Trong trang phục truyền thống của người Dao Đỏ, sắc đỏ luôn là tông màu chủ đạo. Và chiếc mũ đội đầu của em bé cũng không nằm ngoài tông chủ đạo ấy. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ là màu may mắn và tài lộc, thể hiện điềm lành. Vì vậy, trẻ em đội mũ sẽ khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn.
Em bé Dao đỏ ngộ nghĩnh với chiếc mũ đội đầu.
Để làm chiếc mũ này khá kỳ công và tỉ mỉ. Trong gia đình người Dao, những người lớn trong nhà thường làm sẵn 3 - 5 chiếc mũ dành cho trẻ chuẩn bị được sinh ra. Mũ thường được các bà, các mẹ tự tay trang trí cầu kỳ, có kích thước to, nhỏ khác nhau để dành đội đầu cho trẻ cả khi trẻ đã lớn. Các họa tiết hoa văn thêu trên mũ là hình chữ thập, hình quả trám, hình chim muông, cây cỏ… Nó không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ mà còn biểu hiện rõ về cuộc sống gắn bó với thiên nhiên. Sống dựa vào thiên nhiên nên đồng bào Dao mong muốn được mẹ thiên nhiên chở che, bao bọc. Và những đứa trẻ mới sinh ra được đất trời bao bọc sẽ ít bị ốm đau, bệnh tật…
Cùng với yếu tố tâm linh thì chiếc mũ đội đầu của em bé Dao Đỏ cũng như chiếc mũ của các dân tộc khác nhằm giữ ấm, tránh gió rét và để đầu của bé được tròn đầy, không bị méo. Chính vì vậy chiếc mũ thường khá dày. Ngoài việc được thêu nhiều họa tiết hoa văn nó còn được gắn nhiều quả bông len khá to (thường là 3-5 quả) to bằng nắm tay, đồng thời gắn nhiều tua rua len màu đỏ, xanh, vàng xâu những hạt cườm sặc sỡ. Khi đội mũ, chuỗi tua rua len, chùm quả bông đung đưa rung lắc trông rất ấn tượng và đẹp mắt. Đồng bào Dao sử dụng mũ để đội ấm đầu cho trẻ em ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Đây cũng là vật trang trí, chưng diện và thể hiện sự quan tâm dành những gì tốt đẹp nhất cho đứa trẻ. Đồng bào Dao kiêng sờ đầu trẻ em, vì đầu là nơi trú ngụ các hồn vía con người. Do đó, chiếc mũ đội đầu truyền thống của trẻ mang ý nghĩa giữ ấm, che thóp đầu cho trẻ và trừ được tà ma...
Với nhiều tầng ý nghĩa, chiếc mũ đội đầu của em bé Dao Đỏ đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống người dân nơi đây. Và hình ảnh em bé Dao Đỏ đáng yêu được mẹ gùi trên lưng theo mẹ đi chợ phiên, lên nương đã trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết