trợ nhân đạo của Mỹ cho khu vực này lên gần 600 triệu USD, tính từ năm 2018.
Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách di cư (MPI) và Chương trình Lương thực của Liên hợp quốc (WFP), nghèo đói, mất an ninh lương thực, bạo lực và biến đổi khí hậu đã đẩy khoảng 378.000 người Trung Mỹ di cư đến Mỹ trong vòng 5 năm qua. Vấn đề gốc rễ dẫn đến tình trạng người di cư không thể được giải quyết bằng những nỗ lực riêng lẻ và chỉ trong ngày một, ngày hai.
Gửi phản hồi
In bài viết