Tham mưu “đúng”, “trúng”
Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 kéo theo tình hình tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi, lợi dụng triệt để khoa học, công nghệ để gây án. Điều đó đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi lực lượng kỹ thuật hình sự phải phát huy tính chủ động lường trước khó khăn, dự báo sớm tình hình, triển khai giải pháp phù hợp để ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
Ngay sau thành công của Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025 và Đại hội XIII của Đảng, lường trước những thách thức mới, cấp ủy, lãnh đạo Phòng Kỹ thuật hình sự đã chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đề xuất, tham mưu cho Công an tỉnh trình UBND tỉnh thông qua Đề án hiện đại hóa lực lượng kỹ thuật hình sự Công an Tuyên Quang đến năm 2025.
Lãnh đạo Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Chính sự tham mưu kịp thời “đúng”, “trúng” mang tính chiến lực cả trước mắt và dài hạn đó đã được các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện và đạt kết quả quan trọng. Theo đó, UBND tỉnh đã quan tâm cấp nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, phần mềm chuyên dụng… giúp đơn vị từng bước triển khai những chuyên ngành mũi nhọn theo lộ trình đến năm 2025.
Thực tế, việc đào tạo, bồi dưỡng một giám định viên phải mất ít nhất 3 năm. Do đó nếu không sớm có chiến lược dài hạn sẽ thiếu hụt số giám định viên kế cận, gây quá tải cho công tác giám định, nhất là các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Dự báo, lường trước tình hình đó, đơn vị cũng đã sớm chủ động đề xuất, tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật hình sự. Trên cơ sở đề xuất, tham mưu kịp thời của đơn vị, Công an tỉnh đã có nhiều đợt lựa chọn các cán bộ chiến sĩ có năng lực, nhiệt huyết (chủ yếu là cán bộ trẻ) để cử đi đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và từng bước bổ sung đội ngũ giám định viên chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đến nay, Phòng Kỹ thuật hình sự có 2 đồng chí trình độ thạc sỹ, 22 người trình độ đại học và 2 người đang học đại học. Đến năm 2025, 100% cán bộ chiến sĩ đơn vị bảo đảm có trình độ đại học và trên đại học. Với chiến lược chủ động “đi trước, đón đầu”, từ năm 2018 đến nay, đơn vị tham mưu cho Công an tỉnh cử 13 cán bộ đi bồi dưỡng, đào tạo tiêu chuẩn giám định viên. Hiện đơn vị đã có 18 giám định viên (tăng 10 người so với năm 2018) và đang đề nghị cơ quan thẩm quyền bổ nhiệm thêm 3 đồng chí.
Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh đã thực hiện đầy đủ 11 chuyên ngành, nổi bật là chuyên ngành khó là giám định kỹ thuật số và giám định âm thanh.
Tiên phong đi trước, đón đầu
Tuy không trực tiếp đương đầu với tội phạm nhưng lực lượng kỹ thuật hình sự có vai trò, có đóng góp quan trọng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bởi bất kể ngày hay đêm, khi xảy ra các vụ án, cán bộ chiến sĩ kỹ thuật hình sự là những người có mặt sớm nhất để khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập dấu vết… Đồng thời, những kết luận giám định tang vật, vật chứng là “chìa khóa” mở nút thắt, phục vụ đắc lực cho cơ quan điều tra sớm làm sáng tỏ các vụ án.
Xác định tầm quan trọng của lực lượng này, Bộ Công an đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa công tác kỹ thuật hình sự đến năm 2025 trong Công an nhân dân” theo Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 26/4/2023. Đây là bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 12 - NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đề án yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng kỹ thuật hình sự tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025. Theo lộ trình, đến năm 2025, lực lượng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh có năng lực thực hiện đầy đủ 11/11 chuyên ngành.
Với chiến lược chủ động tiên phong “đi trước, đón đầu”, Phòng Kỹ thuật hình sự đã có bước chuẩn bị chu đáo cả về nhân lực và máy móc, phương tiện phù hợp để xây dựng kế hoạch, triển khai thêm các chuyên ngành, lĩnh vực giám định mới. Đặc biệt là chuyên ngành khó là giám định kỹ thuật số, âm thanh trước thách thức ngày càng gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh khám nghiệm hiện trường vụ sản xuất hàng giả tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).
Đến tháng 3- 2023, đơn bị đã đủ năng lực thực hiện đầy đủ 11/11 chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự và pháp y. Đây là dấu mốc quan trọng đưa Tuyên Quang là một trong số ít địa phương tiên phong đi đầu triển khai đầy đủ các chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Mặc dù tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh được kiềm chế nhưng số vụ việc giám định được đơn vị thực hiện không ngừng tăng. Trong đó, năm 2019, đơn vị mới thực hiện được hơn 600 vụ giám định nhưng đến nay chỉ tính 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện được trên 850 vụ việc giám định.
Việc đơn vị triển khai đầy đủ các chuyên ngành giám định có ý nghĩa rất lớn, khi đã giải quyết được trên 90% số vụ việc cần giám định của Công an Tuyên Quang. Chỉ trừ những vụ việc khó, đòi hỏi chuyên môn cao, trang thiết bị máy móc chuyên dụng mới phải chuyển trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Từ đó, giảm thời gian, chi phí rất lớn, đáp ứng nhanh, kịp thời phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương.
Sự chủ động, sáng tạo tiên phong của Phòng Kỹ thuật hình sự đã tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng Công an Tuyên Quang thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lê Hoài Vũ
Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang
Gửi phản hồi
In bài viết