Sinh ra ở đất cam nên ngay từ khi còn bé, nhìn thấy các bác, các chú trong nhà dùng ngựa thồ cam xuống núi, Nghinh vô cùng thích thú. Cậu ước có một ngày sẽ có chú ngựa của riêng mình, được cưỡi trên lưng ngựa đi khắp vùng sơn cước.
Năm 15 tuổi, Nghinh mạnh dạn xin gia đình học cưỡi ngựa. Ở cái tuổi ham khám phá, học hỏi, Nghinh học cưỡi ngựa rất nhanh, bắt đầu từ những lời trò chuyện, vuốt ve, chú ngựa dần quen chủ, rồi sau đó từ từ dẫn dắt, tiếp cận để ngựa quen người, quen việc. Nghinh chia sẻ: “Niềm đam mê với ngựa dường như có từ lúc tôi mới sinh ra, cứ thấy ngựa là tôi lại muốn chinh phục, muốn thuần hóa chúng".
Lớn lên một chút, chàng trai người Tày nhận ra mình có năng khiếu với việc thuần hóa và cưỡi ngựa đua. Anh bắt đầu lên cho mình kế hoạch tập luyện vô cùng gian khổ, có mồ hôi, có máu, có nước mắt nhưng đó cũng là những tháng ngày bản thân Nghinh thấy vô cùng hạnh phúc. Khi quyết định trở thành một nài ngựa (người điều khiển ngựa đua) người làm nài ngoài đủ tiêu chuẩn về cân nặng còn phải nắm vững những kỹ thuật khi đua như cách bẻ cua, kìm cương, lấy đà, tăng tốc... Và, điều quan trọng hơn cả là phải làm cho người và ngựa hiểu nhau. Đó được xem là một yêu cầu không thể thiếu để một nài ngựa có được danh tiếng của riêng mình.
“Việc làm quen với ngựa rất quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc thành bại của cuộc đua. Nếu như không quen, không hiểu con ngựa đó, nài sẽ không biết điểm mạnh, điểm yếu của nó mà phát huy hay phòng tránh. Ngựa là một loài vật thông minh và trung thành, chúng cũng có tính cách riêng, có con rất hung hăng, khó thuần, có con lại hiền hòa, dễ chịu. Đối với con ngựa hăng thì khó chỉnh hơn nhưng được cái rất sung, ra đường đua là bức tốc, cắm cúi phóng như bay nhưng chỉ được "phong độ" nhất thời. Ngược lại con ngựa hiền có độ “ỳ” nhưng hết sức kiên trì, bền bỉ chịu khó bám đường, sức rướn cũng rất tốt. Con ngựa gắn bó với tôi lâu nhất là Bạch Kim, nó theo tôi suốt cả thời niên thiếu, tôi và nó thậm chí không còn là chủ và vật nuôi mà giống như 2 người bạn, chính sự thân thiết đó đã giúp tôi và Bạch Kim có những thắng lợi đầu tiên của mình” - Nghinh chia sẻ.
Dành nhiều tình yêu cho ngựa và những cuộc đua như vậy thế nhưng thời gian đầu Nghinh lại không nhận được sự ủng hộ của gia đình, bố mẹ anh ngăn cản vì cảm thấy môn thể thao này quá mạo hiểm, vợ của anh cũng không đồng tình vì lo lắng chồng sẽ gặp những tai nạn và chấn thương nghiêm trọng. Khi chia sẻ về chuyện này, Nghinh chỉ mỉm cười tươi rói bởi vì đến giờ cả nhà đã ủng hộ anh trên con đường chinh phục những đường đua. Còn về chấn thương, Nghinh và cả gia đình chấp nhận nó như một sự đánh đổi khi theo đuổi nghiệp cầm cương. Đã có lần Nghinh ngã ngựa và gãy xương quai xanh, chấn thương ấy khiến anh không thể cầm cương trong một thời gian, tuy nhiên đến khi xương lành lại Nghinh lại trở lại với đường đua.
Hơn nữa, làm thân kỵ mã, dù nắm vững kỹ thuật đến mấy, trải qua bao nhiêu cuộc đua các nài ngựa cũng luôn hiểu và chấp nhận mỗi cuộc đua là 1 lần đánh cược với chấn thương thậm chí là đánh cược với chính tính mạng của mình. Nghinh cho biết, làm nài bị ngựa đá gãy xương sườn, gãy chân, cắn đứt tay là chuyện bình thường. Cái đáng sợ là ngã trên đường đua. Mặc dù có bảo hiểm, nhưng các tai nạn ngoài mong muốn như gãy cổ, dập lá lách,... thậm chí mất mạng là điều khó tránh khỏi. Chuyện nghe tin có nài bị tai nạn nghiêm trọng khi đua là chuyện không hiếm.
Cưới vợ năm 23 tuổi, đến này đã hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Liên vợ Nghinh cũng đành phải chiều theo sở thích, đam mê của chồng. Mỗi lần anh leo lên lưng ngựa đua chị lại cảm thấy lo lắng khôn nguôi, có can ngăn, có trách móc, giận hờn nhưng chị bảo: “Đua ngựa đã ngấm vào máu của anh ấy rồi, không từ bỏ được. Anh ấy đi đua và huấn luyện ngựa cũng là để mong muốn gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn, chăm lo cho các con nên cuối cùng tôi cũng thuận theo. Dù ở hành trình nào tôi cũng luôn dặn anh chú ý đến sức khỏe, hạn chế chấn thương, động viên anh cố gắng”.
Có sự ủng hộ của gia đình, có vợ là hậu phương vững chắc đã củng cố thêm ý chí của nài ngựa Nông Văn Nghinh, anh là người 2 năm liên tiếp giành giải Nhất tại Giải đua ngựa đầu xuân - Shanrila Mường Lò (Yên Bái). Nhiều năm liền giành giải cao tại giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà (Lào Cai). Đây đều là những giải đua truyền thống, có từ lâu đời, nơi tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đề cao tinh thần thượng võ, tăng cường giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc.
2 năm trước, khi Bạch Kim đã lớn tuổi, Nghinh đã chăm sóc thêm một chú ngựa con được anh đặt tên là Thiên Mã. Đây là một chú ngựa với bộ lông màu nâu óng ả được Nghinh vô cùng quan tâm, chăm sóc. Qua con mắt của một nài ngựa chuyên nghiệp, anh nhận ra tiềm năng và giá trị của Thiên Mã, nó dường như sinh ra để trở thành một chiến mã chinh phục những đường đua và cùng với anh viết tiếp những thành tích đỉnh cao.
Nghinh hy vọng với bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc, sự phát triển thần tốc của du lịch, Tuyên Quang sẽ có một giải đua ngựa của riêng mình, chắc chắn sẽ thu hút rất đông du khách và nài ngựa đăng ký tham gia. Cùng với đó, mong rằng bộ môn đua ngựa sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tạo điều kiện cho các vận động viên tập luyện và tham gia thi đấu ở các giải trong nước, nâng cao vị thế cho thể thao Tuyên Quang.
Gần 20 năm kể từ ngày biết trèo lên lưng ngựa rong ruổi khắp miền đất Phù Lưu, Nông Văn Nghinh vẫn đang sống với đam mê của mình. Mỗi lần Bắc Hà mở hội, Yên Bái đua tranh là Nghinh lại lên đường, hành trình tập luyện cực nhọc cả về thể xác lẫn tinh thần không làm Nghinh chùn bước. Với anh, đó mới là nơi anh thuộc về, nơi anh chinh phục và vượt qua chính mình.
Thực hiện: Hoàng Minh - Hoàng Lâm
Gửi phản hồi
In bài viết